Thứ ba, 26/2/2013, 21:09 GMT+7
Thông tin nói trên được ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Vàng bạc đá quý SJC – đưa ra trong buổi lễ ký hợp đồng nguyên tắc gia công vàng miếng giữa Ngân hàng Nhà nước và SJC chiều 26/2. Theo đó, SJC sẽ thực hiện sản xuất vàng miếng SJC từ nguồn vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước theo “đơn đặt hàng” của cơ quan này.
Ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch SJC tự tin có thể gia công đủ nguồn cung vàng cho thị trường. Ảnh: Thanh Lan. |
Theo ông Lê Hùng Dũng, trong vòng từ 2 tuần đến một tháng tới, SJC sẽ bắt đầu thực hiện việc gia công theo hợp đồng ký kết.
Trả lời báo chí về khả năng co hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và quốc tế, đại diện SJC nhận định ngày đó sẽ không còn xa. “Theo tôi nghĩ, chỉ trong vòng một tuần lễ kể từ khi hợp đồng được ký kết, nếu nguồn cung tốt thì giá gần như sẽ sát với thị trường. Khi có nguồn cung, đặc biệt là nguồn nguyên liệu từ Ngân hàng Nhà nước tung ra để SJC sản xuất thì giá sẽ giảm xuống”, ông Dũng khẳng định.
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến lo ngại về công suất dập, đúc vàng miếng của Công ty SJC khi họ trở thành đơn vị duy nhất độc quyền gia công vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước. Giải đáp những lo ngại này, đại diện SJC cho biết, trước đây thời điểm thấp nhất, mỗi ngày SJC gia công khoảng 10.000 lượng vàng nhưng sau khi đầu tư công nghệ máy móc và đặc biệt, phát triển xưởng sản xuất tại Tân Thuận (TP HCM) thì công suất mỗi ngày có thể lên tới 80.000 lượng, tương đương khoảng 3 tấn vàng.
“Nếu dập đúng công suất này thì trong 10 ngày sẽ có 30 tấn vàng dưới hình thức vàng SJC được ra thị trường, tôi nghĩ không có nguồn cung nào dồi dào hơn thế”, Chủ tịch SJC cho hay.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quang Huy – Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước cho rằng giai đoạn sau Tết, khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới giãn ra do nguyên nhân giá vàng thế giới giảm nhanh, trong khi giá vàng trong nước điều chỉnh không kịp. “Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai các bước để sớm tham gia vào thị trường với vai trò là người bán ra thông qua cơ chế đấu thầu. Đến 30/6 thì chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới chắc chắn sẽ giảm và không loại trừ khả năng cân bằng”, ông Huy khẳng định.
Cũng theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, trong 3-4 tuần tới, 9 tấn vàng phi SJC tạm nhập tái xuất sẽ được chuyển đổi hoàn tất. Đây chủ yếu là số vàng các tổ chức tín dụng huy động từ dân. Hiện còn khoảng 10 ngân hàng chưa tất toán xong vàng và chủ yếu ở phía Nam.
Dự kiến thứ 6 tới (ngày 1/3), Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thấu đầu tiên. “Thông qua đấu thầu, thì trong giai đoạn đầu sẽ chủ yếu thực hiện đấu thầu bán, theo đó Ngân hàng Nhà nước sẽ cung một lượng vàng miếng khá lớn ra thị trường, từ đó làm cho mức giá chênh với thế giới giảm”, ông Huy cho biết.
Ông Lê Minh Hưng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau việc ký hợp đồng này, công ty SJC sẽ phải chịu trách nhiệm về quy cách, chất lượng, khối lượng vàng miếng sẽ được sản xuất. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát việc gia công vàng miếng, từ việc nhập vàng nguyên liệu đến việc gia công, sản xuất vàng miếng.
Ông Lê Hùng Dũng cho biết SJC tự nguyện chuyển giao toàn bộ thương hiệu đó cho Ngân hàng Nhà nước. Trước khi Ngân hàng Nhà nước chính thức chọn SJC là đơn vị gia công vàng miếng thương hiệu quốc gia, đơn vị này đã dự kiến trình UBND TP HCM phương án cổ phần hóa Công ty SJC. Đồng thời, SJC cũng thuê một số chuyên gia sơ bộ đánh giá giá trị thương hiệu SJC trên thị trường. “Với sức tiêu thụ vàng miếng 30-40 tấn một năm trên thị trường 90 triệu dân thì ước tính thương hiệu SJC có giá trị trên dưới 100 triệu USD”, ông Lê Hùng Dũng nói.
Thanh Thanh Lan
(vnexpress.net)