Thông tin trên được đăng tải trên trang web của Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC), cơ quan của nhà nước, vào ngày 19/2 vừa qua. Thông tin cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã chính thức khởi động chương trình phát triển các nhà máy điện hạt nhân cho các tàu. Tuy nhiên, điều thú vị là thông tin đã được hạ xuống sau khi có 682 người vào xem.
Trong thông tin được đăng tải có đoạn, “Công nghệ năng lượng hạt nhân vô cùng quan trọng cho tàu của Bộ Khoa học và Công nghệ và dự án nghiên cứu an toàn 863 cùng công nghệ năng lượng từ lò phản ứng loại nhỏ, cũng như dự án ứng dụng hỗ trợ công nghệ đã chính thức được thành lập”.
Mặc dù thông tin trên trang web không đề cập đến các tàu sân bay song CSIC là công ty đã “biến hóa” vỏ tàu sân bay cũ Varyag của Liên Xô thành tàu sân bay đầu tiên của hải quân Trung Quốc, tàu Liêu Ninh. Trung Quốc hiện được cho là đang nỗ lực phát triển ít nhất thêm 2 tàu sân bay nữa trong thập niên tới.
Cần phải lưu ý rằng Trung Quốc đã có hạm đội tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo. Bài báo đăng tải trên tờ South China Morning Post, tờ đầu tiên đưa tin về chương trình lò phản ứng mới, chỉ ra rằng phát triển một tàu sân bay hạt nhân có thể là bước hậu cần tiếp theo của hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, Jeffrey Lewis, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu phi phổ biến vũ khí James Martin, lại hạ thấp tầm quan trọng của chương trình mới, cho biết các kỹ sư Trung Quốc có thể chỉ đơn giản đưa phiên bản lớn hơn của các lò phản ứng tàu ngầm hiện nay vào tàu sân bay.
Tất cả các tàu sân bay và tàu ngầm của hải quân Mỹ đều chạy bằng năng lượng hạt nhân. Ưu thế lớn nhất của các tàu hạt nhân là chúng không cần phải tiếp nhiêu liệu thường xuyên như các tàu chạy bằng năng lượng thông thường khác. (tiếp nhiên liệu hàng thập kỷ thay vì hàng tháng). Một điều đáng lưu ý khác, lò phản ứng hạt nhân cho hải quân có xu hướng dùng urani làm giàu cấp độ cao, cùng loại để tạo ra vũ khí hạt nhân.
Các tàu sân bay Trung Quốc dự kiến tự phát triển được cho là dựa trên thiết kế của Liêu Ninh và sẽ rút kinh nghiệm từ việc vận hạnh “tàu khởi đầu”.
Nhiều nguồn tin báo chí cho rằng hai tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc sẽ chạy bằng năng lượng thông thường và sẽ được đưa vào phục vụ vào khoảng năm 2015 và chiếc thứ ba sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân, có thể bắt đầu được triển khai vào năm 2020.
Tàu Liêu Ninh ban đầu được hạ thủy ở Ukraine vào năm 1988, với tên gọi Varyag, nhưng sứ mệnh xây dựng tàu đã bị ngưng năm 1992, do Liên Xô sụp đổ. “Cô nàng” đã tạm nghỉ ở một xưởng đóng tàu ở Ukraine tới một thập kỷ, bị “tước” hết động cơ, hệ thống điện và thiết bị chiến đấu. Trung Quốc mua vỏ tàu từ Ukraine vào năm 1999 và mới đầu cho biết họ sẽ biến tàu thành casino. Năm 2002, Varyag được kéo từ Biển Đen về Trung Quốc và được tân trang lại. Năm 2011, tàu lần đầu tiên được đưa xuống biển chạy. Tháng 11 năm ngoái, các chiến đấu cơ Trung Quốc đã thực hiện cất, hạ cánh lần đầu tiên từ boong tàu Liêu Ninh. Thế là quá nhiều cho một casino.
Vũ Quý
Theo FP
Xem thêm :hải quân trung quốc, công nghệ, liên xô, trang web, liêu ninh, bộ khoa, tàu sân bay, varyag, năng lượng, nghiên cứu
(dantri.com.vn)