Tinh Hoa

Giải mã hang động chứa ăm ắp quan tài thân cây

Theo số đếm của anh Hà Văn Niêm, trưởng bản Muỗng, trong hang chứa khoảng hơn 50 tấm “thuyền”, tức khoảng gần 30 bộ quan tài cổ.

Kỳ 1

Kỳ 2: Giải mã động quan tài

Tại Việt Nam, những quan tài độc mộc trong động núi ở Quan Hóa là phát hiện đầu tiên và quy mô nhất về hình thức mai táng này. Chúng tôi cũng có dịp khám phá các hang động khác ở các huyện Quan Sơn, Mường Lát (Thanh Hóa) có hình thức mai táng tương tự, nhưng số lượng quan tài ít hơn nhiều.

Tại ngọn núi đá dựng đứng nằm ngay kề dòng sông Lò, thuộc bản Máy (xã Trung Thượng, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) cũng có một hang động sâu chừng 15m, cao hơn 7m.

Trong động có khoảng 14 cỗ quan tài được đục từ nguyên thân các cây gỗ lớn nhỏ, chiếc nào cũng có một hoặc hai đầu chốt bằng gỗ.

Chiếc quan tài lớn nhất dài chừng 2,7m, rộng khoảng 0,4m, nhỏ hơn một chút so với cỗ quan tài lớn nhất bên động Pó Cúng (Quan Hóa), và có khá nhiều quan tài nhỏ.

Đường lên động quan tài đặc biệt hiểm trở 

Cách quần thể hang động núi Pha Hang Quen không xa, ở các hang núi của Pha Dờn (bản Muỗng, xã Trung Xuân, Quan Sơn) cũng còn khá nhiều các cỗ quan tài như vậy.

Hang núi Pha Dờn rộng rãi, cao thoáng như trong lòng một ngôi nhà sàn lớn, có nhiều hang hốc bên trong. Theo số đếm của anh Hà Văn Niêm, trưởng bản Muỗng, trong hang chứa khoảng hơn 50 tấm “thuyền”, tức khoảng gần 30 bộ quan tài cổ.

Trở lại câu chuyện về động Pó Cúng. Khi nhận được thông tin về những cỗ quan tài kỳ lạ, các nhà khoa học của Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tức tốc lên đường, về Quan Hóa để tìm hiểu thực địa, bước đầu xác định được niên đại và chủ nhân của những cỗ quan tài táng trên động núi này.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối, hiện là Trưởng phòng Nghiên cứu thời kỳ đồ đá – Viện Khảo cổ học, người đã trực tiếp tham gia nghiên cứu tại Quan Hóa, thì việc các quan tài được đưa vào đặt trong động núi mà không chôn vùi hoàn toàn có thể giải thích.

Các giá gỗ để đặt quan tài trong động Pó Cúng 

Thuật ngữ chuyên ngành khảo cổ gọi nghi thức mai táng người chết này là huyền quan táng, nhai táng chế, nhai động táng hay ma nhai táng.

Từ chữ huyền, nhai (vách núi đá dựng) kết hợp với chữ động (hang động) hoặc chữ quan (quan tài) cho ta hình dung rằng, đây là hình thức để đưa quan tài của người chết vào an nghỉ trong các hang động trên vách núi đá cao, thẳng.

Theo các nhà khảo cổ, huyền quan táng xuất hiện phổ biến từ thời văn hóa Đông Sơn, sau đó bảo lưu lâu dài thành truyền thống của nhiều tộc người vùng Đông Nam Á. Thái Lan có hang Ma, hang Ongbah, Philippines có hang Ninh, đảo Kalimantan hay Tabon…

Phía Nam sông Dương Tử của Trung Quốc (các tỉnh Phúc Kiến, Giang Tây, Hồ Nam, Tứ Xuyên, Vân Nam, Quảng Tây…) vẫn còn khá nhiều hang động có hình thức mai táng này, đặc biệt là ở Di Vũ Sơn (Phúc Kiến).

Những dấu tích còn lại của động núi Pha Quen 

Người ta cũng đã xác định được niên đại của các quan tài trong hang động Thái Lan có từ thế kỷ I, bên Trung Quốc thì trong khoảng từ thời Chiến Quốc tới thời Minh – Thanh.

Việc những chiếc quan tài đục từ nguyên thân cây gỗ được đặt trên các giá gỗ trong lòng động (chứ không phải đặt dưới nền) ở nơi đây là minh chứng thuyết phục nhất, xác thực nhất về hình thức huyền quan táng.

Từ các đồ vật táng cùng thu lượm được bên trong động và chất gỗ của các quan tài gỗ được gọt đẽo tinh xảo, các nhà khoa học xác định niên đại của chúng vào khoảng thời đại kim khí, trước sau công nguyên một thế kỷ, kéo dài tới thời Trần – Lê.

Những mảnh xương chi, răng, sọ người cùng một số đồ tùy táng hiện còn lưu giữ được, cho phép xác định chủ nhân là tộc người Bách Việt, cư trú vùng phía Đông Nam sông Dương Tử.

Quan tài còn rất nhiều trong hang 

“Chủ nhân của những cỗ quan tài chắc chắn là một tộc người thuộc dòng Bách Việt, đã cư trú ở vùng đất Quan Hóa từ ngàn năm trước.

Còn là người Khơ Mú, người Mường hay người Thái cổ xưa thì chúng tôi đang nghiên cứu, hiện chưa đủ cứ liệu kết luận” – Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối trao đổi với chúng tôi về chủ nhân đích thực của huyền quan táng tại Quan Hóa.

PGS.TS Trình Năng Chung (Trưởng phòng Khoa học và đào tạo, Viện Khảo cổ học) cho biết thêm: “Qua nghiên cứu ở những hang động huyền quan táng, tôi cho rằng, hình thức mai táng này xuất phát từ quan niệm của người xưa: Con người được sinh ra từ đá và khi chết sẽ trở về nguồn cội là đá.

Vì từ buổi bình minh của loài người, thời kỳ hậu đá mới, cách nay chừng 4.000 – 5.000 năm, con người sinh sống trong hang đá, đấu tranh sinh tồn xung quanh hang đá, nên trong đời sống của họ đâu đâu cũng có hình ảnh đá.

Đá là nơi trú ngụ linh hồn củ
a họ cả khi sống và đã chết. Nói tóm lại, cũng như người sống, linh hồn người chết cần bấu víu vào một nơi nào đó, nên được cộng đồng đem mai táng trong hang động như sự trở về vị trí ban đầu của đời mình, về với cội nguồn.

Cũng như một số hình thức mai táng khác của văn hóa cự thạch, xung quanh ngôi mộ là các hòn đá lớn dựng đứng, hoặc mộ đá, thể hiện quan niệm xưa rằng: Linh hồn người chết nương tựa và bám vào trong các hòn đá.

Còn tiếp…

Gia Linh

(vtc.vn)