Tinh Hoa

Những bữa tiệc thiên văn năm 2013

Thứ sáu, 15/2/2013, 15:23 GMT+7

Năm 2013, các tín đồ của bầu trời sẽ có dịp tận hưởng những bữa tiệc đầy màu sắc với nhiều hiện tượng thiên văn nổi bật như nhật thực, nguyệt thực, sao băng, sự hội ngộ của các hành tinh.

Nhật thực hình khuyên. Ảnh: Telegraph.

Năm của nhật thực

Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2013 là năm của nhật thực và nguyệt thực vì người dân trên trái đất có cơ hội được chiêm ngưỡng đến hai lần nhật thực và ba lần nguyệt thực.

Lần nhật thực đầu tiên trong năm nay sẽ là nhật thực hình khuyên xảy ra vào ngày 10/5. Dải nhật thực toàn phần được quan sát trong một dải hẹp có bề rộng từ 171 – 225 km và kéo dài từ Australia, tới những hòn đảo trên Thái Bình Dương như Papua New Guinea, đảo Solomon và đảo Gilbert. Nhật thực một phần sẽ được quan sát trên một vùng rộng hơn bao gồm: Australia, Indonesia, New Zealand, Thái Bình Dương. Rất tiếc, người dân Việt Nam không quan sát được hiện tượng thú vị này.

Lần nhật thực thứ hai là “nhật thực lai” ngày 3/11. Đây là hiện tượng hiếm vì trong rất nhiều lần nhật thực mới có một nhật thực lai. Sở dĩ gọi là nhật thực lai bởi trong suốt quá trình bóng mặt trăng quét trên bề mặt trái đất, có nơi quan sát được nhật thực toàn phần, trong khi có nơi lại quan sát được nhật thực hình khuyên.

Đối với nhật thực lai lần này, nhật thực toàn phần và nhật thực hình khuyên sẽ được quan sát trong một dải hẹp kéo dài từ phía bắc Đại Tây Dương đến tận châu Phi. Khu vực trên Đại Tây Dương ở giai đoạn đầu của pha nhật thực sẽ quan sát được nhật thực hình khuyên, trong khi đó, những giai đoạn nhật thực tiếp theo sẽ là nhật thực toàn phần.

Dải nhật thực một phần sẽ được quan sát trong một vùng rộng lớn bao gồm: Bắc Mỹ, Đại Tây Dương, một phần châu Âu, châu Phi và Trung Đông. Cũng như nhật thực lần trước, người dân Việt Nam không có cơ hội quan sát nhật thực lần này.

Năm của nguyệt thực

Lần nguyệt thực mở màn cho năm 2013 là nguyệt thực một phần sẽ xảy ra vào ngày 25/4. Nguyệt thực lần này được quan sát trong một vùng rộng lớn bao phủ một nửa địa cầu gồm: châu Phi, châu Âu, châu Á, Ấn Độ Dương và Australia. Người dân Việt Nam có thể quan sát toàn pha của hiện tượng này.

Lần nguyệt thực thứ hai là nguyệt thực nửa tối xảy ra vào ngày 25/5. Nguyệt thực lần này sẽ được quan sát trong một vùng rộng bao gồm: châu Mỹ, Đại Tây Dương, phần lớn châu Phi, phía nam Thái Bình Dương. Việt Nam không quan sát được hiện tượng này.

Lần nguyệt thực cuối cùng trong năm 2013 là nguyệt thực nửa tối xảy ra ngày 18/10. Những khu vực như châu Mỹ, Đại Tây Dương, châu Âu, châu Phi, châu Á (trong đó có Việt Nam) quan sát được hiện tượng này.

Vẻ đẹp những “người láng giềng”

Các hành tinh sẽ tiếp tục tỏa sáng và phô bày vẻ đẹp trong năm 2013. Đây là cơ hội tuyệt vời cho tín đồ của bầu trời sử dụng kính thiên văn, máy ảnh để chiêm ngưỡng và lưu lại hình ảnh đầy thú vị về những người láng giềng của trái đất.

Ngày 28/4, sao Thổ sẽ tiến đến vị trí trên quỹ đạo mà khoảng cách đến trái đất gần nhất trong năm. Đây là cơ hội để chúng ta quan sát hành tinh đáng yêu này với chiếc vành rực rỡ như chiếc vành mũ của thiếu nữ trẻ trung. Nếu quan sát bằng mắt thường, sao Thổ sẽ tỏa sáng và là một trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đầu mùa hè với ánh sáng vàng lung linh. Còn để chiêm ngưỡng được chiếc vành đặc sắc này, chúng ta cần trang bị một chiếc kính thiên văn có độ phóng đại vừa phải.

Ngày 28/5, hai hành tinh rực rỡ nhất trên bầu trời là sao Kim và sao Mộc sẽ sóng đôi cùng nhau ở chân trời phía tây trước khi mặt trời lặn. Khoảng cách giữa hai hành tinh này chỉ có 1 độ. Cách đó không xa, sao Thủy, với biệt danh là chàng thám tử bí hiểm của Hệ mặt trời cũng xuất đầu lộ diện. Bình thường, do ở gần mặt trời nên vị trí cao nhất của hành tinh trên bầu trời chỉ khoảng 28 độ. Ngoài ra, sao Thủy cũng di chuyển khá nhanh trên bầu trời và thường bị chìm vào ánh hoàng hôn và bình minh của Mặt Trời nên chúng ta ít khi nhận ra chàng thám tử tài hoa này.

Ngày 27/8, hành tinh mang tên “ông vua của biển cả”, Hải Vương tinh ở vị trí trên quỹ đạo mà khoảng cách đến trái đất sẽ gần nhất trong năm. Đây là cơ hội để chúng ta quan sát hành tinh màu xanh nước biển này. Tuy nhiên, do sao Hải Vương ở khoảng cách rất xa so với trái đất nên chúng ta phải sử dụng kính thiên văn có độ phóng đại lớn để chiêm ngưỡng hành tinh này.

Tiếp theo là ngày 3/10, Thiên Vương tinh, hành tinh thứ 8 của Hệ mặt trời sẽ gần trái đất nhất trong năm. Tuy nhiên, để quan sát được hành tinh này chúng ta phải được trang bị những kính thiên văn cực mạnh.

Những bữa tiệc sao băng

Những trận mưa sao băng đẹp mắt luôn đem lại niềm hứng khởi, cảm giác hồi hộp, mong ngóng cho người dân Việt Nam và toàn thế giới. Đến hẹn lại lên, gần một chục trận mưa sao băng rực rỡ nhất cùng các trận mưa sao băng khác là những điểm nhấn nổi bật của bầu trời năm 2013.

Các trận mưa sao băng lớn như mưa sao băng Quadrantids đạt cực đại vào đêm 3, rạng sáng 4/1 với số sao băng dự đoán là 40 vệt/giờ; mưa sao băng Anh Tiên (Perseids) đạt cực đại vào đêm 13, rạng sáng 14/8 với số sao băng dự đoán là 60 vệt/giờ; mưa sao băng Tráng Sĩ (Orionids) đạt cực đại vào đêm 21, rạng sáng 22/10 với số sao băng dự đoán là 20 vệt/giờ; mưa sao băng Sư Tử (Leonids) đạt cực đại vào đêm 17, rạng sáng 18/11 với số sao băng dự đoán là 40 vệt/giờ; mưa sao băng Song Tử (Geminids) đạt cực đại vào đêm 13, rạng sáng 14 với số sao băng dự đoán là 60 vệt/giờ.

Theo Kiến thức

(vnexpress.net)