Cuộc đối đầu sinh tử giữa thợ săn nổi tiếng miệt vườn với con hổ cuối vùng U Minh Hạ buộc phải diễn ra.
Loạt bài huyền thoại cọp ở miền Tây |
Thợ săn Tám Ảnh (tức ông Tạ Văn Ảnh, xã Khánh Bình Tây, Trần Văn Thời, Cà Mau) nổi tiếng cả vùng U Minh Hạ với tài săn cá sấu. Tuy nhiên, tiếng tăm của ông chỉ trở nên lừng lẫy khi ông đấu với con hổ được cho là cuối cùng của đại ngàn U Minh Hạ. Cũng có thể đó là con hổ cuối cùng của vùng sông nước Cửu Long.
Chính vì thế, nói ông Tạ Văn Ảnh, hay ông Tám Ảnh có người biết, người không, nhưng nhắc đến ông Tám đánh hổ, thì từ người lớn đến trẻ con khắp U Minh Hạ và Trần Văn Thời đều biết.
Anh Tạ Văn Bình, con trai cố thợ săn Tám Ảnh kể: “Chuyện ba tui đánh hổ thì kể cả ngày không hết. Hồi trẻ, ổng thường kể cho bọn chúng tui nghe về rừng, về hổ, nhiều chuyện thú vị lắm. Ổng bảo hổ là loài có tánh linh. Nó là chúa sơn lâm của rừng rậm mà.
Anh Tạ Văn Bình, con trai ông Tám Ảnh kể lại chuyện cha đánh hổ |
Vì thế, chẳng bao giờ ổng chủ động đi săn hổ. Ba tui chỉ đấu với hổ khi nó cố tình đòi ăn thịt ổng, hoặc nó quấy rầy cuộc sống bà con dân ấp mà thui. Nó ở rừng thì thây kệ nó, nhưng nó bắt người là ba tui diệt nó à”.
Theo anh Bình, ông Tám Ảnh là người cao lớn, khỏe mạnh, sức vóc hơn người. Ở tuổi 85, nhưng ông vẫn xách nước phăm phăm, vác ngon lành bao thóc 70kg từ thuyền lên nhà.
Từ khi mới 10 tuổi, Tám Ảnh đã theo ba vào rừng săn thú. Ba ông bắt cậu con dầm mình trong bùn, lặn ngụp dưới sông với bầy cá sấu. Nửa đêm rét mướt, ông cũng bắt Tám nhảy xuống sông bơi bì bõm. Ông muốn luyện cho cậu con thành mình đồng da sắt, chịu đựng thiên nhiên khắc nghiệt.
Sau này, ông nội mất đi, ông Tám Ảnh muốn truyền nghề đánh thú cho anh Bình, nhưng anh không có năng khiếu. Dù vậy, anh vẫn thuộc lòng tập tính từng loài thú, cách săn bắt. Riêng loài hổ, ông Tám Ảnh luôn nhắc anh Bình rằng không được săn nó. Tuy nhiên, ông lại dạy anh rất kỹ cánh đánh hổ.
Mộ phần thợ săn Tám Ảnh nổi danh vùng U Minh Hạ |
“Có lẽ ba tui muốn tui sống sót trước nanh vuốt của chúa sơn lâm, nên ổng mới dạy tui kỹ lưỡng cách đánh hổ đến vậy. Người thợ săn suốt ngày lọ mọ trong rừng, cũng đi tìm các loài thú như bọn hổ, nên giáp mặt hổ là chuyện khó tránh. Hơn nữa, mình tranh mồi với hổ, thì hổ cũng muốn ăn thịt mình lắm chứ” – anh Bình lý giải vì sao ba anh thường dạy anh đánh hổ là vì thế.
Những đêm trăng sáng, hai cha con chờ thú sập bẫy trong rừng, ông Tám Ảnh thường biểu diễn cách đánh hổ cho anh Bình xem. Ông dùng cây giáo bằng song mây, cán dài hơn 3m, đầu bịt sắt rất sắc, nhọn.
Lưỡi giáo được rèn bằng loại thép pha đồng rất bén, có ngạnh nhỏ ở lưỡi. Chỗ ráp nối giữa mũi và thân giáo được đục lỗ, xỏ sợi thừng rất chắc, để lưỡi không thể tuột khỏi thân.
“Ba tui bảo hổ vồ mồi chả khác chi mèo bắt chuột. Với con mồi nhỏ, nó cắn cho bị thương, rồi lại thả ra. Con mồi định chạy, nó lại vồ. Nghịch chán nó mới ăn. Tuy nhiên, với con mồi lớn, như trâu, bò, hươu, lợn rừng độc chiếc, hay con người, thì nó tấn công giết ngay tắp lự” – anh Bình kể lại.
Con kênh do ông Tám Ảnh đào |
Khi gặp người, hổ sẽ tấn công bất ngờ từ đằng sau. Do đó, khi có dấu hiệu xuất hiện hổ, không được bỏ chạy, mà phải bình tĩnh đối mặt. Giống như chó, nếu bỏ chạy nó sẽ đuổi theo cắn, nhưng nhìn thẳng vào mắt nó, nó sẽ gườm.
Người thợ săn phải dũng cảm nhìn thẳng vào mắt hổ. Khi nhìn thẳng vào nó, nó cũng sẽ gườm đối thú, tính toán phương án tấn công. Đó chính là thời khắc quan trọng để thủ thế, chuẩn bị tinh thần đối phó với nó.
Hổ tuy có thân hình to lớn, nhưng di chuyển cực nhanh, mạnh. Nó có thể cắn họng một con bê, nhảy vọt qua hàng rào cao vài mét. Thợ săn lành nghề, phải thuộc lòng cách tấn công của hổ.
Khi mặt đối mặt, con hổ sẽ thủ thế, lấy đà chụp mồi. Nếu nó đập đuôi bên phải, sẽ phóng về bên trái, và ngược lại. Khi phóng đến con mồi, nó sẽ dùng cánh tay cực mạnh tát. Cú tát của hổ sẽ khiến cổ trâu, bò phải gẫy, chứ đừng nói con người. Do đó, thợ săn phải tránh được cú tát của hổ. Khi đó, mới rảnh tay để tấn công lại nó.
Đại ngàn U Minh Hạ vốn là vùng đất “dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um” |
Suốt tuổi thanh niên trai tráng, ông Tám Ảnh hạ vô số hổ. Tất cả số hổ ông đánh hạ đều là bọn hổ dữ, thường xuyên tìm về ấp bắt vật nuôi của dân, tìm cách ăn thịt người. Nơi nào bị hổ quấy rầy, họ sẽ tìm thợ săn Tám Ảnh để nhờ vả.
Cũng như cách săn bọn cá sấu hung dữ,
ông Tám Ảnh lấy thân mình làm mồi nhử và tấn công hổ như thể Võ Tòng trong phim Trung Quốc. Võ Tòng chỉ đánh một hổ mà thành nhân vật huyền thoại, còn ông Tám Ảnh đánh vô số hổ thì chỉ người dân vùng U Minh biết đến.
Theo anh Bình, con hổ cuối cùng mà ông Tám Ảnh giết khiến ba anh bị ám ảnh nhiều nhất. Việc giết con hổ là ngoài mong muốn của ông Tám Ảnh.
Sự việc đối đầu với con hổ lại bắt nguồn từ con lợn rừng độc chiếc. Ngày đó, lợn rừng trong U Minh Hạ nhiều vô kể. Bọn lợn rừng làm ổ bằng cây dớn to tướng trong rừng. Chúng ủi đất tung tóe khắp nơi.
Ở U Minh Hạ có 2 loài thú vừa đáng yêu, vừa đáng ghét là bọn khỉ và bọn lợn rừng. Chúng thường xuyên mò về ruộng vườn của đồng bào để phá. Loài thú khác cũng mò về ruộng vườn ăn trộm, nhưng bọn khỉ và lợn rừng thì chỉ phá. Chúng ủi đất trốc cây, vặt quả nghịch chơi.
Một chú lợn rừng nhỏ được nhốt trưng bày ở U Minh Hạ |
Tuy nhiên, lợn rừng cũng là nguồn thực phẩm dồi dào cung cấp cho người dân. Ba con ông Tám Ảnh thường săn lợn rừng về xẻ thịt chia cho mọi người cùng ăn.
Một con lợn độc chiếc đã trúng bẫy. Con lợn này vô cùng hung dữ. Để thoát bẫy, nó tự cắn đứt chân mình. Mất chân, nó càng hung dữ hơn. Nó kiếm ăn ở khu rừng ven ấp và hễ gặp người là tấn công. Nhiều người chạy chối chết khi gặp con lợn này.
Nhiều lần ông Ba Hiến dắt chó săn vào rừng, con lợn 3 chân, mà ông Hiến đặt tên cho nó là Ông Chảng đã tấn công. Ông Ba Hiến luôn dặn dò Tám Ảnh là phải thận trọng với lợn độc chiếc.
Hổ tấn công còn đoán biết và tránh được, chứ lợn độc chiếc tấn công chả có võ vẽ gì, cứ húc bừa bãi. Hai cái răng nanh sắc nhọn như lưỡi dao của nó vô cùng nguy hiểm. Vì thế, ông Ba Hiến thay vì đối đầu, thường tránh Ông Chảng.
Thế nhưng, Ông Chảng thì không quên oán thù. 6 con chó săn của ông Hiến nhanh chóng chỉ còn sót lại 2 con. Nó đã 4 lần dùng răng nanh húc lòi ruột chó, rồi ngoạm đứt họng chó.
Ông Hiến dù giận con lợn lòi lắm, nhưng biết lỗi do mình, nên ông làm thinh. Tuy nhiên, Tám Ảnh thì không vậy. Tám Ảnh đã giăng bẫy khắp nơi để giết con lợn này.
Thế nhưng, đặt bẫy mãi mà nó không dính. Một lần dắt chó đi thăm bẫy, Ông Chảng 3 chân tiếp tục húc chết con chó săn của Tám Ảnh. Ông Tám Ảnh đã chọn cách đối đầu với con lợn hung dữ này.
Sau vài phút quần thảo, mũi giáo đã thọc ngập mang tai. Con lợn độc chiếc nằm chổng kềnh, hộc lên vài tiếng rồi chết. Con lợn độc chiếc đó nặng tới 180kg. Cha con ông Tám xả thịt heo chia cho mỗi gia đình một tảng thịt.
Tuy nhiên, vài hôm sau, khi vào rừng thu bẫy, ông Tám Ảnh mới tá hỏa phát hiện, chiếc bẫy dùng để giết Ông Chảng, đã kết liễu hổ con. Và, cuộc đối đầu sinh tử giữa thợ săn nổi tiếng miệt vườn với con hổ cuối vùng U Minh Hạ buộc phải diễn ra.
Còn tiếp…
Phạm Ngọc Dương
(vtc.vn)