Hơn 5 năm làm việc tại các viện nghiên cứu uy tín của Cộng hòa Liên bang Đức, Nhật
Bản, Hàn Quốc, được nhiều nước mời đến giảng dạy, nghiên cứu, nhưng TS toán học Phạm
Hữu Anh Ngọc chọn con đường về nước.
“Tôi thích sống, nghiên cứu ở Việt Nam, hơn nữa về nước để con nói được tiếng
Việt. Điều kiện nghiên cứu trong nước cũng đã thoáng hơn trước đây”, TS Phạm Hữu Anh
Ngọc, giảng viên bộ môn toán, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) – một trong hai người
được đặc cách phong phó giáo sư năm 2012 chia sẻ.
Về nước để con nói tiếng Việt
TS Ngọc kể: Năm 2005 khi anh nghiên cứu tại ĐH Điện tử – Truyền thông (The
University of Electro-Communications) Nhật Bản, bé Phạm Thái Thục Minh, con đầu của
anh mới được hai tuổi. Cả hai vợ chồng đều đi làm, phải gửi con vào trường. Tiếp xúc
với giáo viên, bạn bè người Nhật nên bé chỉ nói tiếng Nhật. Về nhà bố mẹ nói tiếng
Việt con hiểu, nhưng lại không nói được. “Nhìn con trong tình cảnh ấy rất đau lòng”,
TS Ngọc bồi hồi nhớ lại.
|
TS Ngọc giảng dạy, nghiên cứu tại Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) |
Với thành tích khoa học của mình, kết thúc hai năm làm việc tại Nhật, anh được
Viện Toán thuộc ĐH Công nghệ Ilmenau (Cộng hòa Liên bang Đức) mời qua làm việc. Đến
Đức, bé Thục Minh đi học và lại chuyển sang nói tiếng Đức, trong khi tiếng Việt với
bé vẫn còn là “ngoại ngữ”.
Trước hoàn cảnh con không nói rõ tiếng mẹ đẻ, kết thúc hai năm làm việc ở Đức, dù
vài nước mời qua tiếp tục nghiên cứu nhưng anh đã chọn con đường trở về. “Tôi về để
con nói được tiếng Việt và lúc này bé Thục Minh cũng đã bước sang tuổi vào lớp một”,
TS Ngọc nói.
Ra thế giới bằng khoa học
Sinh ra tại Huế, trong một gia đình có sáu anh chị em, bố là sĩ quan chính quyền
Sài Gòn, sau năm 1975 cuộc sống gia đình Anh Ngọc rất vất vả. Thời phổ thông anh
thường phải nhịn đói đi học, lúc về mới có bo bo (lúa mạch) ăn. Dù cuộc sống khó
khăn, bố mẹ anh luôn dạy con cái phải sống trung thực. “Chính lời dạy của bố mẹ đã
giúp anh đầu tư nghiêm túc trong khoa học”, anh khẳng định.
“Tài sản” khoa học của TS Ngọc gồm gần 50 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế,
trong đó 22 bài trên tạp chí có chỉ số SCI và 15 bài trên tạp chí có chỉ số SCIE. Tuy
vậy, TS Ngọc kể, hồi phổ thông anh không phải là học sinh xuất sắc nhất về toán. Tốt
nghiệp đại học ngành toán tại Trường ĐH Sư phạm Huế, anh tiếp tục học cao học tại
đây, và làm tiến sĩ tại Viện Toán học Việt Nam với thời gian kỷ lục trong hai năm.
|
TS Ngọc chụp tại Đức |
Khác với nhiều nhà khoa học thành danh khác, TS Ngọc là sản phẩm “nội địa” hoàn
toàn của ngành giáo dục Việt Nam. GS.TSKH Nguyễn Khoa Sơn, chủ nhiệm chương trình
khoa học vụ trũ cấp nhà nước và là người hướng cho dẫn nghiên cứu sinh Phạm Hữu Anh
Ngọc tại Viện Toán học trước đây nhìn nhận: “Anh Ngọc có tố chất làm khoa học và lòng
ham mê nghiên cứu, biết nắm bắt cái mới để nghiên cứu chứ không bám mãi theo hướng
của thầy. Một tư chất tốt mà những nhà khoa học trẻ nên học hỏi”.
Nghiên cứu trong nước đã dễ hơn
Sau khi có học vị tiến sĩ, dù chưa một lần ra nước ngoài, nhưng những bài báo trên
các tạp chí quốc tế về toán học đã giúp tên tuổi Phạm Hữu Anh Ngọc vượt ra khỏi biên
giới quốc gia. Anh được nhiều trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu tại Hàn Quốc,
Nhật Bản và Cộng hòa liên bang Đức mời sang làm việc theo chương trình dành cho người
có thành tựu nghiên cứu khoa học xuất sắc. Trong những năm nghiên cứu ở nước ngoài,
TS Ngọc nhận định, “đây chỉ là cách mua chất xám giá rẻ của những người giỏi và có
khả năng nghiên cứu thật sự”.
|
TS Ngọc cùng vợ con tại Đức |
Trong những năm làm việc ở nước ngoài, anh đã tạo dựng được sự tin cậy với nhiều
nhà khoa học tên tuổi. “Nhờ thế, sau khi về nước tôi từng viết bài báo quốc tế với
một giáo sư người Nhật nhưng chỉ cần trao đổi qua email”, TS Ngọc nói.
Về nước từ cuối năm 2009, TS Ngọc đã có thêm 10 bài báo quốc tế. TS Ngọc nói:
“Việc nghiên cứu của tôi tại Việt Nam đang rất thuận lợi. Tiếp cận các quỹ cho nhà
khoa học nghiên cứu không đến nỗi quá khó như trước đây, số tiền tài trợ dù chưa
nhiều, nhưng cũng đủ nghiên cứu”. Dù vậy, TS Ngọc vẫn dí dỏm thừa nhận, “so với các
nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác thì ngành toán chỉ cần cái máy tính, máy in và
sọt rác đã đủ”.
Theo Thái Ngọc/ Khám phá
(vietnamnet.vn)