Tinh Hoa

Kinh tế Ấn Độ có thể trì trệ vì thiếu cơ hội cho phụ nữ

Thứ tư, 6/2/2013, 16:06 GMT+7

Ấn Độ đang rơi vào một cuộc khủng hoảng về đạo đức. Vụ cưỡng hiếp nữ sinh viên 23 tuổi ở New Delhi tháng 12 đã thu hút sư luận về tình trạng đối xử bất công với phụ nữ trong xã hội Ấn Độ, dù không phải mọi chỉ trích đều nhắm vào thủ phạm. Một số chính trị gia lên án nạn nhân đã hớ hênh ở nơi công cộng. Khi người biểu tình tràn xuống đường phố thủ đô đòi công bằng cho những kẻ giết người, cảnh sát buộc phải xịt hơi ga.

Phụ nữ Ấn Đọ thiếu cơ hội tham gia vào nền kinh tế. Ảnh: NYT

Đối với những người Ấn với niềm tự hào chính đáng về tiến bộ kinh tế của đất nước, sự vụ nêu trên là một cảnh báo về việc nước này vẫn còn nhiều điều phải làm để bảo vệ nữ quyền. Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đã phát biểu trong thông cáo truyền hình vào tháng 1: “Vụ cưỡng hiếp và thảm sát người phụ nữ trẻ, một biểu tượng mà nước Ấn Độ tiên tiến nhắm tới, đã làm trái tim chúng ta trống rỗng và tâm trí chúng ta đau đớn. Đã đến lúc chúng ta thay đổi định hướng về đạo đức”.

Việc nền chính trị lớn nhất thế giới không thể đảm bảo an ninh cho phụ nữ thực sự là một cuộc khủng hoảng về nhân sinh, nhưng nó cũng là cuộc khủng hoảng kinh tế. Ấn Độ đã vươn lên với mức tăng trưởng nhanh, sự gia tăng không ngừng của tầng lớp trung lưu, cũng như vị thế một thị trường hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia. Đáng ngạc nhiên, thành công mà nước này đạt được lại có ít đóng góp của phái nữ, đối tượng thường chịu đựng môi trường làm việc bất công và đầy đe doạ.

Tình trạng báo động về bất bình đẳng xã hội trái ngược với hình ảnh một Ấn Độ hiện đại và thịnh vượng. Điều này cũng giải thích lý do “nền kinh tế thần kỳ” đang chững lại. Nước này không thể tiếp tục cách ly phụ nữ khỏi môi trường lao động chuyên nghiệp.

Trong một nghiên cứu tựa đề “Nửa còn lại của kinh tế Ấn Độ” được Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế đưa ra năm ngoái, Persis Khambatta, một nghiên cứu sinh, và Karl Inderfurth, cựu phó giám đốc các vấn đề Nam Á của Mỹ, chỉ ra Ấn Độ nắm giữ nguồn nhân lực lớn thứ hai thế giới, với 478 triệu người. Tuy nhiên tỷ lệ phụ nữ trong đó chỉ là 24%. Số lượng nhân viên nữ ở cấp bậc cao là 5%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ toàn cầu là 20%. Gần một nửa nữ giới dừng làm việc trước khi họ đạt quãng giữa sự nghiệp, chủ yếu vì người Ấn Độ, kể cả những cá nhân được giáo dục tử tế, đều giữ chặt quan niệm cổ hủ về vai trò của phụ nữ.

Khambatta đánh giá: “Áp lực gia đình và văn hóa đặt ra rất nhiều vấn đề. Một khi phụ nữ sinh con, mọi người muốn cô ấy ở nhà lo cho gia đình. Nhiều trường hợp họ còn phải chăm sóc nhà chồng. Đó là những kỳ vọng đối với phụ nữ trong gia đình và hôn nhân. Khi Ấn Độ hiện đại hóa, quan điểm về giới tính bớt khắt khen hơn. Nhiều phụ nữ xuất hiện nơi công cộng, đặc biệt là ở các trung tâm thành thị. Đã có những phản ứng dữ dội từ nam giới về vấn đề này”.

Theo báo cáo năm 2012 của Diễn đàn kinh tế thế giới về Cách biệt giới tính, trong đó 135 quốc gia đã được phân tích dựa trên các tiêu chí như đóng góp kinh tế và vai trò chính trị, phụ nữ Ấn Độ đứng rất thấp trên nấc thang kinh tế. Nước này đứng thứ 105, sau Belize, Campuchia và Burkina Faso. Vị trí của Ấn Độ chỉ tăng nhẹ nhờ điểm số cho sự tham gia của phụ nữ trong chính trường theo tương quan với các quốc gia khác. Điều này một phần nhờ nữ đại biểu Quốc hội Sonia Gandhi cũng như sự tăng cường tham gia của phụ nữ vào nền chính trị địa phương. Nếu chỉ đánh giá riêng về mặt kinh tế, Ấn Độ đã tụt xuống hạng 123, chỉ xếp trên 12 nước khác.

Sự cách biệt giới tính đặt ra một mối đe doạ trước hết với triển vọng tăng trưởng kinh tế Ấn Độ và sau đó là tham vọng trở thành cường quốc của nước này. Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng Ấn Độ chỉ đạt 6,9% trong năm 2011, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 9,3% của Trung Quốc. Có nhiều lý do giải thích cho điều này, nhưng một trong số đó là sự tham gia tích cực của phụ nữ vào lực lượng lao động Trung Quốc.

Một báo cáo của Gallup dựa trên khảo sát hai quốc gia nêu trên từ năm 2009 đến 2012, chỉ ra “Số lượng phụ nữ Trung Quốc tham gia lao động lớn hơn rất nhiều ở Ấn Độ. Cách biệt giới tính cũng thấp hơn ở Trung Quốc, và gần như đã biến mất ở tầng lớp trí thức cao”. 70% phụ nữ Trung Quốc lao động, và họ cũng dễ tìm được các công việc toàn thời gian. Tỷ lệ biết đọc của phụ nữ Trung Quốc cũng cao hơn nhiều lần Ấn Độ. Theo phó giám đốc Ủy ban phụ nữ của Liên hợp quốc Lakshmi Puri, năm 2011 tăng trưởng kinh tế Ấn Độ có thể nhảy vọt thêm 4,2% nếu phụ nữ có nhiều cơ hội đóng góp vào nền kinh tế.

Phản ứng với thảm họa vừa qua tại New Delhi, các nhà lãnh đạo đã tiến hành một số động thái nhằm ngăn cản bạo hành phụ nữ. Phiên tòa nóng được mở để xử năm trong số sáu kẻ tấn công. Chính phủ công bố một báo cáo vào ngày 23/1 để chỉ ra những vấn đề cần được giải quyết. Bên cạnh đề nghị cải tổ hệ thống cảnh sát và hành pháp, nghiên cứu còn đề cập việc phân biệt giới tính sâu sắc, xâm hại tình dục ở nơi làm việc, và quan niệm ưu ái con trai hơn con gái dẫn đến mất cân bằng dân số.

Không phải chỉ có chính quyền Ấn Độ cần giải quyết những vấn đề này. Nếu các doanh nghiệp cùng phối hợp, đời sống của hàng triệu phụ nữ sẽ được cải thiện và nền kinh tế cũng trở nên cạnh tranh hơn. Theo Bloomberg Businessweek, một số công ty đã tiến những bước dài trong việc bảo vệ và giữ chân nữ lao động. Google có taxi để hộ tống nhân viên về nhà an toàn. Boehringer Ingelheim, công ty sản xuất thuốc của Đức, trả phí để nữ nhân viên đi công tác cùng mẹ của mình.

Các công ty Ấn Độ như Wipro and Infosys có chính sách giúp đỡ phụ nữ có con, như chăm sóc trẻ tại công ty trong kỳ nghỉ hay gia hạn nghỉ sau khi sinh. Nhà kiểm toán khổng lồ Ernst & Young sáng tạo đưa ra chiến dịch giáo dục cho phụ huynh và bố mẹ chồng của các nhân viên nữ nhằm thuyết phục họ cho phép con gái đi làm. Ấn Độ sẽ tiến bộ nhanh chóng nếu các công ty khác sớm làm theo những ví dụ này, thông qua tuyển dụng, giữ chân và thăng cấp nhân viên nữ.

Cho đến khi Ấn Độ đề cao lợi ích kinh tế từ việc trao sức mạnh cho phụ nữ, và thay đổi quan niệm xã hội vốn đang kìm giữ một nửa đất nước, quốc gia này mới có thể tận hưởng sự vươn lên mạnh mẽ. Một nền dân chủ vững mạnh có nghĩa người dân xứng đáng những điều tốt đẹp hơn.

Duy Tùng (Theo Businessweek)

(vnexpress.net)