Thứ tư, 6/2/2013, 22:30 GMT+7
Một binh sĩ Triều Tiên đi qua cột mốc cắm ở biên giới Triều Tiên và Trung Quốc. Ảnh: Thedearreader |
Một bài viết với những lời cảnh báo trên xuất hiện trên cả hai phiên bản tiếng Anh và tiếng Trung của hãng thông tấn nhà nước Global Times hôm nay.
Global Times nêu ra viễn cảnh rằng mối quan hệ, được gây dựng từ cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và là chỗ dựa của Bình Nhưỡng bấy lâu, “có thể sụp đổ” vì vấn đề này.
“Điều này sẽ không có lợi cho Bình Nhưỡng”, bài viết của hãng cho hay. “Triều Tiên sẽ phải đối mặt với tình hình xấu hơn, nhưng Trung Quốc vẫn có thể tìm ra cách để bù đắp cho những tổn thất về địa chính trị”.
Triều Tiên thề sẽ tiến hành thử hạt nhân lần ba sau khi Hội đồng Bảo an lên án vụ phóng tên lửa hôm 12/12 của nước này bằng một nghị quyết trừng phạt có sự đồng tình của Trung Quốc.
Global Times, thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc, trước đó còn kêu gọi Bắc Kinh cắt viện trợ của Triều Tiên nếu nước này thử hạt nhân.
“Nếu Triều Tiên vẫn khăng khăng thử nghiệm hạt nhân lần ba bất chấp các nỗ lực ngăn cản, họ sẽ phải trả giá đắt. Sự hỗ trợ mà nước này nhận được từ Trung Quốc sẽ bị cắt giảm”, Global Times viết.
“Trung Quốc không bao giờ e sợ Bình Nhưỡng. Nếu Bình Nhưỡng tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc, Trung Quốc sẽ đáp trả mạnh mẽ, thậm chí đánh đổi cả mối quan hệ song phương”, bài viết tiếp.
Tuy nhiên, những lời đe dọa này trái ngược với quan điểm chính thức mà Bắc Kinh nhiều lần đưa ra, trong đó kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và bình tĩnh, tránh những hành động gây bất ổn cho khu vực.
Các nhà phân tích và các nhà ngoại giao cho rằng, dù bất mãn, Bắc Kinh vẫn không sẵn lòng “ra tay”, và những tuyên bố của giới truyền thông chỉ là nhằm thể hiện sự thất vọng với đồng minh.
Trung Quốc được cho là lo sợ nếu Triều Tiên sụp đổ, một lượng lớn dân di cư sẽ đổ qua biên giới và có khả năng dẫn đến một nước Hàn Quốc – đồng minh của Mỹ – thống nhất nằm sát biên giới nước này.
Stephanie Kleine-Ahlbrandt, giám đốc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế khu vực Đông Bắc Á, trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng tránh bất ổn vẫn là ưu tiên lớn hơn của Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên.
“Thậm chí có cắt giảm hỗ trợ thì họ vẫn không để đến mức chính quyền Triều Tiên bị tê liệt hoặc tạo ra một sự thay đổi khác biệt”, bà nói.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hiện chưa có phản ứng gì về những thông tin từ phía Hàn Quốc cho rằng, đại sứ Triều Tiên đã được triệu tập để hội đàm một vài lần. Một chiếc xe mang biển ngoại giao và cờ Triều Tiên đã đến Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua.
Nữ phát ngôn viên của bộ là Hoa Xuân Oánh cho hay các bài viết với lập trường của Global Times “có lẽ không chính thống” và lặp lại lời kêu gọi kiềm chế của Trung Quốc.
Trung Quốc là ân nhân chính của Bình Nhưỡng kể từ chiến tranh Triều Tiên, cung cấp hỗ trợ về ngoại giao, kinh tế đến một trong những quốc gia bị cô lập nhất thế giới này.
Anh Ngọc
(vnexpress.net)