Tinh Hoa

Thưởng Tết chỉ một trăm, nhưng chúng tôi sẽ vui

“Mười ba năm làm giáo viên vùng cao, nhưng chưa bao giờ tôi nhận được một đồng thưởng Tết” – thầy Đỗ Ngọc Khang, hiệu trưởng trường THCS Hang Chú (Bắc Yên, Sơn La) chia sẻ.

Thưởng Tết – chuyện “trong mơ”

Hơn 4 tiếng chạy xe máy, trong cơn mưa phùn mùa xuân, vượt qua những đoạn đường đầy sình lầy do sạt lở núi, và con đường dài bị phủ kín bởi một màn sương giày đặc hạn chế tầm nhìn dưới 5m, chúng tôi đã đến được ngôi trường nằm ở nơi xa nhất của huyện Bắc Yên (Sơn La) – THCS Hang Trú.

Ngôi trường với khoảng 20 giáo viên, trong số đó đa phần là người Kinh, trò chuyện cùng với các thầy cô, chúng tôi biết được quê nhiều người ở tận Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định. Vì vậy, dịp Tết Nguyên đán chính là khoảng thời gian các thầy cô mong chờ nhất để được về đoàn tụ cùng gia đình. Nhưng con đường về quê ăn Tết đó cũng thật gian nan, vất vả.

Thầy Nguyễn Đình Dinh, giáo viên dạy Văn, quê ở Hưng Yên chia sẻ trong những dịp Tết, để về quê anh phải đi mất 2 ngày đường: “Nếu tôi đi xe máy nhanh nhất cũng phải 8h tối mới về đến nhà, nhưng rất nguy hiểm. Còn nếu đi ô tô, tôi phải bắt xe xuống thị trấn Bắc Yên, sáng hôm sau đi xe khách về Hà Nội, từ đó mới bắt xe về quê”. Nhưng đây là chuyện của hơn một năm trở lại đây khi con đường nhựa chạy qua trường đã được hoàn thành.

Thầy Nguyễn Đình Dinh – giáo viên lâu năm nhất của trường. 
 
 
Mười ba năm công tác trong nghề giáo, và dạy chủ yếu ở vùng cao nhưng mỗi dịp Tết đến, không có một đồng thưởng nào
 
Thầy Đỗ Ngọc Khang
 

Thời gian đầu nhận công tác tại trường, thầy Dinh cho biết do chưa có đường chạy qua, các thầy cô giáo dạy học ở đây phải đi tắt đường rừng hơn một ngày mới về được đến thị trấn để có xe về quê.

Vài năm sau, con đường đất chạy qua trường được mở đã giúp các thầy có thể sử dụng xe máy. Nhưng đoạn đường cũng vẫn rất gian nan với hàng chục cây số đường rừng núi và nhiều suối sâu nguy hiểm. Thầy Dinh nhớ lại: “Có lúc gặp mưa to, đường trơn, suối sâu, không qua được, anh em chúng tôi phải ngủ nhờ nhà dân, chờ tạnh ráo mới dám đi tiếp”.

Đường xa, đi lại khó khăn vất vả nhưng các thầy cô giáo vẫn quyết tâm bám trụ lại đây với mong muốn đem cái chữ cho con em người dân tộc, để các em bớt cảnh đói nghèo. Tết Nguyên đán đã gần kề, các thầy cô giáo nơi đây vẫn miệt mài với công việc của mình, thế nhưng, trong khi người thành phố ngập tràn thông tin về thưởng Tết thì ở đây, đó là chuyện “trong mơ”.

Thầy Đỗ Ngọc Khang, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Mười ba năm công tác trong nghề giáo, và dạy chủ yếu ở vùng cao nhưng mỗi dịp Tết đến, không có một đồng thưởng nào”.

 Thầy Nguyễn Ngọc Khang – HT trường THCS Hang Chú (Bắc Yên, Sơn La). 

Là người gắn bó với trường lâu năm nhất, thầy Nguyễn Đình Dinh ngậm ngùi nói: “Nghe chuyện có trường dưới xuôi thưởng đến hàng triệu đồng mà thấy chạnh lòng. Hơn mười năm dạy học tại đây, từng đi bộ vài ngày để vào tận nhà vận động các em đến trường, nhưng chưa bao giờ tôi nhận được tiền thưởng Tết”.

Món quà Tết duy nhất các thầy cô của trường được nhận chỉ là cuốn lịch năm mới. Đây cũng là số tiền trích từ quỹ công đoàn do chính giáo viên đóng góp. Việc làm này cũng mới diễn ra vài năm gần đây khi cuộc sống của các thầy cô đã ổn định hơn.

Cô Nguyễn Thị Hà (giáo viên Sinh – Hóa) tâm sự: “Khi nhận món quà này, tôi cũng không khỏi chạnh lòng. Cuộc sống khó khăn nên đành phải tự an ủi nhau bằng món quà tinh thần”.

Cô Nguyễn Thị Hà trong giờ lên lớp. 

Giải thích về vấn đề này, thầy Đỗ Ngọc Khang cho biết, nhà trường cũng đã có kiến nghị lên chính quyền xã và huyện, tuy nhiên do ngân sách hạn hẹp nên đến giờ vẫn “lực bất tòng tâm” về câu chuyện thưởng Tết cho giáo viên. Trên cương vị hiệu trưởng nhà trường, thầy Khanh cũng rất trăn trở về vấn đề này.

 
 
Nghe chuyện có trường dưới xuôi thưởng đến hàng triệu đồng mà thấy chạnh lòng. Hơn mười năm dạy học tại đây, từng đi bộ vài ngày để vào tận nhà vận động các em đến trường, nhưng chưa bao giờ tôi nhận được tiền thưởng Tết
 
Thầy Nguyễn Đình Dinh
 

Thầy chia sẻ một thực tế các trường dưới xuôi còn có thể cân đối thu chi để thưởng Tết cho giáo viên, nhưng ở đây ổn định cuộc sống cho giáo viên cũng phải mất một thời gian dài, khó có điều kiện để cải thiện được vấn đề này.

Trường THCS Hang Chú có gần 300 học sinh và tất cả đều là con em đồng bào dân tộc Mông. Điều kiện sống của người dân nơi đây rất khó khăn, thiếu thốn. Bản thân phụ huynh còn không thể chăm lo đầy đủ  cho con em mình, nên cũng chưa bao giờ giáo viên ở đây nhận được quà của gia đình học sinh.

Cô Hà cho biết: “Người dân ở đây nghèo, đói đến cái ăn cái mặc còn chưa đủ, nói gì đến chuyện cho quà giáo viên dù chỉ là những món quà “cây nhà lá vườn”. Gần Tết, thời tiết trên này rất lạnh, nhiều em áo ấm không đủ, ngồi học mà rét run. Thương cảm cho hoàn cảnh của các em, nên nhiều khi tôi và các giáo viên khác còn phải cho học sinh quần áo cũ để mặc”.

Về vấn đề này, bà Lê Thị Loan – Trưởng phòng GD – ĐT huyện Bắc Yên (Sơn La) cho biết: “Đối với các trường dưới xuôi còn có thể cân đối chi tiêu, hay nhận được sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, phụ huynh để có thể thưởng Tết cho giáo viên; còn đối với những trường của huyện Bắc Yên thì hoàn toàn không có điều kiện để làm việc này. Phòng GD – ĐT cũng không đủ ngân sách để hỗ trợ giải quyết vấn đề”.


Hy vọng những đổi thay trong năm mới

Đối với các giáo viên vùng cao, niềm hạnh phúc trong những ngày Tết chính là được trở về bên gia đình và khi quay trở lại trường vẫn nhìn thấy trọn vẹn, đầy đủ những “đứa con người Mông” của mình đến lớp.

Năm mới sắp đến, các thầy cô đang bám trụ tại nơi xa nhất của huyện Bắc Yên (Sơn La) đều mong muốn những điều tốt đẹp sẽ tới.

Là một trong số ít những giáo viên nữ của trường, cô Hà tâm sự: “Tôi hy vọng năm mới, nhà nước sẽ có chính sách quan tâm đến đời sống giáo viên vùng cao hơn nữa, để các thầy cô có thể yên tâm công tác. Còn chuyện thưởng Tết, có thể chỉ một trăm nghìn, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ rất vui mừng. Vì điều đó thể hiện sự quan tâm của chính quyền đối với các giáo viên nơi đây”.

Thầy giáo dạy Văn Nguyễn Đình Dinh lại mong muốn: “Tôi mong năm mới, nhà trường sẽ được đầu tư để cải thiện nơi ở cho học sinh thay vì một phòng bán trú có tới 25 em như hiện nay”.
Phòng bán trú nhỏ, sơ sài là nơi ở của hơn 20 học sinh người Mông.

Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng gặp gỡ với các giáo viên vùng cao những ngày cận Tết, chúng tôi vẫn thấy nụ cười luôn nở trên môi các thầy các cô. Dường như, nhiệt huyết với nghề, và tình yêu với trò luôn là động lực giúp họ vượt qua mọi khó khăn.

Theo An Hoàng/Infonet

 

(vtc.vn)