Tinh Hoa

Tàu hoang nghìn tấn được bảo hiểm hàng chục tỷ đồng

Thứ tư, 30/1/2013, 22:15 GMT+7

Trao đổi với VnExpress.net chiều 30/1, ông Phạm Viết Thuật, Phó giám đốc công ty TNHH Hải Đông, cho biết, công ty đang phối hợp cùng các đơn vị bảo hiểm tiến hành kiểm tra xác minh, thống kê những thiệt hại trong vụ tai nạn tàu Hai Dong 27 để làm thủ tục đền bù hợp đồng bảo hiểm theo quy định.

Theo ông Thuật, đầu năm 2012, trước khi cho một doanh nghiệp vận tải tại TP HCM thuê lại, Hải Đông đã ký hợp đồng gói bảo hiểm thân vỏ tàu với Công ty Bảo hiểm Quân đội Hải phòng (MIC Hải Phòng). Hạn mức tối đa cho gói bảo hiểm này là 35 tỷ đồng, đóng phí theo từng quý.

Theo xác nhận của một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại Hà Nội, Công ty Hải Đông, (đơn vị đang sở hữu chiếc tàu Hai Dong 27) đang có số nợ gốc tại ngân hàng là gần 30 tỷ đồng (chưa bao gồm nợ lãi). Tài sản đảm bảo cho khoản vay là chiếc tàu Hai Dong 27 và một số bất động sản của công ty.

Số nợ này đã quá hạn nhưng công ty không thực hiện nghĩa vụ trả nợ nên ngân hàng đã khởi kiện ra tòa. “Hiện bản án đã có hiệu lực pháp luật và ngân hàng đang phối hợp với Công ty Hải Đông lên phương án cứu hộ con tàu để xử lý”, đại diện nhà băng này thông tin.

“Trường hợp tai nạn như thế này, phía bảo hiểm chắc chắn phải có trách nhiệm chi trả cho chúng tôi toàn bộ giá trị hợp đồng là 35 tỷ đồng”, ông Thuật nói. Đến nay, đơn vị đã đóng bảo hiểm cho tàu Hai Dong 27 được hơn 3 quý.

Trong khi đó, một nguồn tin từ phía Bảo hiểm Quân đội cho hay, hợp đồng bảo hiểm vỏ tàu đối với Hải Đông 27 đã hết hạn vào ngày 18/1. Đến đêm 20/1, Hai Dong 27 mới bị phát hiện lênh đênh trên biển và bị thủng đáy. “Chúng tôi ký hợp đồng bảo hiểm từ năm 2011 và hợp đồng đã hết hạn vào cuối năm 2012. Sau hai lần gia hạn, hợp đồng vô hiệu lực vào ngày 18/1. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ hợp tác với chủ tàu để hỗ trợ Hai Dong 27”, nguồn tin cho biết.

Theo nguồn tin riêng của VnExpress.net, liên quan đến tàu Hai Dong 27, còn có hai đơn vị bảo hiểm khác gồm, Công ty Bảo Minh – Bến Thành, bảo hiểm Trách nhiệm dân sự chủ tàu (P&I) và công ty Bảo Việt Hải Phòng, bảo hiểm lô hàng. Tuy nhiên, hạn mức và giá trị hợp đồng hiện chưa được các đơn vị này tiết lộ.

Tàu Hai Dong 27 được công ty Hải Đông (Hải Phòng) mua bảo hiểm thân vỏ mệnh giá 35 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Đại diện phía một công ty bảo hiểm cho biết, các khoản bồi thường hợp đồng sẽ căn cứ vào các điều khoản trên hợp đồng. Mức độ thiệt hại thế nào cần phải qua giám định và đối chiếu hợp đồng ký kết.

Trong những ngày qua, đại diện nhiều doanh nghiệp bảo hiểm như bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm Bảo Minh… đã cử đại diện đến vị trí con tàu gặp nạn đang được neo đậu (khu vực Hòn Sụp, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) để kiểm tra, thống kê mức độ thiệt hại đồng thời lên phương án đền bù hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp chủ quản.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm hàng hải, để thanh toán được hợp đồng bảo hiểm cho tàu Hai Dong 27 sẽ còn nhiều công đoạn phức tạp. Bởi phải căn cứ vào các điều khoản chi tiết mà các bên đã kí kết trong hợp đồng. Ngoài ra, việc xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn cũng có vai trò quyết định đến việc đền bù bảo hiểm.

Ông Phạm Văn Chiến, Giám định viên Công ty cổ phần Giám định Phương Bắc (đơn vị được Bảo hiểm Bảo Minh đề nghị giám định vụ tai nạn tàu Hai Dong 27) cho biết, hiện mới chỉ thống kê, kiểm tra sơ bộ để làm căn cứ, chưa thể đền bù ngay vì còn phải truy tìm nguyên nhân chính xác khiến con tàu gặp nạn.

2.200 tấn hàng khô dầu cọ trên tàu cũng đã được công ty Bảo Việt Hải Phòng nhận bảo hiểm. Ảnh: Lê Hoàng.

“Tạm thời chưa thể kết luận tàu gặp nạn là do yếu tố tự nhiên hay tác động của con người. Vì hiện nay con tàu bị ngập nước nên việc xác định nguyên nhân là rất khó. Để có thông tin chính xác, con tàu cần phải được trục vớt lên bờ để kiểm tra”, ông Chiến nhận định.

Trong khi chờ cơ quan chủ quản giải cứu, con tàu nghìn tấn với khối lượng tài sản lên đến hàng chục tỷ đồng vẫn chơi vơi ngoài biển, cách bờ khoảng 5km. Những ngày vừa qua, sau khi được đưa về neo đậu tại khu vực Hòn Sụp, lợi dụng lúc thủy triều xuống thấp, một số người dân quanh vùng đã cho tàu bè ra “hôi của” khiến con tàu trở nên rất hoang tàn.

Chiều 25/1, nhiều ngư dân đánh phát hiện tàu Hai Dong 27 trôi dạt tại vùng biển Quảng Bình trong tình trạng không người lái, nước ngập ngang thân. Con tàu sau đó đã được kéo về cửa biển Lạch Trường (Thanh Hóa). Ngày 27/1, thay mặt cho chủ tàu là Công ty Hải Đông (Hải Phòng), Phó giám đốc Phạm Viết Thuật đã tới Thanh Hóa nhận tàu và tìm hướng giải quyết.

Tàu Hai Dong 27 dài 79 mét, công suất 1.500 mã lực, trọng tải trên 3 nghìn tấn… được hạ thủy vào cuối năm 2008. Trị giá lúc đóng mới của tàu gần 38 tỷ đồng. Sau khi khấu hao, hiện được định giá khoảng trên 20 tỷ đồng. Tàu đang được một doanh nghiệp tại TP HCM thuê chở 2.200 tấn khô dầu cọ từ Indonesia về Hải Phòng, trước khi bị thủng đáy. Thủy thủ đoàn đã rời tàu an toàn sau sự kiện này. Phía doanh nghiệp cho biết rất muốn giải cứu con tàu nhưng đang trong tình trạng tài chính khó khăn, nên nguồn lực hết sức hạn hẹp.

Nhóm phóng viên

(vnexpress.net)