Các quan chức, nhà bình luận Trung Quốc giờ đây ít nói tới các động thái hòa bình mà nghiêng về phô trương sức mạnh quân sự hơn.
Trong nhiều năm, giới quân sự phương Tây đã thúc giục Bắc Kinh minh bạch hơn trong nỗ lực hiện đại hoá quân sự và các mục tiêu chiến lược. Hãy cẩn thận vì những gì bạn muốn. Bởi Bắc Kinh giờ đây đã thẳng thắn hơn nhiều. Hay nói một cách đơn giản, họ chẳng ngại ngần nói về chiến tranh.
Ảnh: Telegraphs |
Hứa Kỳ Lượng, phó chủ tịch quân ủy Trung Quốc nói với quân đội đóng tại Thanh Đảo và Lạc Dương tuần trước rằng, họ “phải làm tất cả để tập trung vào việc giành thắng lợi ở mọi cuộc chiến”.
Đây chỉ là lời thúc giục gần đây nhất. Trong ít tháng qua, những cụm từ chiến đấu, chiến tranh đã thế chỗ cho từ hoà bình trong các bài phát biểu của quan chức đảng, quân đội và báo chí chính thống Trung Quốc.
Sử dụng kiểu ngôn từ chiến sự không còn là việc mới mẻ với các tướng lĩnh về hưu tại Trung Quốc. Nhưng trong gần một thập niên qua, nó đi ngược lại với các tuyên bố chính thức. Ông Hồ Cẩm Đào, nguyên tổng bí thư và chủ tịch nước này kể từ năm 2002 đã luôn thận trong mô tả chiến lược của Trung Quốc đối với thế giới bên ngoài là “phát triển hoà bình”. Thậm chí khi nhiều quốc gia láng giềng phàn nàn về hành động quả quyết của Bắc Kinh trong vùng biển khu vực vào năm 2010, thì Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt vẫn khăng khăng rằng, nước ông không đe doạ bất kỳ ai.
Và, điều đó đang thay đổi. Đại hội đảng Trung Quốc, nơi ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo đảng và quân đội trong tháng 11/2012, đã kêu gọi xây dựng “các lực lượng vũ trang hùng mạnh và tương xứng với vị thế quốc tế của Trung Quốc”.
Giữa tháng 12, trong chuyến công du đầu tiên ngoài Bắc Kinh, ông Tập đã chọn thăm quân khu Quảng Châu và nói với binh lính, sĩ quan nơi đây rằng “có thể chiến đấu và giành chiến thắng là linh hồn của một đội quân mạnh mẽ”.
Bình luận của ông Tập xem ra còn “ôn hoà” hơn so với những tuyên bố của đội ngũ tướng lĩnh cấp cao Trung Quốc. Tuần trước, báo quân đội Trung Quốc cảnh báo rằng, cuộc tập trận gần đây đã để lộ yếu điểm lớn tại một đơn vị quân sự là quá ít dự báo và chỉ giả định những tình huống tác chiến tốt nhất.
Chiến lược răn đe
Ngôn ngữ nói đến chiến tranh của nhà lãnh đạo mới Trung Quốc được coi là dấu hiệu cho một phong cách lãnh đạo quân sự nghiêm ngặt hơn. Nó cũng đi kèm với những tuyên bố thổi bùng chủ nghĩa dân tộc đang ngày một tăng cao ở nước này. “Nhận thức về sự trẻ hoá của Trung Quốc là giấc mơ lớn nhất của đất nước kể từ thời hiện đại”, ông Tập nói hồi tháng 12. “Bạn có thể nói đó là một giấc mơ về quốc gia hùng mạnh. Với quân đội, nó cũng là giấc mơ của một quân đội hùng mạnh”.
Những người theo phe hiếu chiến khá vui mừng. Chuẩn Đô đốc Dương Nghị, quan chức hải quân nghỉ hưu lập luận tại một hội nghị gần đây rằng, Trung Quốc nên xây dựng quân đội hiện đại để khuất phục các láng giềng nhỏ hơn. “Chúng ta nên nói với mọi người chúng ta đang xây dựng bao nhiêu tàu sân bay. Điều đó sẽ tạo dựng sức mạnh lớn hơn và nghiền nát hy vọng của các nước nhỏ (rằng họ có thể khiêu khích chúng ta)”, ông nói.
Nhậm Duy Đồng, một nhà bình luận hiếu chiến khác, qua Nhân dân Nhật báo, tuần qua đã thúc giục Trung Quốc “từ bỏ hoà bình và chủ nghĩa lãng mạn”, khiến cho quân đội mạnh đến nỗi không ai muốn mạo hiểm chiến tranh với Trung Quốc.
Những tranh chấp hàng hải gần đây cho thấy, Trung Quốc đã bắt đầu làm điều đó. Trong cuộc đối đầu với Nhật ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Bắc Kinh lần đầu tiên đã tăng cường tuần tra ở khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Nhật với tàu chính phủ, sau đó là máy bay dân sự và bây giờ là máy bay chiến đấu.
Một chiến lược răn đe như vậy có thể là thành công với nhiều nước ở sân sau của Trung Quốc và do đó là thành công nhìn từ quan điểm của chính nước này. Nhưng Bắc Kinh sẽ thất bại ở một mặt trận khác. Từ lâu họ cố gắng đi ngược lại và thuyết phục thế giới quên đi thuyết “mối đe dọa Trung Quốc”. Nếu họ tiếp tục đi vào con đường hiện tại, thì chắc chắn các nước trong khu vực sẽ coi sự trỗi dậy của họ chính xác là một mối đe dọa.
- Thái An(theo Financial Times)
(vietnamnet.vn)