Thu hồi nợ một cách nhẫn tâm đang đẩy hàng ngàn người Anh rơi vào tình trạng trầm cảm thậm chí tự sát. Đây là kết quả báo cáo mới nhất của các chuyên gia nghiên cứu đến từ trường đại học Brighton, Anh vừa được công bố.
Chủ nợ đòi tiền, con nợ tự sát
Nhiều người phải vật lộn trong cuộc suy thoái kinh tế, tiền lương ít ỏi trong khi trợ cấp thì bị cắt giảm. Không những thế, họ thường xuyên phải đối mặt với những chiêu trò đòi tiền của chủ nợ: thư đe dọa, và kèm theo là những cuộc điện thoại không ngớt.
“Người nợ luôn mang cảm giác bị sỉ nhục, cô lập và bị lừa gạt. Rõ ràng là hoạt động đòi nợ đang tác động rất tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của con người”, báo cáo khẳng định.
“Chính phủ phải ngay lập tức vào cuộc để giải quyết tình trạng cho vay vô trách nhiệm và những thủ đoạn đòi nợ tàn nhẫn. Bởi chúng đã khiến cho hàng ngàn người dân bị mắc vào vòng xoáy nợ nần và có nguy cơ rơi vào tình trạng trầm cảm, thậm chí là tự sát”, các chuyên gia cảnh báo.
Theo số liệu từ Văn phòng thống kê quốc gia (ONS) công bố hôm thứ Ba 22/1) vừa qua thì năm 2012 chứng kiến sự gia tăng đáng kể số vụ tự sát tại nước này.
Cũng trong báo cáo Brighton thì có những trường hợp không thể ăn ngon ngủ yên và phải xin tiền con cái để giải quyết khó khăn. Trong khi đó, có nhiều người bị khủng hoảng tinh thần vì suốt ngày phải nhận những cuộc điện thoại đòi nợ, đe dọa.
Tổng số trường hợp tự sát tại Anh lên tới 6.045 vào năm 2011, tăng 7,8% so với năm 2010. Phần lớn các trường hợp là nam giới với 4.552 trường hợp trong khi nữ là 1.493 trường hợp.
Tổ chức từ thiện SANE cho biết, suy thoái kinh tế tại Anh- quốc gia đang vật lộn để duy trì tăng trưởng chính là nguyên nhân đằng sau sự gia tăng số lượng người tự sát. Và đây cũng là tình trạng chung tại một số quốc gia phương Tây khác.
“Những con số này cho thấy những hậu quả nghiêm trọng của suy thoái kinh tế đối với con người trong đó có vấn nạn thất nghiệp, nợ nần và sự đổ vỡ các mối quan hệ. Tất cả những áp lực đó đẩy những con người vốn đã rất nhạy cảm rơi vào bước đường cùng, không lối thoát và phải tìm đến cái chết”, giám đốc điều hành của SANE, Marjorie Wallace cho biết.
Điều đáng lo ngại là nhóm người có nhiều nguy cơ rơi vào tình trạng này lại ở độ tuổi trung niên. Tỷ lệ tự sát ở đàn ông độ tuổi 45-59, tăng mạnh trong những năm 207-2011 lên mức 22,2/ 100.0000.
Đằng suy thoái Eurozone là tự sát
Tại khu vực đồng tiền chung, cuộc khủng hoảng nợ đang đẩy nền kinh tế các quốc gia rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc cũng khiến người dân ở đây trở nên khốn đốn khi phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp dai dẳng, tài chính eo hẹp và nợ nần chồng chất.
Cuộc khủng hoảng nợ đang thực sự gây tổn thương tâm lý đến người dân, đặc biệt là giới kinh doanh và người nghèo. Nhiều người trong số họ đã không thể vượt qua được áp lực nợ nần mà tìm đến cái chết.
Theo số liệu của Bộ Y tế Hi Lạp, trong 5 tháng đầu năm 2011, tỷ lệ tự sát tại nước này tăng đến hơn 40% so với cùng kỳ năm trước đó. Quá nhiều người tìm đến cái chết vì cảm thấy bất lực trước cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ của đất nước kể từ sau chiến tranh thế giới II.
Hi Lạp từng là một trong những quốc gia có tỷ lệ tự sát thấp nhất thế giới. Và sự gia tăng của tình trạng này đang là một cú sốc rất lớn. Điều này cho thấy sức tàn phá quá lớn của cuộc khủng hoảng tại Hi Lạp.
Trước khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra, tỷ lệ tự sát của nước này chỉ là 2,8/ 100.000 người. Tuy nhiên các chuyên gia dự đoán năm 2011, con số này có thể tăng gấp đôi lên mức 5/ 100.000.
Khủng khiếp hơn Phần Lan sở hữu tỷ lệ 34/100.000 và Đức là 9/100.000.
Còn tại Tây Ban Nha, tình trạng tự sát vì nợ nần cũng đang gia tăng và trở thành vấn đề xã hội gây nhức nhối. Chính sách thu hồi tài sản thế chấp (chủ yếu là bất động sản, nhà ở) đang là mũi tên sát hại nhiều gia đình khó khăn trong cái thời buổi “kiếm không nổi một đồng” như hiện nay.
Theo số liệu tháng 11/2012, kể từ đầu năm chỉ riêng việc thu hồi tài sản đã khiến cho hơn 100 người tìm đến bước tự sát. Có khoảng 500 người bị đuổi ra khỏi nhà mỗi ngày tại đất nước đang trong giai đoạn khủng hoảng này, tăng 30% so với năm 2011. Và hiện có đến 2 triệu ngôi nhà đang bị bỏ trống.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Tây Ban Nha là 25% và có thể sẽ tiếp tục gia tăng. Cuối tháng 11 vừa qua, có 3 trường hợp tự sát do tình trạng suy thoái tài chính xảy ra trong ba ngày liên tiếp.
Còn tại Ý, quốc gia nằm trong tình trạng nợ báo động của khu vực thì biện pháp tăng thuế, giảm chi tiêu công, thu hẹp tín dụng đã đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản. Niềm tin kinh doanh chạm đáy. Năm 2011, cứ trung bình một ngày có 31 công ty phải đóng cửa, hầu hết họ là những doanh nghiệp vừa và nhỏ – lực lượng chiếm đến 95% toàn nền kinh tế.
Theo thống kê, trong năm 2009-2010, có đến 400 chủ doanh nghiệp tự sát vì khó khăn tài chính. Họ chính là những nạn nhân kinh tế điển hình của cuộc khủng hoảng nợ.
HungNinh (Tổng hợp)
(vietnamnet.vn)