Tinh Hoa

Nghị trình ‘năng nổ’ của Obama cho 4 năm tới

Tổng thống Obama đã bắt đầu nhiệm kỳ 2 của ông bằng cách định ra một nghị trình cho 4 năm tới dựa trên nền tảng các chính sách xã hội Dân chủ trong một bài diễn văn rất lôi cuốn.


Tổng thống Barack Obama giơ tay chào trước khi phát biểu trong lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2. (Ảnh: Getty)

Tổng thống Obama có bài phát biểu nhậm chức giữa thời điểm nước Mỹ đang chứng kiến một sự chia rẽ đảng phái sâu sắc và một sự bất ổn kinh tế kèo dài trên khắp cả nước. Với những chi tiết thường không được đưa ra khi phát biểu nhậm chức, ông Obama cam kết sẽ duy trì các chính sách chăm sóc y tế của chính phủ, mở rộng quyền cho phụ nữ và những người đồng tính, thúc đẩy kiểm soát súng đạn, cải tổ về thuế và luật nhập cư cùng với các biện pháp về thay đổi khí hậu.

Các ưu tiên mà Obama đặt ra đã phát đi một thông điệp tới các lãnh đạo thế giới, rằng ông sẽ toan tính vượt ra ngoài các cuộc chiến ngân sách vốn sẽ nổi cộm trong những tuần tới đây, trong khi chứng tỏ cho cả nước thấy rằng ông coi phần lớn công việc của mình là chăm lo cho những người Mỹ nghèo khổ.

“Bởi lẽ, người dân chúng ta hiểu rằng đất nước mình không thể thành công khi một số ngày càng ít người làm ăn khá giả trong khi đa số ngày càng đông đang chật vật kiếm sống” – ông Obama nói trong bài phát biểu kéo dài 15 phút.

Tổng thống Mỹ cũng vạch ra một nghị trình dựa trên các mục tiêu chính sách Dân chủ và các quyền bình đẳng, viện dẫn Seneca Falls ở New York, Selma ở Alabama và Stonewall Inn ở thành phố New York, những chiếc nôi của phong trào bình đẳng giới, dân quyền và sự tự do của người đồng tính.

“Nhiệm vụ của thế hệ chúng ta là làm cho những lời nói này, những quyền này, những giá trị về cuộc sống và tự do này, cùng việc mưu cầu hạnh phúc trở thành hiện thực cho mọi người Mỹ”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Ông Obama đã có buổi nhậm chức trước công chúng vào buổi trưa trước sự chứng kiến của hàng trăm nghìn người Mỹ tập trung khắp Quảng trường Quốc gia. Trong bài phát biểu sau khi tuyên thệ, ông tìm cách trấn an những người Dân chủ rằng ông sẽ không thỏa hiệp về các nguyên tắc cơ bản của họ, và cảnh báo phe Cộng hòa rằng ông dự định theo đuổi những chính sách mà hai đảng vẫn đang xung đột nhau.

Obama không có nhiều lời lẽ xoa dịu bầu không khí căng thẳng đang bao trùm Washington, về cơ bản bỏ qua mục tiêu hàn gắn chia rẽ chính trị ở thủ đô nước Mỹ mà ông đã đặt ra khi tuyên thệ 4 năm trước.

Nhiều người Cộng hòa đánh giá bài phát biểu mang tính đối đầu.

“Tôi đã hy vọng Tổng thống sẽ công nhận rằng thỏa hiệp cần là những từ ngữ của ngày nay, và chúng rõ ràng đã không thế”, nghị sĩ Darrell Issa thuộc Đảng Cộng hòa tại bang California, nhận xét. “Chúng tôi đã hy vọng ông ấy sẽ sử dụng ngày này để chạm tới tất cả người dân Mỹ và tới mọi đảng phái. Rõ ràng ông ấy đã không thế”.

Còn Thượng nghị sĩ John Thune thuộc phe Cộng hòa ở South Dakotam bình luận bài phát biểu là một cái gật đầu với những người ủng hộ tự do của Obama nhưng lại phớt lờ “những người ở đồi Capitol mà ông cần làm việc cùng để giải quyết mọi vấn đề”.

Tổng thống Obama chưa bao giờ đề cập một cách cụ thể đến những người Cộng hòa, song sự chỉ trích của ông rất rõ ràng. Ông gắn cho bài phát biểu của mình những chủ đề từ chiến dịch tranh cử tổng thống, trong đó có một ngụ ý về sự thịnh vượng của đất nước đang đặt trên “những đôi vai rộng của tầng lớp trung lưu ngày càng đông”.

Obama cũng bảo vệ một cách hùng hồn các chương trình xã hội, trong đó có chương trình Chăm sóc Y tế, Hỗ trợ Y tế và An sinh Xã hội.

Các lãnh đạo Đảng Cộng hòa đã đề xuất cắt giảm các chương trình kể trên khi đàm phán ngân sách gần đây, và một số thành viên Dân chủ lo ngại Obama sẽ đồng ý, do ông từng nói rằng mình cởi mở trước những thay đổi như vậy như một phần của một thỏa thuận cắt giảm thâm hụt rộng khắp.

“Những thứ này không làm hỏng sáng kiến của chúng ta”, ông Obama nói về 3 chương trình đó. “Chúng đem lại sức mạnh cho chúng ta. Chúng không biến chúng ta thành một đất nước của những người chỉ biết nhận; chúng khai thông cho chúng ta để chấp nhận những rủi ro làm cho đất nước này trở nên vĩ đại”.

Hôm 20/1, Tổng thống Obama đã tuyên thệ trong một buổi lễ riêng với gia đình tại Nhà Trắng, theo đúng quy định trong Hiến pháp về ngày bắt đầu các nhiệm kỳ Tổng thống. Nhưng ngày đó năm nay rơi vào Chủ nhật nên lễ nhậm chức trước công chúng của Obama được dời sang thứ Hai, trùng với ngày lễ Martin Luther King Jr.

Với bàn tay đặt lên các cuốn kinh thánh từng được Martin Luther King Jr. và Tổng thống Abraham Lincoln sử dụng, Tổng thống Obama được Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts dẫn lời tuyên thệ vào lúc 11h50 sáng trên bậc thềm của đồi Capitol. Đệ nhất phu nhân Michelle Obama cùng với hai con gái đứng bên cạnh ông, còn các lãnh đạo của quốc hội, các thư ký Nội các và hai cựu Tổng thống Bill Clinton và Jimmy Carter đứng gần đó.

Phó Tổng thống Joe Biden cũng tuyên thệ nhậm chức trong một buổi lễ cùng ngày.

Một quan chức về nhậm chức cho biết khoảng 1 triệu người đã dự buổi lễ song từ chối tiết lộ làm thế nào các nhà tổ chức thống kê được con số này. Các quan chức thi hành luật cũng không công bố ước tính song cơ quan phụ trách tàu điện ngầm cho biết 675.000 đã sử dụng hệ thống này, bằng khoảng 70% số người tới xem lễ nhậm chức năm 2009. Nhiều người dùng các phương tiện giao thông khác để đến dự sự kiện này.

Tổng thống Obama có bài phát biểu nhậm chức giữa lúc nước Mỹ đang tiếp tục vật lộn với những khó khăn kinh tế – với tỷ lệ thất nghiệp 7,8%, bằng với mức của tháng 1/2009, sau khi lên đỉnh 10% trong nhiệm kỳ đầu của ông. Các cuộc thăm dò cho thấy người Mỹ hiện giờ cảm thấy ít hy vọng hơn về tương lai dưới sự lãnh đạo của Obama so với lần đầu tiên ông bước vào Nhà Trắng.

Thanh Hảo (Theo WSJ)

(vietnamnet.vn)