Tinh Hoa

Sao Hỏa từng tồn tại sự sống

Các nhà khoa học tin rằng, việc phát hiện ra các khoáng chất phía dưới bề mặt của sao Hỏa là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy hành tinh đỏ từng tồn tại sự sống. Tuy nhiên, các cư dân trên sao Hỏa có thể chỉ là những vi sinh vật ở dạng đơn giản.




Hố McLaughlin khổng lồ do một thiên thạch đâm vào bề mặt sao Hỏa tạo ra, đã hé lộ những dấu hiệu cho thấy sự sống từng tồn tại trên hành tinh đỏ. Ảnh: SWNS.com

Một nghiên mới do Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ và Đại học Aberdeen hợp tác tiến hành phát hiện, tất cả các thành phần cho sự sống đã hiện diện phía dưới bề mặt sao Hỏa trong phần lớn lịch sử tồn tại và phát triển của hành tinh này.

Khi các thiên thạch va chạm với bề mặt sao Hỏa, chúng đóng vai trò như những chủ thể thăm dò tự nhiên, làm lộ thiên đất đá nằm sâu dưới lớp vỏ hành tinh.

Xem xét dữ liệu do các tàu thám hiểm sao Hỏa MRO của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Mars Express của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) cung cấp, nhóm nghiên cứu đã phân tích đá trên hành tinh đỏ và nhận thấy chúng đều chứa đất sét và các khoáng chất đã bị nước làm thay đổi cấu tạo hóa học.

Với gần một nửa sự sống trên Trái đất bao gồm các vi sinh vật ở dạng đơn giản, cư trú dưới bề mặt hành tinh, các nhà khoa học nhận định điều tương tự cũng có thể đã xảy ra với sao Hỏa.

Tiến sĩ Joseph Michalski, chuyên gia địa chất học hành tinh thuộc Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ và là người đứng đầu nghiên cứu, tuyên bố: “Tất cả các thành phần cần cho sự sống đều có ở đó (dưới bề mặt sao Hỏa), nhưng chỉ có các vi sinh vật đơn bào có thể sống sót trong những điều kiện ấy … Nếu sự sống từng tồn tại trên hành tinh đỏ, hoàn toàn có khả năng nó vẫn còn tồn tại cho tới hiện nay”.

Một số hố va chạm sâu trên sao Hỏa cũng đóng vai trò như các lòng chảo, nơi nước ngầm dường như tụ lại, tạo thành hồ có chứa đất sét và những khoáng chất cacbonat. Các chất lỏng hình thành những khoáng chất ấy một ngày nào đó có thể cho chúng ta biết thêm về sự sống phía dưới bề mặt hành tinh đỏ cũng như cung cấp bằng chứng về cách sự sống phát triển trên Trái đất.

Theo kế hoạch, tàu thám hiểm sao Hỏa Curiosity của NASA sẽ bắt đầu khoan xuống bề mặt sao Hỏa trong vài ngày tới để lấy các mẫu đá. Đây là bước tiến xa nhất kể từ khi cỗ xe thăm dò 6 bánh, chạy bằng năng lượng hạt nhân đáp xuống hành tinh đỏ cách đây 5 tháng để bắt đầu sứ mệnh thám hiểm kéo dài khoảng 2 năm.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)

(vietnamnet.vn)