Chỉ trong vòng ba tuần lễ, Thủ
tướng Nhật Shinzo Abe đã nỗ lực làm sâu sắc thêm quan hệ lâu dài với Đông Nam Á
sau khi trở lại vị trí lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
|
Ảnh: militaryimages |
Chuyến công du Đông Nam Á của ông
bắt đầu từ Việt Nam, tới Thái Lan và Indonesia. Trước đó, phó thủ tướng Taro Aso
đã tới Myanmar và Ngoại trưởng Nhật thăm Philippines, Singapore và Brunei.
Các chuyến đi con thoi đã minh chứng cho sự trỗi dậy ngoại giao của Nhật chưa
từng xảy ra suốt bốn thập niên qua ở một khu vực quen với cách tiếp cận ôn hoà,
tập trung vào kinh tế và phát triển.
Ông Abe là người đã chứng kiến sự
“tụt dốc” của Nhật trong thời gian qua. Khi ông làm thủ tướng lần thứ nhất
2006-2007, Nhật đứng thứ hai trong hàng ngũ các cường quốc toàn cầu. Sáu năm
tiếp theo, ông chứng kiến những biến đổi xảy ra trong nước như: sự thăng tiến của đảng Dân chủ Nhật (2010-2012), suy thoái kinh tế, thảm họa động đất sóng thần, và lòng tự tin thời kỳ thịnh vượng hậu chiến ngày càng bị xói mòn.
Giai đoạn ngắn ngủi nắm giữ ghế
thủ tướng lần đầu tiên đã dạy cho ông ưu/nhược điểm trong chính sách đối ngoại
của Nhật. Để phục hồi vị thế đất nước, ông quyết định chú trọng tới các giá trị
trong chính sách đối ngoại như thúc đẩy dân chủ, thực thi quy định luật pháp và
phát triển kinh tế – những điều mà chính quyền lần một của ông không thể thực hiện
một cách toàn diện. Tuy vậy, lần này, một phương diện mới đã xuất hiện –
an ninh và hợp tác chiến lược – được nhiều lần nhắc lại trong các phát biểu của
ông Abe.
Nó đánh dấu sự thay đổi về mặt
chính sách ngoại giao của Nhật thay vì tập trung vào kinh tế thời hậu chiến và
ngần ngại thực thi nỗ lực siết chặt quan hệ an ninh với các nước Đông Nam Á.
Tiếp cận mới
Mặc dù chính phủ của ông Abe vẫn
tiếp tục chú trọng tới kinh tế, nhưng hiện nay, yếu tố chiến lược sẽ trở thành
một phần trong cách tiếp cận mới. Nhật Bản đang tái cân bằng mối quan hệ
với 10 nước Đông Nam Á đồng thời cố gắng xác định và đặt ra những ưu tiên với
các đối tác chiến lược chủ chốt.
Những chuyến thăm viếng cấp cao
tới khu vực diễn ra trong tháng này của giới chức Nhật cho thấy, họ đang coi
Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Philippines là bốn “cột trụ”, tiếp theo là
Singapore, Malaysia, Brunei…
Trong quan điểm chiến lược của
Nhật Bản, Việt Nam và Philippines có tiềm năng nhất trong việc
thúc đẩy sự hợp tác an ninh mới tại thời điểm này. Việt Nam có đường bờ biển dài
thứ hai trong khu vực, rất lý tưởng cho hợp tác an ninh hàng hải. Philippines có
những tuyến vận chuyển đường biển quan trọng và nhộn nhịp nhất thế giới, với các
vùng hàng hải trải rộng. Hơn 80% lượng dầu thô và 60% nguồn cung năng lượng tới
Nhật đều đi qua tuyến vận chuyển này.
Không ai nên ngạc nhiên khi Nhật
Bản và Philippines – bước qua những bất đồng lịch sử – nhất trí một cách nhanh
chóng trong hợp tác an ninh hàng hải, đặc biệt là xây dựng khả năng phòng thủ và
phát triển nguồn lực con người như một ưu tiên trong hợp tác song phương. Để
đánh dấu sự khởi đầu mới mẻ, Nhật Bản đang tính tới việc cung cấp 10 tàu đa
nhiệm giúp Philippines nâng cao khả năng giám sát cũng như hệ thống thông tin
liên lạc công nghệ cao cho an ninh hàng hải.
Không ‘bá quyền’
Tới Thái Lan, ông Abe trở thành
lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Nhật thăm chính thức nước này trong 10 năm qua.
Thái Lan là điểm đầu tư nước ngoài lớn nhất của Nhật. Nó góp phần giải thích vì
sao Thái Lan trở thành trụ cột trong chính sách ngoại giao của Nhật suốt nhiều
năm qua.
Một điểm nổi trội có thể nhận ra
là sự hợp tác Indonesia – Nhật Bản. Indonesia đứng hàng thứ hai sau Thái trong
lĩnh vực thu hút đầu tư Nhật Bản. Cả hai nước đều đang háo hức cho những ý tưởng
mới, nhất là trong hợp tác chính trị và an ninh. Khác với Thái Lan và
Philippines, hai đồng minh Đông Nam Á của Mỹ, Indonesia có thể và đã thực thi
chính sách đối ngoại, quốc phòng độc lập hơn. Với lệnh cấm xuất khẩu vũ khí của
Nhật được nới lỏng năm ngoái, người ta có thể chứng kiến con đường mới mở ra cho
cả hợp tác phần mềm và phần cứng trong lĩnh vực an ninh hai bên.
Sự tái cân bằng ngoại giao của
Nhật diễn ra giữa lúc ASEAN phải đối mặt với những thách thức to lớn trong duy
trì vai trò trung tâm khu vực, các áp lực từ bên ngoài và những lợi ích tăng
trưởng.
Còn chưa rõ Tokyo có thể hưởng
“trái ngọt” trong sự thích ứng nhanh chóng với môi trường chiến lược mới của khu
vực hay không. Sau tất cả, cảnh quan an ninh khu vực trong thế kỷ 21 không thể được định đoạt hay áp chế bởi bất kỳ cường quốc bá chủ nào.
Thái An (theo The Nation)
(vietnamnet.vn)