Tinh Hoa

Giảm quy mô, tần suất tổ chức các lễ hội

Thứ sáu, 18/1/2013, 17:47 GMT+7

Sáng 18/1, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác quản lý tổ chức lễ hội năm 2012 và phương hướng nhiệm vụ năm 2013. Ông Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cho biết, 2012 là năm đầu thí điểm mô hình tổ chức lễ hội đền Trần mới với nhiều thay đổi. Ngày chính hội không còn tình trạng chen chúc đến ngạt thở để xin ấn và sau 3 ngày đã bán gần hết. Ông Bền giải thích do một số người đăng ký “ôm” từ 500 đến 1.000 bản ấn, chờ lúc hết bán ra với giá cao.

Năm nay, ấn đền Trần vẫn được in bằng giấy thường để giảm chi phí và số lượng in tăng lên, đáp ứng nhu cầu của người dân. Một số nghi lễ xưa kia như lễ rước cá gắn với dân chài diễn ra vào ngày 16/1 âm lịch sẽ được đề xuất khôi phục và tổ chức bên cạnh lễ khai ấn. Việc kinh doanh của các hộ dân cũng sẽ được kiến nghị đẩy lùi xa trung tâm lễ hội, quy hoạch lại, đưa vào những khu vực nhất định.

Năm 2013 Ấn đền Trần sẽ được in nhiều hơn để phục vụ người dân. Ảnh: Bá Đô.

Lễ hội đền Trần bắt đầu từ ngày 14/1 âm lịch với lễ rước theo đúng nghi lễ truyền thống. Sau đó là lễ dâng hương tưởng niệm của các đoàn đại biểu và hoạt động tế tự tại một số nơi. Lễ rước ấn được thực hiện vào lúc 22h, lễ khai ấn diễn ra sau đó một tiếng và phát chín ấn cho bảy di tích liên quan theo truyền thống. Ban tổ chức sẽ làm lễ cúng cho các ấn trước khi phát cho người dân. Để người dân không dồn hết về khu vực đền Trần, các chương trình nghệ thuật sẽ được tổ chức tại một số điểm khác ở thành phố.

Ngày 15/1 âm lịch, ban tổ chức phát ấn cho người dân tham dự lễ hội theo nguyên tắc phân luồng theo hai cửa vào ra và hệ thống hàng rào. Thời gian phát ấn kéo dài từ 7h ngày 15/1 đến 18h ngày 16/1. Mỗi cá nhân chỉ được nhận tối đa hai ấn (người dân địa phương nhận ấn vào 6h30 ngày 15/1), còn các đơn vị, cá nhân đăng ký thì nhận ấn vào thời gian thích hợp.

Ngoài lễ hội đền Trần, năm 2013 cả nước có gần 8.000 lễ hội. Cục Di sản văn hóa cho biết, sẽ giảm quy mô, tần suất tổ chức lễ hội để thực hành tiết kiệm phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước và từng địa phương. Các lễ hội có quy mô lớn, mang tính sự kiện, lễ hội ngành nghề tổ chức 5 năm một lần theo phương thức xã hội hóa. Các nghi lễ lịch sử cách mạng tổ chức theo định kỳ các ngày lễ lớn với phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm.

“Các địa phương cần chú trọng đầu tư cơ sở vật chất tương xứng với nhu cầu du khách. Hòm công đức, lư hương phải được sắp xếp hợp lý, hạn chế hoặc không đốt vàng mã. Nội dung và chương trình nghệ thuật được nâng lên”, lãnh đạo Cục Di sản nói.

Cục Di sản văn hóa đánh giá năm 2012 hoạt động văn hóa lễ hội trên cả nước còn nhiều hạn chế, như tình trạng tắc nghẽn giao thông, tệ đánh bạc, lạm dụng tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan. Cá biệt có hiện tượng gây bất bình trong dư luận, như diễn viên hát quan họ vừa hát vừa ngả nón xin tiền (hội Lim), dâng và đốt nhiều vàng mã gây tốn kém và ô nhiễm môi trường (chùa Bà Chúa kho, Bắc Ninh).

Nguồn thu từ lễ hội và hoạt động tại di tích của một số địa phương còn buông lỏng, tạo điều kiện thu lời cho một số cá nhân, chưa khai thác hiệu quả và đầu tư trở lại cho di tích tương ứng với nguồn công đức hảo tâm của nhân dân…

Hoàng Thùy

(vnexpress.net)