Tinh Hoa

Không đóng bảo hiểm, trợ cấp ốm đau tính thế nào?

–  Cơ quan tôi có 01 công nhân xin nghỉ không lương để điều trị bệnh viêm gan mãn tính, thời gian nghỉ trên 14 ngày trong tháng nên không đóng bảo hiểm. Khi nộp hồ sơ thanh toán trợ cấp ốm đau thì bảo hiểm trả lại, không thanh toán với lý do là không tham gia đóng bảo hiểm. 

Xin hỏi như vậy đúng hay sai? Nếu muốn thanh toán ốm đau trong trường hợp này thì phải đóng bảo hiểm ra sao? Nếu bảo hiểm trả lại không thanh toán là đúng thì dựa trên quy định nào của pháp luật? 

(Ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại Mục B Tiết 3 Thông tư số 03/2007/TT- BLĐTBXH ngày 30/01/2007 của Bộ Lao động Thương binh xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định:

“Thời gian NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì cả NLĐ và NSDLĐ không phải đóng BHXH trong tháng đó” Trường hợp NLĐ đó nghỉ không lương quá 14 ngày làm việc (không tính ngày chủ nhật) thì cả NLĐ và doanh nghiệp bạn không phải đóng BHXH của tháng NLĐ nghỉ không lương đó. Thời gian nghỉ không lương này không tính là thời gian đóng BHXH.

Tại khoản 1 điều 22, điều 23, điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 có quy định như sau:

Điều 22. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau

1. Bị ốm đau, tai nạn rủi ro phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở y tế.

Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng ma tuý, chất gây nghiện khác thì không được hưởng chế độ ốm đau.

Điều 23 Thời gian hưởng chế độ ốm đau như sau:

1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau: 

a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng ba mươi ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới mười lăm năm; bốn mươi ngày nếu đã đóng từ đủ mười lăm năm đến dưới ba mươi năm; sáu mươi ngày nếu đã đóng từ đủ ba mươi năm trở lên; 

b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng bốn mươi ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới mười lăm năm; năm mươi ngày nếu đã đóng từ đủ mười lăm năm đến dưới ba mươi năm; bảy mươi ngày nếu đã đóng từ đủ ba mươi năm trở lên. 

2. Người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:

a) Tối đa không quá một trăm tám mươi ngày trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;

b) Hết thời hạn một trăm tám mươi ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn. 

3. Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 của Luật này tuỳ thuộc vào thời gian điều trị tại cơ sở y tế thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân. 

Điều 25. Mức hưởng chế độ ốm đau

1. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 23 và Điều 24 của Luật này thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

2. Người lao động hưởng tiếp chế độ ốm đau quy định tại điểm b khoản 2 Điều 23 của Luật này thì mức hưởng được quy định như sau:

a) Bằng 65% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ ba mươi năm trở lên; 

b) Bằng 55% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ mười lăm năm đến dưới ba mươi năm;

c) Bằng 45% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới mười lăm năm.

3. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này thì mức hưởng bằng 100% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

4. Mức hưởng chế độ ốm đau tính theo quy định tại khoản 2 Điều này nếu thấp hơn mức lương tối thiểu chung thì được tính bằng mức lương tối thiểu chung.

Như vậy, trường hợp của bạn thuộc trường hợp không phải đóng BHXH và được hưởng chế độ ốm đau nếu đáp ứng các quy định nêu trên. 

Tư vấn bởi Văn phòng luật sư Giải Phóng. Địa chỉ: 225 Hai Bà Trưng, Phường 6, Quận 3, Tp Hồ Chí Minh. Tổng đài tư vấn luật: 19006665

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).

(vietnamnet.vn)