Tinh Hoa

Hạt dẻ: Tết này ăn không hết để… tết sau

Tất cả các tiểu thương tại chợ Đồng Xuân đều khẳng định họ thu mua các loại hạt khô, sấy: Hạt hướng dương, hạt bí, hạt dẻ,… từ nguồn trong nước. Nhưng “oái oăm” là các mặt hàng này đều là hàng “3 không”.

Thiên đường các loại hạt “nhấm nháp”

Cổng sau chợ Đồng Xuân là “thủ phủ” của các loại hạt. Tại đây, người tiêu dùng có thể “vô tư” chọn cho mình những loại hạt “nhấm nháp” phù hợp với sở thích của gia đình vào dịp Tết: sen sấy, hạt điều sấy, hạt bí, hạt dẻ cười, hạt hướng dương, hạt dẻ rừng,…

Theo các tiểu thương tại đây, so với các năm trước, năm nay hạt bí vẫn là lựa chọn của nhiều gia đình vì giá cả phù hợp và đây được coi là hàng Việt Nam “xịn”. Hiện hạt bí tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội có giá 170 nghìn đồng/kg loại nhỏ, loại nhỡ 180 nghìn đồng/kg, loại to nhất 200 nghìn đồng/kg (tăng từ 50 đến 60 nghìn đồng/kg so với năm ngoái).

Hạt hướng dương sấy chỉ có giá 55 nghìn đồng/kg , hạt hướng dương trắng tẩm gia vị có giá 60 nghìn đồng/kg, hướng dương sống có giá 55 nghìn đồng/kg. Một số loại hạt cao cấp như hạt dẻ cười, hạt điều, hạt sen sấy có giá từ 270 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng tùy từng loại.

Từ Tết 2010, hạt dưa đã được đưa vào danh sách “hàng cấm” nên đến Tết năm nay thị trường các loại hạt ở Hà Nội vắng hẳn loại hạt có màu đỏ may mắn này. Theo khảo sát của phóng viên, các cửa hàng trong chợ Đồng Xuân đều không có hạt dưa đỏ bán.

Tương tự, tại Phố Hàng Giầy nơi bán nhiều loại kẹo bánh bình dân, cũng không thấy sự xuất hiện của hạt dưa. Khách mua hàng buôn từ phố này thường đưa về ngoại thành bán nên loại kẹo cân, hạt hướng dương khá đắt hàng hơn trong chợ Đồng Xuân.

Hạt hướng dương vứt “lăn lóc” tại chợ Đồng Xuân

Một chủ cửa hàng tại phố hàng Giầy xởi lởi giới thiệu: “Hàng nhà chị đều là loại đặc biệt, lấy chỗ quen biết, giá cả phải chăng, hướng dương hạt to, đều loại đen giá 60.000 đồng/kg, loại trắng đắt hơn 10.000 đồng/kg. Nếu không ưng hướng dương thì lấy hạt bí giá cao hơn nhưng cũng toàn loại đặc biệt cả, đảm bảo để bao lâu cũng không sợ mốc. Hạt dẻ là hàng Cao Bằng xịn đấy nhé…”.

Nhưng khi PV thắc mắc: “Chỗ quen biết của chị là ở tỉnh nào? Hay lại hàng nhập từ Trung Quốc?. Sao không có nhãn mác cho khách hàng yên tâm?. Hạt dẻ “đặc sản” mà cùng không có thương hiệu gì hả chị? ” thì chị này bảo: ‘Làm gì có hàng Trung Quốc, toàn hàng Việt cả đấy. Nhưng nhập 1 lúc hàng tạ hàng, toàn đựng trong túi bóng hoặc bao tải to chắc cái nhãn mác nó….bị trôi và lẫn vào đâu đó. Hạt dẻ này phải đi thu mua từng ít một của nhà dân, mà đã từ dân thì lấy đâu nhãn mác. Cái “tiếng” của nó đã là thương hiệu rồi…”.

Nhập nhèm hàng Trung- Việt

Được biết, đầu tháng 1/2013, Đội Quản lý thị trường số 4 (Chị cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Phòng CSĐT trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46, Công an TP.Hà Nội) đã tổ chức kiểm tra ba xe tải đang tập kết hàng hoá tại cổng chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Qua kiểm tra sơ bộ phát hiện, lô hàng trên gồm các loại quần áo, đồ chơi trẻ em cùng ô mai, mứt, hạt dẻ cười… Đáng chú ý, tất cả các sản phẩm đều có nhãn mác và chữ Trung Quốc.

Vào thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng này không có mặt tại hiện trường nhưng các lái xe cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng trên. Theo lái xe tải mang biển kiểm soát 30Y – 8688, họ chỉ là những lái xe chở hàng thuê từ Ga Yên Viên về chợ Đồng Xuân.

Ai có thể đảm bảo rằng những mặt hàng “nhấm nháp” kia là 100% “make in Việt Nam” khi mà tất cả những thông tin về sản phẩm đều ở chế độ “3 không”?.Bao nhiêu phần trăm số hàng Trung Quốc đã “chót lọt” và đang ẩn mình trong những bao tải hàng “trắng” về thông tin kia?.

Lấy gì để đảm bảo các mặt hàng “3 không” này không phải hàng Trung Quốc?

Chị Hải, bán trà đá gần cổng chợ Đồng Xuân chia sẻ: “Ngày nào cũng có ô tô chuyên chở hàng hóa từ nơi khác về. Mà hàng bán trong chợ Đồng Xuân đa phần là hàng Trung Quốc. Đừng thấy người ta giới thiệu hàng Việt chất lượng cao mà vội tin, toàn hàng Trung Quốc cả đấy. Đến ở Cao Bằng còn ít khi mua được hạt dẻ Cao Bằng, thì lấy đâu hàng mà bán ở chợ Đồng Xuân nhiều thế. Toàn hàng Trung Quốc đấy. Hạt dẻ ở đây tết này không ăn hết, để đến tết sau vẫn ngon….”.

Có thể nói, không phải người mua “mù tịt” về chuyện hàng hóa không đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ vì thói quen “xuề xòa”, có cái ăn đã là tốt từ thời bao cấp nên chẳng hề quan tâm đến những nguy cơ tiềm ẩn trong những thứ hàng hóa “đặc sản” trên.

Chính sự dễ dãi của người tiêu dùng đã tiếp tay cho các loại hàng hóa kém chất lượng và các cơ sở, đầu nậu được dịp tung hoành. Và lại một cái Tết của thực phẩm độc hại đang chờ đón người tiêu dùng…thưởng thức.

(Theo VietQ)

(vietnamnet.vn)