Hàng trăm cảnh sát khắp Trung Quốc thiết lập các tài khoản blog nhằm cải thiện quan hệ với công chúng trong thời đại công nghệ, theo tin trên truyền thông nhà nước.
Lực lượng này sẽ nhằm “giảm căng thẳng vốn thường do xử lý khiếu nại kém gây ra”, Tân Hoa Xã nói.
Mạng Twitter đặc trưng với tính năng cho người sử dụng gửi thông điệp dài 140 ký tự bị cấm ở Trung Quốc, nhưng các mạng tương tự của Trung Quốc thu hút hàng triệu người sử dụng.
Trung Quốc có 450 triệu người dùng Internet, theo các con số chính thức.
Ít nhất có 500 nhân viên cảnh sát bàn giấy lập các trang blog loại nhỏ (micro-blog) và gừi ra các thông điệp, theo tin của nhật báo Nhân Dân.
‘Nảy lửa’
Nhân vật trên micro-blog có tên là Bắc Kinh An Toàn, với hình đại diện là một tranh vẽ cảnh sát Bắc Kinh mỉm cười giơ ngón cái lên, có đến 330.000 người theo.
Thông điệp mới nhất, thông điệp số 1.482, cảnh báo rằng cố tình làm khuất hay che biển số xe là bất hợp pháp và có thể bị phạt hay trừ điểm phạt.
Các thông điệp trước bao gồm ghi chú về sửa đường, kèm theo bản đồ, và một cảnh báo về trộm cắp.
Trang này cảnh giác công chúng về xu hướng gia tăng đột nhập trong đêm vào các ngôi nhà kiểu thấp có sân nhỏ.
“Hãy cẩn thận, đóng cửa sổ và cửa chính thật kín, không để đồ có giá trị bừa bãi.” Thông điệp này nhận được 24 chia sẻ và 21 bình luận.
Ở thành phố Tế Nam (Jinan) nằm phía đông, cảnh sát cùng các trang micro-blog để thu nhận ý kiến công chúng về các vấn đề như là luật giao thông, hồ sơ visa và phòng cháy.
Giới chức được Tân Hoa Xã trích lời mô tả các đối thoại trên mạng có lúc “nảy lửa”.
Sự phát triển của các trang mạng như vậy theo sau một lời kêu gọi hồi tháng trước từ lãnh đạo cảnh sát Trung Quốc, Mạnh Kiến Trụ, muốn cảnh sát nắm lấy phương tiện truyền thông mới để “nghe [dân chúng] than phiền và chỉ trích, và phục vụ tốt hơn”.
Tin về hành vi xấu của cảnh sát có thể tạo ra cuộc tranh cãi nóng bỏng trên mạng, trong bối cảnh nhiều người Trung Quốc coi cảnh sát là tiêu cực, với các tin tức về chuyện thô bạo, tham nhũng và đối xử khiếm nhã.