Nhiều doanh nghiệp nội thua lỗ do đầu tư ngoài ngành buộc phải bán lại thương hiệu với giá rẻ, thậm chí 1 đôla.
Trao đổi với VnExpress.net bên lề buổi công bố thương hiệu quốc gia sáng nay, Phó giáo sư -Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng bộ môn quản trị thương hiệu Đại học Thương mại cho rằng, nhiều doanh nghiệp nội không “chết” vì ngành chính mà chủ yếu thua lỗ do đầu tư ngoài ngành như bất động sản, chứng khoán… Chính vì vậy mới có những trường hợp buộc phải bán lại thương hiệu với giá rẻ như cho không.
Thương hiệu Viêt đang dần mất đi. Ảnh minh họa |
Đơn cử vừa qua, một công ty bia ở Huế đã bán cho đối tác của Đan Mạch với giá 1.800 tỷ đồng, trong đó giá trị thương hiệu khoảng 1.100 tỷ đồng còn 700 tỷ đồng là giá trị hữu hình của doanh nghiệp như sản phẩm, lao động, nhân công… “Nghe con số 1.800 tỷ đồng có vẻ to nhưng thực ra, doanh nghiệp FDI lại nộp ngân sách mỗi năm lên tới 800 tỷ đồng. Như vậy chỉ sau hơn 2 năm, số tiền nộp ngân sách đã đủ để thâu tóm thương hiệu Việt”, ông Thịnh phân tích.
Vừa qua, hàng loạt vụ mua bán thương hiệu đã gây xôn xao dư luận. Điển hình phải kể đến Phở 24, Highlands Coffee bán lại cho Jollibee Food Corp với giá 20 triệu USD (JFC). Nhờ hai vụ thương hiệu đình đám này, Jollibee đặt mục tiêu trở thành chuỗi cửa hàng số 1 tại châu Á và cuối cùng là có tên trong danh sách những thương hiệu hàng đầu thế giới. Công ty cổ phần Diana bán lại 95% cổ phần cho Unicharm của Nhật trị giá 184 triệu USD. Khi mua lại Diana, Unicharm cùng lúc đặt hai mục tiêu: thị trường Việt Nam và trở thành trung tâm xuất khẩu qua Trung Quốc và cả Đông Nam Á. Ngoài ra còn phải kể đến Lotte thâu tóm Bibica thông qua việc sở hữu 35,65% cổ phần và thừa hưởng trên 20.000 cửa hàng phân phối, bán lẻ của Bibica.
Với cái nhìn thoáng hơn, ông Thân Đức Việt, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10, cho rằng, không nên quá nặng nề về việc mua bán thương hiệu của doanh nghiệp nội. Bởi thực tế Việt Nam đang ở thời kỳ hội nhập, việc mua bán thương hiệu cũng giống như nhượng quyền thương hiệu và thương hiệu doanh nghiệp Việt có cơ hội vươn tầm ra thế giới. Mấu chốt vấn đề cần quan tâm, theo ông Việt, là khi doanh nghiệp Việt bị mua, thương hiệu đó mất đi hay vẫn tồn tại.
Trong khoảng thời gian từ 1990-1995, kem đánh răng Dạ Lan chiếm tới 30% thị phần kem đánh răng cả nước. Tuy nhiên, ông chủ thương hiệu này đã bán Dạ Lan cho tập đoàn Colgate Mỹ với giá 3 triệu USD, trong khi định giá thương hiệu này lên đến trên 20 triệu USD.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, khi hội nhập vào kinh tế thế giới, doanh nghiệp Việt sẽ phải hội nhập để tham gia. Theo ông Tuấn, việc chuyển nhượng thương hiệu sẽ trở thành phổ biến trong đó bao hàm nhiều mặt từ việc đơn vị Việt mua lại hoặc doanh nghiệp FDI mua lại thương hiệu Việt. “Mua tỷ lệ bao nhiêu thế nào phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh. Việt Nam đang từng bước hội nhập khi tham gia chuỗi thế giới là môt yêu cầu”, lãnh đạo Công Thương chia sẻ.
Cho rằng bán được giá, doanh nghiệp Việt sẽ hưởng lợi. Song để thương hiệu Việt ngày càng lớn mạnh và không bị mất đi, PGS TS Nguyễn Quốc Thịnh, cho rằng cần phát triển thương hiệu doanh nghiệp đa ngành mạnh hơn. “Khi xây thương hiệu có thể kèm chỉ dẫn địa lý để thương hiệu Việt gắn liền với địa danh thì thương hiệu Việt sẽ ngày càng vững mạnh”, ông Thịnh nói.
Sáng nay, Bộ Công Thương công bố danh sách 54 doanh nghiệp trong các lĩnh vực cơ khí máy móc, da giày, dệt may; điện tử, viễn thông công nghệ thông tin, đồ trang sức… đạt danh hiệu thương hiệu sản phẩm quốc gia năm 2012. Đây là chương trình tiến hành 2 năm 1 lần bắt đầu từ 2008. Chương trình thương hiệu quốc gia năm lần đầu tiên tổ chức vào 2008 với 30 doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia có tổng doanh thu 155.277 tỷ đồng. Năm 2010 có 43 doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia. Trong năm 2012, qua hoạt động thương hiệu quốc gia, các doanh nghiệp đã ký được hợp đồng giá trị với doanh số bán hàng gần 1 tỷ đôla và 1.228 tỷ đồng. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cho biết đây là điểm khởi đầu để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu. Theo ông Tuấn Anh, Bộ sẽ có biện pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng và nâng cao phát triên thương hiệu, đặc biệt là nhân lực.Trả lời câu hỏi của báo giới về việc doanh nghiệp FDI có được tham gia xét duyệt, ông Tuấn cho hay, Hội đồng sẽ nghiên cứu và thông báo sau. |
Hoàng Lan
(vnexpress.net)