Tinh Hoa

Sau đột quỵ, nói tiếng cổ nhân

Một người đàn ông 81 tuổi ở Anh tỉnh lại sau cơn đột quỵ bỗng dưng quên mất tiếng Anh mẹ đẻ của mình và chỉ có thể nói được tiếng Wales – một loại ngôn ngữ cổ ít người dùng đến.


Ông Alun Morgan bị đột quỵ và nói một thứ tiếng rất lạ 

Ông Alun Morgan vốn nói tiếng Anh, nhưng sau cơn đột quỵ ông đã mất khả năng giao tiếp bằng bất kì ngôn ngữ nào ngoài tiếng Wales, mặc dù ông chỉ ở Wales có vài tháng trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, tức là cách đây 70 năm.

Ông cũng cho biết rằng khi còn nhỏ, mình có nói được một ít tiếng Wales và tiếng Anh. Tuy nhiên ông chỉ ở lại Wales trong 4 năm, và kể từ đó trở đi không bao giờ sử dụng tiếng Wales nữa.

Theo lời ông Joe Korner của Hiệp hội Đột quỵ, ông Morgan mắc phải một căn bệnh rối loạn não gọi là chứng mất ngôn ngữ (Aphasia).

Căn bệnh này cũng có thể khiến bệnh nhân nói ngôn ngữ của mình theo giọng của địa phương khác.

Hầu hết các bệnh nhân đều gặp rắc rối với việc nhớ ra từ ngữ để nói, họ biết các từ này nhưng chúng xuất hiện trong đầu họ cùng một lúc, khiến họ không thể nhớ ra được từ cần dùng là gì.

Ông Korner chia sẻ: “Đây là một trường hợp khá hiếm gặp. Ở Anh chỉ có khoảng 250.000 người mắc bệnh này, số người gặp những trường hợp mới như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chúng tôi tin rằng nguyên nhân là do khi bị tổn thương, não bộ đã mở ra những kí ức hoặc kiến thức tiềm ẩn bên trong chúng ta mà chưa bao giờ được bộc lộ ra ngoài”.

Chứng mất ngôn ngữ thường xuất hiện sau một cơn đột quỵ hoặc tổn thương đầu, gây ảnh hưởng đến bộ phận chịu trách nhiệm về ngôn ngữ của não. Nhiếu người mất đi khả năng ngôn ngữ, một số khác lại khám phá ra những khả năng mới lạ.

Tương tự, nhiều người cùng mắc một căn bệnh gọi là “Hội chứng giọng nước ngoài”. Một người phụ nữ Anh sau khi bị đau nửa đầu đã bắt đầu chuyển sang nói tiếng Anh theo giọng Pháp, trong khi một bệnh nhân khác lại nói tiếng Anh theo giọng Trung Quốc.

(vtc.vn)