empty
Hôm 21/3/2011, cựu thư ký Hân Kiến Uy khi được thả ra từ “trụ sở đả hắc” (nơi giam giữ những người bị cho là tham nhũng, phạm pháp dưới thời cặp đôi Bạc Hy Lai – Vương Lập Quân) gửi tin nhắn cho sếp cũ: “Tôi đã được ra tù”. Trước đó, Hân phải trải qua 339 ngày đêm trong cảnh lao tù chỉ vì lỡ… cãi lại Vương trong văn phòng.
Từ cuộc phỏng vấn với Hân Kiến Uy, báo Phương Nam cuối tuần của Trung Quốc đăng tải bài viết gây chấn động về những thói quen và sở thích quái đản của cựu Giám đốc công an Trùng Khánh, người từng một thời được ca ngợi là ‘người hùng chống tham nhũng, xã hội đen’.
|
Vương Lập Quân, cựu giám đốc công an Trùng Khánh – Ảnh: Xinhuanet |
Một năm sau ngày Hân Kiến Uy được tha tù, đến lượt Vương Lập Quân phải vào trại giam rồi bị kết án 15 năm tù cho các tội: bẻ cong luật pháp vì quyền lợi cá nhân, đào tẩu, lạm quyền, nhận hối lộ. “Ông ta thường chỉ xem tin nhắn, nhưng không bao giờ nhắn lại”, cựu thư ký Hân Kiến Uy nói.
Sự nghiệp trở thành ‘người hùng chống xã hội đen’ của Vương bắt đầu từ tháng 6/2008 khi Vương được chuyển từ tỉnh Liêu Ninh tới thành phố Trùng Khánh nhận chức Phó Giám đốc công an.
Tháng 7 năm đó, Hân trở thành thư ký thứ 3 của Vương, công việc của ông kéo dài trong 4 tháng. Nhưng ngần đó cũng đủ để Hân là thư ký “thọ” nhất dưới thời Vương.
Cựu luật sư Lý Trang, người bạn thân của Vương nay đang bị giam giữ về tội “ngụy tạo chứng cứ, hãm hại nhân chứng” kể rằng trong 4 năm lãnh đạo công an Trùng Khánh, Vương có tới… 51 thư ký.
Hân Kiến Uy cũng chỉ là một trong số rất nhiều người phải nai lưng phục vụ Vương về công tác bảo vệ, ăn uống, viết bài phát biểu, chụp ảnh, giữ quần áo, mũ mão v.v. cho Vương.
Giám đốc công an Trùng Khánh thuở nào còn có sở thích mặc áo bành tô, và bên cạnh ông ta luôn là đội cảnh vệ được tuyển chọn từ cân nặng, chiều cao đến ngoại hình để tôn thêm vẻ uy nghi, bệ vệ cho Vương Lập Quân.
Trong số đó, có hai cảnh vệ luôn phụ trách theo dõi… động tác vai của Vương, đoán biết khi nào ông ta cần cởi hay mặc áo bành tô.
Vương Lập Quân có một đội nhiếp ảnh hơn 20 người dành riêng cho mình. Những người này luôn mặc áo jacket xanh da trời, nên còn được giới cảnh sát Trùng Khánh gọi là ‘thiên thần xanh’.
Họ được tuyển chọn từ những cơ quan tuyên truyền trong lực lượng cảnh sát, hoặc cũng có thể là phóng viên ảnh, hay thậm chí là nhân viên phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy v.v.
Đội ‘thiên thần xanh’ có nhiệm vụ chụp những khoảnh khắc “rung động lòng dân” nhất của người đứng đầu giới công an Trùng Khánh và chụp những vị khách của ông ta khi có yêu cầu.
Nếu ảnh chưa đạt yêu cầu, đội ‘thiên thần xanh’ sẽ phải làm photoshop trong thời gian ngắn nhất. Họ kể với tờ Phương Nam cuối tuần rằng, Vương Lập Quân có thói quen xem slideshow của riêng mình hằng đêm.
Thường xuyên ‘vi hành’ đêm
Vương Lập Quân cũng có sở thích đi tuần tra bất chợt vào buổi đêm. Vương cho rằng, đây là cách để kiểm tra năng lực của đội ngũ cảnh sát.
Mỗi cuộc tuần tra như vậy luôn có đội cảnh vệ theo sau, nhưng Vương luôn yêu cầu họ không theo quá sát để không ai biết được đó là xe của Vương.
Chốt trực của cảnh sát giao thông, đội nữ đặc nhiệm là hai nơi Vương thường xuyên ghé thăm.
Tin tức, hình ảnh, video clip về những lần thăm này sẽ được cấp dưới của Vương đăng tải trên website của công an Trùng Khánh.
Tuy nhiên, trong nhiều chuyến ‘vi hành’, đội ngũ cảnh vệ và ‘thiên thần xanh’ đi kèm sẽ bị Vương đuổi về giữa đường bởi không muốn ai biết lịch trình của mình.
Chưa ai biết rõ những chuyến ‘vi hành’ như thế, Vương sẽ đi đâu và làm gì?
Ông giám đốc công an khó tính còn có thói quen nữa khiến cấp dưới phát sợ. Đó là việc quần áo, thức ăn khi đi tuần tra đêm luôn phải chuẩn bị sẵn sàng: “Quần áo sạch nhưng để quá 5 ngày không mặc tới cũng phải mang giặt lại, đồ ăn thức uống phải luôn trong tình trạng sẵn sàng”, Vương ra lệnh.
Thậm chí, việc ăn mặc của nhân viên trong Sở công an Trùng Khánh cũng phải nghiêm chỉnh từng ly từng tý. Có lần, một nhân viên ăn vận đủ bộ comple, quần âu nhưng quên… đeo cà-vạt bị Vương bắt gặp trong hành lang.
Nhân viên ‘xui xẻo’ nọ suýt chút nữa bị đuổi việc nếu không được rất nhiều người thân cận với Vương xin xỏ, năn nỉ gãy lưỡi.
Nhân viên dưới thời Vương được nói là luôn nơm nớp sợ ông giám đốc khắt khe, một lỗi dù nhỏ cũng trở thành “sai lầm không thể tha thứ” trong mắt Vương, người nào khiến ông ta không vừa ý còn có thể phải bóc lịch trong trại giam.
Tiêu biểu cho sự hà khắc này là cựu thư ký Hân Kiến Uy, chỉ vì có lần cự cãi khi bị Vương trách mắng mà Hân bị buộc thôi việc. Điều không ai ngờ là sau đó ít lâu, Hân bị bắt giam không rõ lý do, phải bóc lịch trong nhà giam gần một năm trời.
Những thư ký trước và sau thời đó đều không ai ‘thọ’ được 4 tháng như Hân. Nhiều người đều bị đuổi việc hoặc tự xin rút lui do không chịu nổi tính khí khắt khe và hay vô cớ mắng mỏ của Vương.
Theo Huyền Lê
VTC
(dantri.com.vn)