Thứ ba, 4/12/2012, 09:55 GMT+7
Nhờ một thành tựu đột phá trong công nghệ chế tạo động cơ phản lực, một công ty Anh sẽ thiết kế loại máy bay có khả năng hoạt động trong cả khí quyển lẫn không gian.
Mô hình Skylon, phi thuyền kiêm máy bay của công ty Reaction Engines. Ảnh: Reaction Engines. |
Mọi tàu vũ trụ hiện nay không thể bay trong bầu khí quyển. Các máy bay cũng không thể hoạt động khi lọt vào vũ trụ. Phi đội tàu con thoi của Mỹ có hình dạng giống máy bay, song chúng vẫn cần tên lửa đẩy khi bay lên vũ trụ.
Reaction Engines, tên của một công ty nhỏ tại Anh, muốn tạo ra một loại phi thuyền có thể tự bay từ mặt đất lên vũ trụ mà không cần lực đẩy của tên lửa. Máy bay này sẽ di chuyển như mọi máy bay khác trong khí quyển, song khi lọt vào vũ trụ, nó sẽ vận hành như phi thuyền, trang web của Reaction Engines cho biết.
Skylon, tên của máy bay kiêm phi thuyền do Reaction Engines thiết kế, vẫn chưa ra đời, song các kỹ sư của công ty đã phác thảo xong loại động cơ dành cho nó. Họ gọi loại động cơ mới là Sabre. Công nghệ đột phá trong Sabre là bộ trao đổi nhiệt độ – thứ có thể làm nguội luồng không khí bị hút vào động cơ với tốc độ cao trong khoảng thời gian cực ngắn. Cụ thể, nó có thể giảm nhiệt độ không khí từ 1.000 độ C xuống 150 độ C trong 1/100 giây. Như vậy, động cơ phản lực sẽ tránh được nguy cơ tan chảy do nhiệt của luồng khí nóng.
Với công nghệ chế tạo bộ trao đổi nhiệt mới, Skylon có thể di chuyển với tốc độ lớn hơn 2,5 lần tốc độ âm thanh trong không khí – giới hạn về tốc độ của các phi cơ phản lực hiện nay. Các kỹ sư của Reaction Engines tin rằng động cơ Sabre sẽ giúp Skylon bay nhanh gấp 5 lần âm thanh ở độ cao 25 km. Nhưng khi lọt vào vũ trụ, động cơ sẽ chuyển sang chế độ tên lửa và giúp Skylon bay với vận tốc gấp 25 lần tốc độ âm thanh.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã công nhận công nghệ chế tạo bộ trao đổi nhiệt mới trong động cơ phản lực của Reaction Engines sau khi các chuyên gia của ESA theo dõi các thử nghiệm do công ty thực hiện.
“Chúng tôi sẽ không công bố nguyên lý hoạt động của bộ trao đổi nhiệt mới. Đó là bí mật lớn nhất của công ty”, Richard Varvill, người đứng đầu bộ phận thiết kế của Reaction Engines, phát biểu.
Để giữ bí mật, Reaction Engines không đăng ký bản quyền đối với bộ trao đổi nhiệt trong động cơ phản lực Sabre, bởi theo thủ tục đăng ký bản quyền, họ sẽ phải mô tả nguyên lý hoạt động của nó.
Ban lãnh đạo của Reaction Engines đang kêu gọi các nhà tài trợ đóng góp 400 triệu USD để họ chế tạo phiên bản thu nhỏ của động cơ Sabre trong ba năm tới. Tim Hayter, giám đốc điều hành của công ty, tin rằng phiên bản cỡ lớn của động cơ sẽ ra đời trong vòng 10 năm nếu công ty có đủ số tiền mà họ cần trong quá trình chế tạo.
Minh Long
(vnexpress.net)