Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) vừa xác nhận hôm nay 03/12/2012 thông tin từ tuần trước nói một tàu của tập đoàn này lại bị Trung Quốc ‘cắt cáp’ hôm thứ Sáu ngoài Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn báo Bấm Năng lượng Mới, ông Phạm Việt Dũng, Phó trưởng ban Tìm kiếm Thăm dò – phụ trách Văn phòng Biển Đông nói vụ việc xảy ra vào sáng ngày 30/11 với tàu Bình Minh 02, ở khu vực cách đảo Cồn Cỏ 43 hải lý về phía Đông Nam.
Ông Phạm Việt Dũng cho hay khi tàu của Việt Nam đang di chuyển về khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ để khảo sát địa chấn thì gặp nhiều tàu cá Trung Quốc đang hoạt động tại đây:
“Khi các lực lượng chức năng phát tín hiệu cảnh báo và yêu cầu các tàu cá ra khỏi khu vực làm việc của tàu Bình Minh 02, một cặp tàu kéo dã cào mang số hiệu 16025 và 16028 của Trung Quốc đã chạy qua phía sau tàu Bình Minh 02 và gây đứt cáp địa chấn của tàu Bình Minh 02 cách phao đuôi khoảng 25m.”
Tuần trước, hôm 30/11, khi đài BBC gọi về tìm hiểu tin này với quan chức PetroVietnam thì được họ cho hay tập đoàn này còn đang họp để xác minh thông tin nói trên.
Không phải lần đầu
Đây không phải là lần đầu tin tàu của PetroVietnam hoặc tàu do công ty này thuê bị phía Trung Quốc cắt cáp.
Hồi giữa năm 2011 tàu địa chấn Bình Minh 02 của PetroVietnam đang tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực các lô 125, 126, 148, 149 trên thềm lục địa miền Trung của Việt Nam thì bị ba tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp.
Sự việc xảy ra hôm 26/05/2011 tại vùng biển miền Trung chỉ cách mũi Đại Lãnh của tỉnh Phú Yên 120 hải lý, mà PetroVietnam nói hoàn toàn trong thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nói một tàu thăm dò dầu khí khác của Việt Nam thuê vừa bị tàu Trung Quốc phá hoại thiết bị, hai tuần sau vụ tàu Bình Minh 02.
Sau đó, sang tháng 6/2011, tàu Viking 2, chuyên khảo sát địa chấn 3D của liên doanh CGG Veritas (Pháp) được Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) thuê lại bị tàu Trung Quốc cắt cáp.
Vào sáng ngày 09/06, các nguồn tin từ Việt Nam nói một tàu cá của Trung Quốc mang số hiệu 6226 bị cáo buộc đã chạy với tốc độ cao ngang qua và phá hoại dây cáp thăm dò của Viking 2 “bằng thiết bị chuyên dụng”, gây rối cáp khiến tàu này phải ngừng hoạt động.
Sau đó, theo người phát ngôn Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga phát biểu với báo chí, hai tàu ngư chính Trung Quốc mang số hiệu 311 và 303 đã tiến vào giải cứu cho tàu cá của họ rút lui.
Vụ tàu Bình Minh 02 đã gây chấn động dư luận, và vụ việc này cũng với một loạt các vụ tàu cá Việt Nam bị Trung Quốc bắn hay truy đuổi đã dẫn tới hai cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hôm Chủ nhật 05/06 năm 2011.
Kể từ đó tới gần đây, Trung Quốc không có các hoạt động tương tự trên biển nhưng đến giữa năm 2012 lại công bố mời thầu quốc tế vào một số lô dầu khí mà Việt Nam nói là nằm trên thềm lục địa của nước này.
Đáp lại hoạt động đó của nước láng giềng phía Bắc, hồi tháng 7 năm nay, PetroVietnam xác nhận họ tiếp tục khai thác dầu khí tại Biển Đông vì coi lời mời thầu quốc tế vào chín lô trên thềm lục địa mà tập đoàn Trung Quốc CNOOC đưa ra là “không có giá trị”.
Thông báo sau cuộc họp ngày 9/7/2012, lãnh đạo PetroVietnam nói họ đã gửi thư cho CNOOC và các bên mời thầu để xác nhận rằng rằng các lô mà Trung Quốc nói nằm trong thềm lục địa của Việt Nam, căn cứ vào Công ước Luật Biển năm 1982.
PetroVietnam cũng cho hay khi đó rằng họ vẫn thực hiện công tác khai thác dầu khí trong vùng Biển Đông cùng các đối tác Nga, Hoa Kỳ và Ấn Độ tại khu vực có các lô kia.
Vụ cắt cáp mới nhất cuối tháng 11 năm nay xảy ra khi đang có căng thẳng về Biển Đông sau khi Trung Quốc tung ra mẫu hộ chiếu có hình đường ‘lưỡi bò’ chiếm gần trọn Biển Đông.
Nhưng đây cũng là thời điểm có một loạt hoạt động ngoại giao cao cấp Trung – Việt.
Hôm 28/11/2012, Đại tướng Phùng Quang Thanh của Việt Nam đã hội đàm với Tướng Trung Quốc, ông Vương Tây Hân sang thăm Việt Nam.
Sang ngày 2/12, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã tiếp ông Lý Kiến Quốc, Uỷ viên Bộ Chính trị và Phó Trưởng ban Thường vụ của Quốc hội nước láng giềng tại Hà Nội.
Theo BBC