– Nhận định gần Tết Nguyên đán 2013, tội phạm sẽ dồn về thành phố cướp giật, gây án, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các ngành chức năng nhanh chóng trấn áp tội phạm cướp giật để làm an lòng dân.
Ngày 1/12, tại cuộc họp kiểm tra tình hình kinh tế – xã hội 11 tháng đầu năm nay, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, trong tháng 11 vừa rồi trên địa bàn thành phố đã liên tục xảy ra nhiều vụ cướp giật táo tợn, thậm chí có trường hợp băng nhóm chặt tay người dân cướp của.
“Từ nay đến cuối năm, đặc biệt là thời điểm gần tết tội phạm sẽ dồn về TPHCM cướp giật, gây án. Công tác quản lý địa bàn của chính quyền địa phương, trách nhiệm của ngành công an như thế nào đối với tình trạng này?”, ông Quân đặt vấn đề và yêu cầu các ngành chức năng nhanh chóng trấn áp tội phạm, nhất là những kẻ cướp giật làm cho người dân hoang mang.
Tội phạm đường phố – Tội phạm đặc thù ở TP.HCM. |
Ngoài ra, ông Quân cũng đề nghị Công an thành phố phối hợp, làm việc với các tỉnh thành có tội phạm gây án ở TP.HCM để có biện pháp ngăn chặn và triệt phá tội phạm hiệu quả hơn.
Về tình hình tội phạm, chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Luận cho biết, trong vòng hơn một tháng (từ 6/10-15/11), trên địa bàn thành phố đã xảy ra 572 vụ phạm pháp hình sự, tăng 181 vụ (tăng hơn 46%) so với tháng trước và tăng 129 vụ (tăng hơn 29%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Luận, các lực lượng chức năng đã điều tra khám phá 409 vụ (đạt 71,5%), bắt 507 đối tượng vi phạm, triệt phá 79 băng nhóm và truy bắt 37 đối tượng có lệnh truy nã, tiếp nhận 8 đối tượng đầu thú.
Còn đại tá Ngô Minh Châu – Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết, về trật tự an toàn xã hội, năm nay xảy ra 5.001 vụ phạm pháp hình sự, giảm 403 vụ so với năm 2011, làm chết 121 người.
Theo đại tá Châu, đáng lo ngại là tình trạng cướp giật tuy có giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các vụ phạm pháp hình sự (năm 2012 chiếm 72%).
“Đặc biệt, cuối tháng 10 và đầu tháng 11 năm nay đã xảy ra các vụ cướp với hành vi dã man”, đại tá Châu nói.
Đại tá Châu cũng đặt vấn đề, tội phạm cướp giật đến TP.HCM gây án càng ngày càng mở rộng. “Nếu như trong 2 năm 2010 và 2011, các đối tượng cướp giật, gây án tại thành phố đến từ Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An… thì năm nay, có cả những tên cướp giật từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ cũng về gây án”, đại tá Châu nói.
Nguy hiểm hơn, theo vị Phó Giám đốc Công an thành phố là nếu trước đây, những kẻ cướp giật này thường chỉ uy hiếp người dân rồi cướp của thì nay chúng manh động hơn, dùng cả vũ khí tấn công thẳng vào nạn nhân, chém và giết rồi cướp của.
Một thực tế đáng lo ngại khác, trên địa bàn thành phố có nhiều nam công nhân từ các tỉnh thành đến TP.HCM làm việc. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều người bị mất việc thường tổ chức ăn nhậu nhưng do không có tiền nên đã kết thành nhóm đi cướp. “Tính chất đa dạng, đối tượng cướp giật phong phú, không chỉ có đối tượng cướp chuyên nghiệp như trước đây mà đối tượng không chuyên nghiệp cũng tham gia trộm cướp”, đại tá Châu nhận định.
Trước thực tế này, đại tá Châu cho biết, ngay từ ngày đầu tháng 12 này, Công an thành phố đã chỉ đạo các lực lượng công an của 24 quận huyện đồng loạt ra quân trấn áp tội phạm.
Tá Lâm
(vietnamnet.vn)