Tinh Hoa

Phát hiện nước trên sao Thủy

Tàu vũ trụ của Mỹ vừa có khám phá quan trọng, xác thực các nghi ngờ có từ nhiều thập kỷ nay về sự tồn tại của nước trên sao Thủy – hành tinh gần Mặt trời nhất trong Thái Dương hệ của chúng ta.

Theo trang Live Science, nhiệt độ trên sao Thủy có thể lên tới 427 độ C, nhưng quanh cực Bắc, tại các khu vực luôn bị che chắn trước sức nóng của Mặt trời, tàu thám hiểm Messenger của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện các lớp nước đóng băng hòa trộn với những thứ dường như là vật liệu hữu cơ.

Ảnh kết hợp do tàu Messenger gửi về Trái đất giúp các nhà nghiên cứu có cái nhìn toàn cảnh về cực Bắc sao Thủy. Ảnh: NASA

Bằng chứng về sự tồn tại của nước ở dạng băng trên sao Thủy có thể nhìn thấy rõ từ vĩ độ 85 độ Bắc tới cực Bắc của hành tinh này, với các lớp băng nhỏ hơn nằm rải rác, xa tới 65 độ Bắc.

Phát hiện trên thú vị tới mức NASA sẽ hướng sự chú ý của tàu Messenger tập trung vào khu vực quanh cực Bắc của sao Thủy trong các tháng tới, khi góc nghiêng với Mặt trời cho phép, để có sự quan sát tốt hơn, Gregory Neumann – nhà khoa học phụ trách thiết bị của tàu Messenger tại Trung Tâm Các chuyến bay vào không gian Goddard thuộc NASA, tiết lộ.

Giới nghiên cứu đã phỏng đoán về sự tồn tại của nước ở dạng băng trên sao Thủy từ cách đây 20 năm. Năm 1991, các nhà thiên văn trên Trái đất từng bắn các tín hiệu radar lên hành tinh này và thu được các kết quả cho thấy băng có thể tồn tại ở cả 2 cực của sao Thủy. Phỏng đoán tiếp tục được củng cố nhờ các đo đạc năm 1999 bằng chùm tia vi sóng Arecibo Observatory cực mạnh ở Puerto Rico. Các hình ảnh radar truyền trở về Trái đất sau đó cho thấy các vùng trắng mà giới khoa học nghi ngờ là nước ở dạng băng.

Tuy nhiên, việc quan sát gần hơn đòi hỏi phải có tàu vũ trụ. Tàu Messenger đã được phóng lên quỹ đạo của sao Thủy vào tháng 3/2011.

Nước và chất hữu cơ là thành phần cấu tạo nên sự sống. Tuy nhiên, sự tồn tại của chúng không nhất thiết dẫn tới việc hình thành và phát triển của sinh vật. Mặc dù một số nhà khoa học cho rằng các thiên thạch mang vật chất hữu cơ đã khởi phát sự sống trên Trái đất nhưng sự hiện diện của chất hữu cơ cũng được tìm thấy trong những hành tinh thiếu không khí xa xôi như sao Diêm Vương.

Giới khoa học nhận định, các thiên thạch mang vật chất hữu cơ thường xuyên đâm vào những hành tinh khác trong lịch sử phát triển của Thái Dương hệ.

Nhóm quản lý sứ mệnh thám hiểm của tàu Messenger tiết lộ, việc họ cần làm hiện giờ là xác định xem có đúng là tàu vũ trụ này đã khám phá ra chất hữu cơ trên sao Thủy hay không.

Các nhà nghiên cứu cũng tin băng tồn tại ở cả cực Nam của sao Thủy, song quỹ đạo của tàu Messenger không cho phép họ tiến hành việc đo đạc rộng hơn ở khu vực đó.

Dự kiến, tàu Messenger sẽ di chuyển gần sao Thủy hơn trong năm 2014 và 2015 khi cạn kiệt nhiên liệu và chịu lực hút từ sao Thủy và Mặt trời. Điều này sẽ giúp các nhà nghiên cứu quan sát kỹ hơn các mỏ băng khổng lồ trên hành tinh gần Mặt trời nhất trong Thái Dương hệ.

Tuấn Anh

(vietnamnet.vn)