Gò Ếch ở xóm Đình, Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội có ngôi miếu thờ nữ thần giữ
của “linh thiêng cả vùng, không ai dám động đến”.
Có thông tin rằng một nhóm người Trung Quốc đã đào được số vàng đó, cũng có
tin đồn ông chính trị viên xã đội đào được 13kg vàng… Thực hư câu chuyện thế
nào, đến nay vẫn còn là một ẩn số.
Bị đau mắt vì cột trâu cạnh gò
Gò Ếch nằm giữa xóm Đình, nay đã được xây tường kiên cố bao quanh. Trên gò là
ngôi miếu nhỏ quanh năm hương khói nghi ngút bởi những người trong làng đến thắp
hương cầu khấn.
Sự linh thiêng của ngôi miếu này, già trẻ trong làng ai cũng tỏ tường. Cạnh
miếu là 4 cây duối có tuổi đời “trên trăm năm” như lời người già trong làng xác
nhận, trong đó có một cây bị “chết đứng” từ khoảng hai năm nay càng làm cho câu
chuyện về Gò Ếch thêm phần ly kỳ, huyền bí.
Phần chân tường của ngôi miếu được cho là địa điểm đã chôn vàng. |
Cụ Trần Thị Hai năm nay bước sang tuổi 90 nhưng vẫn còn minh mẫn lắm. Cụ là
người gốc ở làng, nhà lại nằm gần gò. Hỏi cụ về tích của cái tên “Gò Ếch”, cụ
không rõ. Chỉ biết rằng, “hồi tôi còn bé, 4 cây duối đã mọc to gần như thế rồi.
Xung quanh rất rậm rạp. Trên đỉnh gò, ngôi miếu gianh với bốn góc là bốn cột gỗ.
Dù chỉ là miếu tạm nhưng dân làng vẫn thường xuyên lo hương khói, vì miếu linh
thiêng lắm”, cụ kể.
Để minh chứng cho điều mình nói, cụ Hai nhắc lại câu chuyện xưa. “Có dạo,
lũ trẻ con vẫn thường chăn trâu quanh gò. Có đứa mải chơi, cột trâu vào gốc cây
ngay cạnh gò, về nhà bị đau mắt, không nhìn thấy gì nữa. Lại có người ra chặt
củi ở gò về đun bếp nhưng chẳng hiểu sao không thể nào mở mắt ra được. Sau, có
ông thầy bói đi ngang qua, bảo là làm như thế đã phạm đến thánh thần, bị thánh
thần “quở”. Người nhà vội vã làm lễ lên miếu xin. Kỳ lạ thay, làm lễ xong
thì người kia cũng khỏi đau mắt”.
Câu chuyện cứ thế lan truyền và từ đó chẳng ai dám “phạm” đến miếu nữa.
Chôn sống trinh nữ cùng vàng để giữ của?
Ngôi miếu gianh trên Gò Ếch thờ vị thần nào, không ai biết. “Chỉ đến khi có
ông thầy bói phán rằng đó là nơi thờ nữ thần thì dân làng mới hay”, ông Nguyễn
Xuân Căn, 81 tuổi kể lại.
Cũng theo ông Căn, đó chính là căn nguyên cho câu chuyện “Gò Ếch giữ vàng”
sau này được người ta thêu dệt. Bởi “người ra vẫn truyền tai nhau rằng, khi
người Tàu đô hộ nước ta, họ vơ vét của cải của dân mình nhưng không kịp vận
chuyển về nước nên đã chôn xuống đất, chôn luôn cả cô gái đồng trinh rồi yểm
bùa, làm thần giữ của.
Gắn câu chuyện truyền miệng đó với lời thầy bói phán, đặc biệt là với sự xuất
hiện rồi biến mất đột ngột của mấy người Trung Quốc ở làng đã khiến cho người ta
thực sự tin Gò Ếch giấu vàng”, ông Căn bảo.
Đến bây giờ, ông Nghiêm Quốc Đạt, 70 tuổi vẫn còn nhớ như in những ấn tượng
về hai anh em người Trung Quốc đã từng đến sống ở làng. Ông kể: “Cách đây chừng
hơn 30 năm, ông Sảo Con trong làng có người em gái từng lấy chồng bên Trung Quốc
trở về, dẫn theo hai chàng thanh niên và giới thiệu là con trai. Ba mẹ con họ tá
túc ở nhà ông Sảo Con.
Ngày ấy, xóm Đình đang có nghề làm ghế song mây. Có những khúc gỗ mà ba người
mới vác nổi thì chỉ cần một trong hai anh em họ cũng tự tay vác bổng lên. Lại có
đợt nhà ông Sảo Con chở phân ra đồng bón lúa. Ruộng nằm bên kia bờ mương, phải
đi đường vòng mới sang được nhưng hai anh em họ tự đẩy xe phân đầy qua mương
trong sự kinh ngạc của nhiều người”.
Dân làng rất mến nết làm của hai anh em họ. Nhưng rồi “đùng một cái, vào một
buổi sáng thì dân làng không còn thấy ba mẹ con họ đâu. Cũng sáng đó, Gò Ếch bị
đào bới nham nhở. Người ta đồn ầm lên rằng ba mẹ con nhà ấy quay trở lại làng,
mang theo gia phả và biết được vị trí giấu vàng ở Gò Ếch. Họ đã đào được vàng.
Từ bấy đến nay cũng không thấy họ quay lại làng nữa”, ông Đạt cho hay.
13kg vàng và nỗi oan của chính trị viên xã đội
Thực hư câu chuyện Gò Ếch giữ của đến đâu, không ai tỏ tường. Thế nhưng, cũng
đã có những câu chuyện dở khóc dở cười về chuyện đào được vàng dưới chân miếu.
Từ trăm năm nay, người dân thôn Đình vẫn nghĩ Gò Ếch giấu vàng. |
Ông Nguyễn Xuân Căn từng là Chính trị viên xã đội, Phó Chủ nhiệm tài vụ Hợp tác
xã Sơn Đồng, Đội trưởng Đội sản xuất thời còn hợp tác xã. Kinh qua nhiều cương
vị công tác ấy – ở quê ông, thế cũng đáng tự hào, đủ để lại cho con cháu một lai
lịch đẹp. Thế nhưng, một ngày nọ, tai bay vạ gió đến với ông, tưởng như bao cố
gắng của ông suýt chút nữa thì đổ xuống sông, xuống biển.
Giọng ông vẫn chưa hết chua xót khi nhắc lại chuyện cũ. Ấy là hồi năm 1980, bốn
cột gỗ ở chân miếu bị mục. Ông Căn cùng những vị cao niên trong làng đứng ra vận
động bà con dân làng quyên góp gạch đá, xi măng để xây lại miếu cho vững chãi.
“Lúc ngồi giải lao, mấy người làm cùng mới bảo nhau: “Sao ở xóm mình không đào
được cục vàng nhỉ”. Tôi bảo “cục vàng thì to quá, chỉ cần một thỏi vàng bằng bao
diêm cũng đã giàu to rồi”. Lúc ấy, có cháu bé đi học ngang qua, chẳng hiểu nghe
tin thế nào mà về nhà nó kể lại cho bố mẹ nghe, rồi người ta đồn ầm lên rằng khi
đào móng làm miếu, chúng tôi đào được 13kg vàng chia nhau”.
Thông tin đó thực sự gây chấn động cả xã Sơn Đồng. Ông Căn cùng hai người khác
tham gia xây miếu được triệu tập lên xã, lên huyện để làm rõ việc đào được vàng
này. Thế nhưng “sau hai ngày xét hỏi, không phát hiện được gì nên chúng tôi được
thả về. Mà thực ra thì có gì đâu mà xét chứ”, ông Căn nhớ lại.
Thực hư câu chuyện đào được vàng trên Gò Ếch ấy thế nào vẫn chỉ là lời đồn thổi.
Người liên quan thì một mực phủ nhận và kêu oan. Còn những người trong làng vẫn
bán tín bán nghi về sự “bỗng dưng giàu có” của một số hộ gia đình quanh Gò Ếch.
Có điều, như ông Nghiêm Quốc Đạt thừa nhận: “Sau này cũng có mấy người lạ mang
máy dò kim loại đến tìm vàng quanh làng, đến cả khu Gò Ếch. Thế nhưng, chẳng
nghe người ta đào được vàng mà chỉ nghe kể họ đào được những cái chuông voi bằng
đồng từ thời xưa”.
Gò Ếch có 4 cây duối nhưng một cây đã bị “chết đứng” khiến dân làng lo sợ đã
có ai đó vi phạm đến miếu.
“Tôi là người ở làng này và cũng có nghe chuyện đào được vàng ở Gò Ếch. Đúng
là cũng có mấy người từng bị bắt giải lên huyện vì tin đồn họ đào được vàng. Tuy
nhiên, đó chỉ là lời đồn thổi và chưa có ai kiểm chứng được. Bởi nếu thực sự họ
đào được vàng thì đâu có được thả về như thế? Chuyện này có thể người ta đồn đại
để tăng thêm sự ly kỳ cho Gò Ếch mà thôi” – Bà Bỉnh Thị Sơn (Trưởng xóm Đình, xã
Sơn Đồng).
(Theo Kienthuc.net.vn)
(vietnamnet.vn)