Tinh Hoa

Bí ẩn mật thư không thể giải mã trên xương chim bồ câu

Một bộ xương chim bồ câu mới được phát hiện gần đây sau 70 năm nằm trong ống khói ngôi nhà ở Surrey, Anh với bức mật thư thách thức các chuyên gia.
Trước khi quân đội có các thiết bị liên lạc hiện đại như điện thoại, bộ đàm hay vệ tinh họ dùng chim bồ câu để chuyển các thông tin giữa chiến trường với chỉ huy.

Trong thế chiến II, những chú bồ câu được huấn luyện đặc biệt để đưa mật thư, tuy nhiên không phải chú chim nào cũng tìm đến đúng địa chỉ.

Gần đây, một chú bồ câu đã chết khoảng 70 năm trong ống khói ngôi nhà ở Surrey, Anh đã được phát hiện. Trên xương chân của nhân viên thư tín đặc biệt này có mang theo một đoạn thông tin được mã hóa rất phức tạp, thách thức các chuyên gia giải mã hàng đầu thế giới hiện nay.

Đây là đoạn mã có 27 nhóm kí tự, mỗi nhóm gồm 5 chữ cái và đến nay các chuyên gia đến từ Trung tâm truyền thông Chính phủ Anh vẫn bó tay trước bức mật thư này. Thông tin được xác nhận chuyển từ Trung sĩ W. Scott đến một địa chỉ có tên Xo2.

Bộ xương chân của chú bồ câu với chiếc ống màu đỏ chứa mật thư từ Thế chiến II 

Phát ngôn viên của Trung tâm cho biết: “Mặc dù có xấu hổ vì đã không ai trong chúng tôi có thể giải được đoạn mã này nhưng đó cũng là niềm tự hào về những binh sĩ Anh xưa kia, những người phải sống dưới bom đạn nhưng đã tạo ra những đoạn mã mà không ai giải được ngoài những người chủ chính xác của nó”.

Bộ xương của chú chim bồ câu đã được chủ nhà phát hiện hồi đầu tháng khi ông có ý định sửa nhà. Trả lời phỏng vấn, ông David Martin nói những mảnh xương của chú chim bồ câu đã rơi xuống từ ống khói.

Sau đó, chủ ngôi nhà đã phát hiện ra một chiếc ống màu đỏ, bên trong có một đoạn mã mà ông đoán là một mật thư. Dường như, thông tin mật này sẽ mãi được giữ bí mật khi các chuyên gia giải mã đều đã đầu hàng.

Trong các cuộc chiến trước đây, chim bồ câu đóng một vai trò quan trọng trong quân đội do khả năng tìm đường đáng kinh ngạc của chúng.

Theo thống kê của Anh, quân đội nước này đã sử dụng khoảng 250 nghìn chú chim bồ câu để truyền tin trong Thế chiến II.
Tùng Đinh

(vtc.vn)