– Mỗi vị vua có suy nghĩ, quan điểm, hành động khác nhau khi ngồi trên ngai vàng. Và số phận của họ cũng chứa đựng những chuyện lạ kỳ rất khác nhau.
Những điều lý thú về các vị vua Việt Nam (Phần 5)
Mai Hắc Đế một mình đánh hổ
Nhắc tới chuyện đánh hổ, mọi người thường nghĩ ngay đến Võ Tòng trong tác phẩm Thuỷ Hử mà không biết rằng ở Việt Nam ta, nơi “hào kiệt đời nào cũng có” thì chuyện đánh hổ không phải là hiếm. Nếu như chuyện đánh hổ của Bố Cái đại vương Phùng Hưng được lưu truyền rộng rãi từ bao đời nay thì chuyện đánh hổ cứu mẹ của Mai Hắc Đế lại ít người được biết.
Mai Thúc Loan và nghĩa quân (ảnh: Internet) |
Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan) là người thứ 2 trong lịch sử nước ta xưng đế sau khi lãnh đạo thắng lợi cuộc khởi nghĩa lật đổ ách đô hộ của nhà Đường. Thuở nhỏ, một lần Mai Thúc Loan cùng mẹ vào rừng kiếm củi, bất ngờ có một con hổ lớn lông vàng chồm ra ngoạm lấy cổ bà mẹ định tha đi. Cậu bé họ Mai nghe tiếng thét của mẹ liền lao đến giang tay chém mạnh một nhát rìu vào đầu hổ, con hổ dữ bị chém đòn thí mạng phải buông mồi nhưng liền nhảy tới tát mạnh vào kẻ tấn công. Mai Thúc Loan tránh được rồi dồn sức dùng rìu chém tiếp khiến con hổ bạt vía cụp đuôi bỏ chạy vào rừng với vết thương lớn trên người. Người mẹ thoát khỏi nanh vuốt của hổ nhưng vì vết thương trên cổ quá nặng nên đã qua đời, Mai Thúc Loan trước đã mồ côi cha nay mất cả mẹ. Ông được một người bạn của cha tên là Đinh Thế cưu mang, nuôi dạy. Đến khi Mai Thúc Loan trưởng thành Đinh Thế đã gả con gái là Đinh Thị Ngọc Tô. Chính người vợ này và gia đình bà đã giúp đỡ Mai Thúc Loan rất nhiều trong việc chuẩn bị lực lượng dấy cờ khởi nghĩa.
Những món quà “độc” của vua Lê Đại Hành
Năm Canh Dần (990), sau thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Đại Cồ Việt, sứ giả nhà Tống là Tống Cảo sang nước ta nối lại quan hệ ngoại giao. Trong chuyến đi này đoàn sứ giả nhà Tống đã được vua Lê Đại Hành tặng những món quà đặc biệt, đáng nhớ suốt đời.
Một lần sau bữa tiệc, vua cho người khiêng một con trăn lớn dài vài trượng đến quán dịch nói với sứ Tống: Nếu sứ thần ăn được thịt trăn thì vua tôi sẽ cho người làm cỗ để mời. Sứ Tống khiếp đảm từ chối. Một lần khác, Lê Đại Hành cho người dắt tới hai con hổ dữ tặng cho sứ thần thưởng ngoạn làm phái bộ nhà Tống lại một phen sợ toát mồ hôi.
Lý Thái Tông đề xướng “Người Việt dùng hàng Việt”
Vị vua thứ 2 của nhà Lý là Lý Thái Tông. Trong 26 năm ở ngôi báu ông đã có những đóng góp tích cực tới hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng quốc gia, củng cố bộ máy nhà nước và để lại nhiều dấu ấn thú vị, đáng nhớ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá ông “là người nhân triết thông tuệ, có đại lược văn võ, trong lục nghệ không nghề gì không tinh tường. Vì có tài đức ấy nên có thể làm mọi việc”. Tổng kết về sự nghiệp và đức độ của Lý Thái Tông, sách Việt giám thông khảo tổng luận khen ngợi là người “trí dũng gồm hai, đánh đâu được đấy; có đức hiếu hữu, học tập lễ văn, đánh giặc giã, dẹp man nhung, cày tịch điền, khuyên việc ruộng, dân oan có chuông, việc hình có luật; là một bậc vua giỏi giữ nền nếp vậy”.
Là người có tinh thần dân tộc cao, Lý Thái Tông là người đi đầu trong việc bài trừ tư tưởng sùng ngoại. Tháng 2 năm Canh Thìn (1040) “vua dạy cung nữ dệt gấm vóc. Tháng ấy xuống chiếu phát hết gấm vóc trong kho ban cho các quan. Làm vậy để tỏ ý là vua sẽ không dùng gấm vóc của nước Tống nữa” (Đại Việt sử ký toàn thư). Đánh giá về việc này, các sử thần nhà Nguyễn trong bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục phê một câu rất ngắn gọn: Được.
Thảm cảnh của Lý Huệ Tông
Ngay từ khi còn là hoàng thái tử, Lý Huệ Tông đã phải bao phen chạy loạn khốn đốn bởi cảnh chém giết trong triều giữa quan lại và phe phái cát cứ bên ngoài. Làm vua chẳng bao lâu thì ông mắc bệnh điên, “có khi tự xưng là thiên tướng giáng hạ, tay cầm giáo và mộc, tóc cắm cờ nhỏ, đùa múa từ sáng sớm đến chiều tối không nghỉ…” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Vin cớ đó, họ Trần ép vua nhường ngôi rồi bắt đi tu. Thế là từ một người tôn quý ở ngôi vị cửu trùng “nay thì lê đôi giầy cỏ, chống cái gậy tre, thất thểu là một người nhà chùa, người có lương tâm ai thấy đều rơi lệ” (Việt sử tiêu án). Sợ lòng người trong thiên hạ còn nhớ vua cũ, Trần Thủ Độ đã bức tử Lý Huệ Tông.
Lê Thánh Tông xin lỗi bề tôi
Lê Thánh Tông trong 37 năm làm vua đã đưa nước Đại Việt trở thành một quốc gia hùng cường.
Dù là một minh quân, Lê Thánh Tông cũng không tránh khỏi những sai lầm nhất định.Nếu như Lý Cao Tông dũng cảm nhận lỗi trước muôn dân thì Lê Thánh Tông cũng không vì địa vị cao sang mà quên rằng cần phải thừa nhận những điều mình làm không đúng. Một lần vua xử phạt mấy viên tướng bại trận, quan Ngự sử Trần Xác cho rằng việc thưởng phạt không đúng lệ định, Lê Thánh Tông tức giận mắng ông. Ít lâu sau vua nghĩ lại thấy mình sai bèn nhận lỗi và xin được nghe tiếp những lời thẳng thắn của Trần Xác: “Ta vì vu oan cho ngươi là kẻ biện bác để mê hoặc người, đó là ta lỡ lời. Nay ngươi có mưu kế gì hãy cứ nói với ta, ấy cũng là như cơn mưa ngọt đến khi trời hạn, như con thuyền đến lúc ta cần đi qua sông” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Ai làm chúa rồi lại làm vua?
Khi nhắc đến chính quyền của họ Nguyễn người ta thường nói tới “chín chúa, mười ba vua”. Điều đó không sai nhưng chưa chính xác bởi thực ra họ Nguyễn có tới 10 đời chúa; tháng 9 năm Đinh Dậu (1777), vị chúa thứ 9 là Định Vương Nguyễn Phúc Thuần trong một trận đánh ác liệt với quân Tây Sơn đã bị bắt, sau đó bị giết. Sự nghiệp phục dựng quyền bính của họ Nguyễn đặt hết lên vai Nguyễn Phúc Ánh, đây chính là người duy nhất trong lịch sử Việt Nam làm chúa rồi lại làm vua.
Sau một thời gian tổ chức lại lực lượng, tiến hành tái chiếm nhiều vùng đất và làm chủ cả vùng Gia Định, đến năm Canh Tý (1780) Nguyễn Phúc Ánh chính thức lên ngôi chúa và xưng vương, dùng niên hiệu Cảnh Hưng của vua Lê trong các văn bản giấy tờ, cho đúc ấn “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” để sử dụng. Trải nhiều năm tháng với các trận chiến ác liệt, đến tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802) Nguyễn Phúc Ánh đánh bại nhà Tây Sơn rồi lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Gia Long (1802-1819), lập ra triều Nguyễn.
(Còn tiếp)
Lê Thái Dũng