Các nhà thiên văn học đã phát hiện một hành tinh khổng lồ lớn gấp 13 lần so với sao Mộc – hành tinh lớn nhất trong Hệ mặt trời.
/
|
Mô hình siêu hành tinh Kappa Andromedae b. Ảnh: NASA. |
Sử dụng kính thiên văn Subaru với đường kính 8m của Nhật Bản trên đỉnh núi Mauna Kea ở Hawaii, các nhà thiên văn học thuộc Trung tâm bay vũ trụ Goddard của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện một hành tinh khổng lồ lớn gấp 13 lần sao Mộc.
Hành tinh mới, được đặt tên là Kappa Andromedae b, quay quanh ngôi sao Kappa Andromedae có trọng lượng lớn gấp 2,5 lần so với Mặt trời và nằm cách Trái đất của chúng ta khoảng 170 năm ánh sáng. Vì là một hành tinh lớn gấp nhiều lần sao Mộc, nên Kappa Andromedae b được gọi với một tên khác là ‘siêu sao Mộc’
Các nhà khoa học cho biết xét về mặt kích cỡ, Kappa Andromedae b có thể được xếp loại thuộc nhóm các hành tinh khổng lồ hoặc có thể coi là một ngôi sao lùn màu nâu.
“Theo các mô hình về sự hình thành của hành tinh, Kappa Andromedae b không thể tự sinh ra năng lượng từ lõi. Xét về yếu tố này, nó được coi là một ngôi sao lùn màu nâu thay vì một hành tinh”, tiến sĩ Michael McElwain, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết trên Space.com.
Các nhà khoa học cho rằng hành tinh Kappa Andromedae b là một ví dụ thú vị đểkiểm tra các giả thuyết về sự hình thành của các hành tinh. Dựa trên các kết quả phân tích hình ảnh được chụp bằng kính thiên văn, ‘siêu sao Mộc’ dường như hình thành giống như các hành tinh có khối lượng nhẹ thường xảy ra ở những ngôi sao mới sinh ra.
Giả thuyết mới trên hoàn toàn có cơ sở bởi vì ngôi sao Kappa Andromedae tương đối trẻ, khoảng 30 triệu năm tuổi – trẻ hơn nhiều so với Mặt trời của chúng ta, hiện khoảng 5 tỷ năm tuổi. Ngôi sao Kappa Andromedae có thể quan sát bằng mắt thường từ những khu vực ngoại ô trên Trái đất.
Hà Hương
(vietnamnet.vn)