Mùa thi đang đến gần, làm thế nào để có được sức khỏe nói chung và sức khỏe trí não tốt nhất là quan tâm lớn của các bậc cha mẹ và học sinh – sinh viên. Tuy nhiên việc áp dụng các biện pháp huy động vượt khả năng của não bộ nhằm đạt kết quả cao trong một khoảng thời gian ngắn là vô cùng nguy hiểm và không tưởng! Việc đó chẳng khác nào cho ăn nhồi nhét để bắt con gà mái đẻ vài quả trứng một ngày. Vì thế cần phải hiểu khả năng thông minh của não bộ để có biện pháp phát huy tốt nhất cho mùa thi. Chúng tôi xin gửi đến bạn đọc ý kiến của các chuyên gia, các em học sinh và kinh nghiệm chăm sóc con của các bậc phụ huynh.
Khả năng “thông minh” của não bộ phụ thuộc những gì?
Phụ thuộc số tế bào thần kinh
(TBTK) có khả năng làm việc: Bộ não con người gồm có chất trắng và chất xám với khoảng 14 tỷ tế bào (neuron) thần kinh, trong số đó chỉ có khoảngxấp xỉ trên dưới 1 tỷ tế bào (TB) là ở trạng thái hoạt động và số TB này rất khác nhau ở từng người. Hơn nữa, số TBTK hoạt động ở từng khu vực sẽ quyết định khả năng (năng khiếu) của người đó ở từng lĩnh vực như toán, văn học, hội họa hoặc các đặc điểm tính cách và trạng thái cảm xúc. Đây thực sự là một vấn đề còn nhiều bí ẩn của bộ não mà khoa học còn đang tiến hành nghiên cứu thêm.
Phụ thuộc nguồn dinh dưỡng: bình thường não tiếp nhận chừng 15% cung lượng tim (50ml máu/100g não/phút). Lượng máu này mang tới não 25% tổng lượng ôxy cung cấp cho toàn cơ thể và nguồn dinh dưỡng cần cho não bao gồm đường glucose, các chất đạm, mỡ, vitamin (đặc biệt là các vitamin nhóm B), các yếu tố vi lượng (đồng, kẽm, ma giê…).
Vào mùa thi, áp lực học hành gia tăng gây ảnh hưởng tới tâm lý và sức khỏe tâm thần của nhiều học sinh, sinh viên.
|
Phụ thuộc trạng thái hưng phấn
của cá thể: khi hưng phấn hoặc đam mê, khả năng làm việc của não bộ được huy động tối đa. Thực tế đã cho thấy có những người có khả năng làm việc trí óc lên tới 18 giờ trong ngày với những vấn đề mà họ hăng say nghiên cứu. Ngược lại, nếu không hứng thú, não bộ sẽ ở trạng thái “ì” hoặc “trơ” với nguồn thông tin cần ghi nhớ và xử lý và sẽ nhanh chóng dẫn đến trạng thái mệt mỏi, chán nản.
Phụ thuộc vào thói quen, sự rèn luyện, độ tập trung, phương pháp làm việc: một thói quen làm việc tốt giúp não bộ có sự chuẩn bị tốt trước khi “nhập cuộc”. Máu và các chất dinh dưỡng được tăng cường lên não, các hormon cũng được tiết ra giúp não hoạt động tốt hơn. Sự rèn luyện, độ tập trung cũng như phương pháp làm việc ngăn nắp, khoa học cũng tránh cho não bộ không bị “lan man” xử lý những thông tin không cần thiết, tập trung vào những vấn đề chính.
Phụ thuộc thời gian: não bộ nhất thiết cần một thời gian nhất định để ghi nhận và xử lý thông tin. Điều này trước hết phụ thuộc khả năng (trí thông minh) của mỗi người và sau đó là khối lượng, mức độ khó của thông tin cũng như cách tiếp nhận thông tin.
Phụ thuộc vào các cơ quan khác của toàn cơ thể: “Khó có thể có một cái đầu minh mẫn trên một cơ thể không khỏe mạnh”. Hoạt động của não bộ có liên quan chặt chẽ với các cơ quan trong toàn cơ thể như tim mạch, hô hấp, các tuyến nội tiết… Khi cơ thể khỏe mạnh sẽ tạo sức khỏe thể chất và độ hưng phấn cho não khi làm việc.
Các chất làm giảm khả năng hoạt động của não bộ: rất nhiều chất có thể làm suy giảm khả năng làm việc của não bộ như các thuốc an thần gây ngủ; các loại ma túy gây kích động, hoang tưởng, ảo giác; các loại đồ có cồn. Thuốc lá, cà phê giai đoạn đầu thì gây kích thích tỉnh táo và hưng phấn nhưng sau đó gây căng thẳng, mệt mỏi và giảm độ tập trung.
Phương pháp lựa chọn để đảm bảo cho một bộ não thông minh
Đảm bảo đủ dinh dưỡng cho não thông qua việc ăn uống. Ăn các chất dễ tiêu, nhiều calo, hoa quả tươi, sữa… để cung cấp thêm nguồn vitamin và khoáng chất cho não. Có thể bổ sung calo cho cơ thể qua nhiều bữa ăn phụ như uống thêm sữa, nước hoa quả. Không nên ăn quá no vì khi đó hệ tuần hoàn sẽ tăng tưới máu cho dạ dày, ruột, tụy… để tiêu hóa thức ăn nên làm cơ thể mệt mỏi và buồn ngủ, mất tập trung.
Tạo sự phấn khích, đam mê trong việc học hành. Nếu không có thích thú và ham mê, sẽ dễ mệt mỏi, chán nản thậm chí rơi vào trạng thái trầm cảm, loạn thần nếu bị thúc ép học tập quá sức.
Để học tốt, cần có thời gian biểu học tập hợp lý, khoa học.
|
Có chế độ làm việc khoa học, hợp lý. Tuyệt đối tránh thức quá khuya “ngủ ngày, cày đêm” rất nhanh làmcơ thể suy nhược do trái nhịp sinh học. Một giấc ngủ sâu sẽ là liều thuốc tốt nhất giúp não bộ hồi phục khả năng làm việc.
Không nên sử dụng tràn lan các chế phẩm “tăng cường sức khỏe” như các loại vitamin tổng hợp, các loại khoáng chất, axít folic… vì các chất này thường đã được cung cấp đầy đủ qua thức ăn. Dùng nhiều sẽ tích lũy và gây hại cho cơ thể. Nên nhớ vitamin, khoáng chất, các yếu tố vi lượng tuy cần thiết nhưng chỉ là chất xúc tác chứ không sinh năng lượng cho cơ thể hoạt động.Hạn chế dùng các thuốc tăng cường tuần hoàn não, tăng cường chuyển hóa ở não như tanakan, piracetam, citicoline… vì các thuốc này chỉ được khuyến cáo sử dụng ở người già, máu nuôi não kém, các TBTK bị lão hóa hoặc ở các bệnh nhân có tổn thương não. Hơn nữa, cho đến thời điểm hiện nay, tác dụng của các thuốc trên cũng chưa được chứng minh rõ ràng. Thuốc lá, cà phê có thể gây tỉnh táo nhất thời nhưng nếu lạm dụng sẽ rất dễ bị mệt mỏi, mất tập trung. Không có thuốc tăng cường trí nhớ, chỉ có thuốc điều trị suy giảm trí nhớ. Tuyệt đối không dùng các chất ma túy gây hưng phấn như amphetamin, các đồ uống có cồn vì dễ gây hoang tưởng, ảo giác, suy giảm trí nhớ và gây nghiện.
Theo Báo Sức khoẻ đời sống