Tinh Hoa

Tham vọng hạt nhân của nước đông dân nhất

– Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đông dân nhất thế giới đẩy mạnh phát triển chương trình điện hạt nhân. Mỗi nước theo một chiến lược khác nhau, nhưng tham vọng đều lớn.

Một nhà máy điện hạt nhân của Ấn Độ.

 

Ấn Độ mở rộng cánh cửa nhập khẩu
    
Nước này bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân từ rất sớm và hiện xếp thứ 6 trong số các quốc gia có nhà máy điện hạt nhân, chỉ đứng sau Mỹ, Pháp, Nhật, Nga và Hàn Quốc.

Trong những năm gần đây nền kinh tế Ấn Độ tăng nhanh, trong khi nền công nghiệp điện năng không tăng theo kịp, sự khủng hoảng thiếu về điện đã xuất hiện. Với tốc độ tiêu thụ điện năng ngày một gia tăng như hiện nay, ước tính tổng lượng điện tiêu thụ của Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020. Điều này đòi hỏi phải tăng tốc độ xây dựng các nhà máy điện.

Trong lúc, theo số liệu công bố của Hiệp hội Hạt nhân Toàn cầu, nhiệt điện than đá hiện nay của Ấn Độ đã chiếm khoảng 68% lượng điện quốc gia. Mức ô nhiễm môi trường liên quan đến khí thải CO2 do đốt than đá tại ở Ấn Độ đã đến mức báo động, gây nhức nhối cho dư luận quốc tế. Mặt khác trữ lượng than đá của nước này rất hạn chế, sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện năng ngày càng gia tăng của Ấn Độ trong tương lai.

Vì vậy, với Ấn Độ chỉ có lối thoát bằng cách dựa vào điện hạt nhân. Nước này có kế hoạch đến năm 2020 tăng công suất điện hạt nhân thêm 20.000 MW, tức tăng tỷ lệ thành phần điện hạt nhân trong tổng nhu cầu điện năng quốc gia từ 3% hiện nay lên 9% trong vòng 25 năm tới và đạt khoảng 25% vào năm 2050. Để đạt kế hoạch đó, Ấn Độ có kế hoạch xây mới 30 lò phản ứng rải ra nhiều năm.

Ấn Độ đã tiến hành mời gọi nhiều nước chuyển giao công nghệ, thiết bị và nhiên liệu cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.

Vào tháng 7/2011 Ấn Độ đã ký kết hiệp định thương mại với Hàn Quốc để nhập công nghệ nhà máy điên hạt nhân. Đây là thỏa thuận thứ 9 Ấn Độ ký với các nước, sau khi nước này gia nhập Nhóm các nhà cung cấp năng lượng hạt nhân nhằm đặt chân vào thị trường thương mại điện hạt nhân quốc tế và ký kết hợp tác với 8 nước Mỹ, Pháp, Nga, Canada, Mông Cổ, Kazakhstan, Argentina và Namibia.

Các hợp đồng liên quan nhà máy điện hạt nhân mà Ấn Độ đã ký kết ước tính đến 150 Tỷ USD.

Nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân cũng là vấn đề mà Ấn Độ quan tâm. Canada là nước có uranium chất lượng cao và trữ lượng lớn. Đầu tháng 11/2012 vừa qua, chính phủ Ấn Độ và Úc đã kết thúc quá trình thương thuyết để các nhà xuất khẩu của Canada cung cấp uranium cho Ấn Độ.

Tháng trước nữa, Ấn Độ cũng vừa bắt đầu đàm phán về một thoả thuận hợp tác hạt nhân dân sự với Úc, nước có trữ lượng uranium chiếm 40% của thế giới.

Trung Quốc hướng đến xuất khẩu điện hạt nhân

Trung Quốc khởi đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân sau Ấn Độ, nay họ đã trở thành nước sản xuất điện hạt nhân lớn thứ ba tại châu Á, sau Nhật Bản và Hàn Quốc, mặc dù tất cả các lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động hoặc đang được xây dựng ở Trung Quốc đều thuộc thế hệ thứ nhất hoặc thứ hai của Pháp, Canada hoặc Nga.

Nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế đang phát triển nhanh, đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Trung Quốc tuyên bố “sẽ tiếp tục phát triển năng lượng hạt nhân với phương châm an toàn và hiệu quả cao. An toàn sẽ là ưu tiên hàng đầu” (Sách trắng của TQ).

Tỷ trọng điện hạt nhân mới chiếm 1,2% trong tổng điện năng của nước này, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của các nước có điện hạt nhân trên thế giới là 14%. Công suất điện hạt nhân hiện nay của Trung Quốc mới đạt khoảng 12.500 MW với 15 lò phản ứng đang hoạt động. Và 26 lò khác đang xây dựng.

  Trung Quốc cũng đã đẩy mạnh phát triển các nhà máy điện hạt nhân do nguồn than đá cho nhiệt điện ngày càng cạn kiệt dần.

Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch xây dựng 30 nhà máy điện hạt nhân mới trong 10 năm với số vốn khoảng 50 tỷ USD. Như vậy, trong 10 năm tới, cứ trung bình sau 3 năm Trung Quốc lại khánh thành một nhà máy điện hạt nhân mới. Họ khẳng định các lò phản ứng mới xây thuộc thế hệ thứ 3 trở lên và phần lớn các nhà máy điện hạt nhân đều xây dọc bờ biển.

Trong đó có nhà máy đặt tại thành phố Fangchengchang (Phòng Thành Cảng), thuộc khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, giáp với tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam. Giai đoạn đầu của dự án sẽ gồm hai lò phản ứng 1.080MW, lò đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2015 và lò thứ hai năm 2016. Nhà máy khi hoàn thiện sẽ có tổng cộng 6 lò phản ứng, mỗi lò đều có công suất khoảng 1.000MW.

Tham vọng phát triển điện hạt nhân của Trung Quốc rất lớn. Họ vừa tiến hành nhập công nghệ và thiết bị điện hạt nhân của các nước Pháp, Nga, Mỹ v.v… vừa tính đến việc xuất khẩu ra nước ngoài.

Gần đây, các quan chức cấp cao của Bộ Công nghiệp Hạt nhân Trung Quốc đã tiến hành thảo luận với các bộ trưởng và quan chức thuộc Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu của Anh Quốc về kế hoạch xây dựng 5 nhà máy hạt nhân với tổng vốn đầu tư là 35 tỷ USD trên xứ sở “sương mù”.

Mặt khác Trung Quốc còn đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ lò phản ứng hiện đại. Ngày 31/10/2012 vừa qua, Viện Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc thông báo, các chuyên gia Trung Quốc đã tiến hành các cuộc thử nghiệm đối với lò phản ứng nơtron nhanh.  Lò phản ứng này là một mô hình quan trọng của nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ tư và được coi là bước đột phá quan trọng trong chiến lược phát triển điện hạt nhân của Trung Quốc.

Trần Minh

(vietnamnet.vn)