Tinh Hoa

Bộ trưởng GD-ĐT: Sẽ thanh tra việc dạy thêm

– Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng GD-ĐT đã gửi Quốc hội kết quả thực hiện lời hứa
sau các phiên chất vấn ở kỳ thứ 2, 3 về chuyện dạy thêm, lạm thu…

TIN LIÊN QUAN:

Ngăn chặn dạy thêm không lành mạnh

Tại kỳ họp thứ hai, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nhận được nhiều câu hỏi về việc
quản lý chặt chẽ dạy thêm, học thêm, không để gây quá tải và áp lực cho học sinh
phổ thông.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Ảnh:
Minh Thăng

Báo cáo QH tại kỳ họp này, ông Luận cho biết, đã ban hành thông tư quy định về
dạy thêm, học thêm trong đó có những quy định mới và cụ thể nhằm tạo hành lang
pháp lý cho việc dạy thêm học thêm chính đáng. Ngăn chặn tình trạng dạy thêm học
thêm tràn lan, không lành mạnh, gây quá tải và áp lực cho học sinh và phụ huynh.

Như báo cáo của các địa phương và kiểm tra đầu năm học mới 2012-2013 cho thấy:
Tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, hiện tượng này
vẫn còn tồn tại, có nơi khá phổ biến.

Nguyên nhân là do nhu cầu của xã hội coi trọng bằng cấp và lo lắng của cha mẹ
học sinh đã gây áp lực lên việc học hành của con cái.

Thứ hai, do một số giáo viên còn có tư tưởng vụ lợi trong việc dạy thêm, học
thêm. Thứ ba, do việc quản lý dạy thêm, học thêm ở một số địa phương còn lỏng
lẻo.

Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về về dạy
thêm, học thêm chưa thường xuyên, hiệu quả; các vi phạm về dạy thêm, học thêm
tràn lan chưa được xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Bộ trưởng GD-ĐT khẳng định, sẽ tổ chức một số đoàn thanh tra, kiểm tra tình hình
dạy thêm học thêm ở một số địa phương và tiếp tục chỉ đạo UBND các tỉnh, thành
phố có nổi cộm vấn đề dạy thêm, học thêm tăng cường quản lý nhà nước, có biện
pháp quyết liệt. Sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Chấm dứt lạm thu

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng thông tin vắn tắt việc thực hiện lời hứa giải quyết
tình trạng thu nộp, quản lý và sử dụng các nguồn thu ngoài quy định tại các
trường phổ thông ở nhiều địa phương.

Theo đó, Bộ đã ban hành thông tư quy định về điều lệ bđại diện cha mẹ học sinh
và về tài trợ cho các cơ sở giáo dục.

Các tỉnh thành cũng đã đưa ra yêu cầu chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình
thức của các cơ sở giáo dục trên địa bàn và sau đó cử các đoàn giám sát đi xuống
địa phương. Thanh Hóa, Hà Nội, Phú Thọ, Đà Nẵng… thực hiện tương đối tốt.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng cũng thừa nhận là tại một số địa phương có rất nhiều khoản
thu mang tính chất thu hộ như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, quỹ đoàn, quỹ
đội, khuyến học, chữ thập đỏ.

Một số các khoản có tính chất thỏa thuận như: học 2 buổi/ngày, nước uống, ăn
trưa, chăm sóc bán trú, đồ dùng cá nhân (với học sinh bán trú), học phẩm, đồng
phục học sinh, thuê sân bãi tập thể dục…

Một số ít địa phương có các khoản thu để tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp.

“Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định trên để
khắc phục tình trạng lạm thu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã xuất hiện trong danh sách dự kiến chất vấn tuần
tới, song qua lấy phiếu thăm dò, lĩnh vực giáo dục đã phải “nhường” cho các vấn
đề kinh tế, tài chính nóng bỏng.

Dừng tuyển sinh 4 trường ĐH

Cũng tại kỳ họp thứ 2, Bộ trưởng GD đã nhận được nhiều câu hỏi về chất lượng các
trường ĐH.

Thông tin kết quả giải quyết, ông Luận cho hay, đã tổ chức các đoàn kiểm tra.
Trên cơ sở đó, Bộ đã xử lý: Dừng tuyển sinh năm 2012 đối với 4 trường ĐH. Đình
chỉ tuyển sinh năm nay đối với 17 ngành của 9 trường. Giảm 20% chỉ tiêu tuyển
sinh của 1 trường.

Có văn bản cảnh báo 9 trường do chưa có đất, chưa xây dựng cơ sở vật chất; yêu
cầu các trường khẩn trương xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung đội ngũ giảng viên
cơ hữu.

Lê Nhung

(vietnamnet.vn)