Cơ thể người có khả năng dự báo một sự kiện lớn sắp xảy ra, ít nhất theo một nghiên cứu mới.
Nếu kết luận của nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Frontiers of Perception là đúng, nó dường như đã hé lộ một điều mang tính căn bản của quy luật tự nhiên chưa từng được khám phá trước đó.
“Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện, cơ thể chúng ta có thể tiên đoán các sự kiện mà không cần có dấu hiệu hàm chỉ. Bằng chứng thu được cho thấy hiệu ứng có thực dù rất nhỏ. Câu hỏi đặt ra là: Quá trình này diễn ra như thế nào”, Julia Mossbridge, một chuyên gia thần kinh học thuộc Đại học Northwestern (Mỹ) và là đồng tác giả nghiên cứu, tuyên bố trên trang Live Science.
Theo nhiều nghiên cứu trước đây, các phản ứng về thể chất, kể cả nhịp tim, sự giãn nở của con ngươi và hoạt động não thay đổi trong khoảng 1 – 10 giây trước khi con người nhìn thấy một hình ảnh đáng sợ (chẳng hạn như một con rắn đang trườn bò). Trong hầu hết các thí nghiệm kiểu này, những bức ảnh kinh dị được xếp ngẫu nhiên cạnh những bức ảnh trung tính để theo lý thuyết, người tham gia không có bất kỳ dấu hiệu hàm chỉ nào về bức ảnh sẽ xuất hiện tiếp theo. Tuy nhiên, vì khám phá có vẻ thiếu tự nhiên nên những nghiên cứu đó đối mặt với rất nhiều hoài nghi.
Để xem liệu hiệu ứng đó có thật hay không, bà Mossbridge và các cộng sự đã tiến hành phân tích hơn 20 nghiên cứu như trên. Trong đó, họ loại bỏ bất kỳ thí nghiệm nào được cho là có thiếu sót hoặc thiên lệch. Rốt cuộc, nhóm của Mossbridge vẫn phát hiện hiệu ứng “điềm báo”, ghi nhận mức độ kích thích thể chất thay đổi vài giây trước một biến cố.
Chẳng hạn như, nếu bạn là nhà đầu tư đặt cược rất nhiều tiền vào một mã cổ phiếu thì “10 giây trước khi mọi sự được định đoạt, bạn có thể dự đoán được tình trạng cổ phiếu của mình”, bà Mossbridge nói.
Nghiên cứu của nhóm Mossbridge không kết luận con người có sức mạnh siêu tự nhiên hay sức mạnh tâm linh huyền bí. Thay vì đó, các tác giả tin rằng, “điềm báo” là một hiệu ứng thể chất có thực, tuân thủ các quy luật tự nhiên.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học vẫn tỏ ra hoài nghi nghiên cứu của bà Mossbridge và các cộng sự. Họ viện dẫn lý do rằng, công trình này chỉ mang tính khảo cứu, dựa vào kết quả của các nghiên cứu có sẵn, trong khi chẳng có gì đảm bảo tất cả trong số này không có sai sót và thiên lệch.
Tuấn Anh
(vietnamnet.vn)