Tinh Hoa

Thương lái Trung Quốc ào ào mua lá chu ka

empty
Hỏi chính quyền các cấp về thực trạng này thì nơi biết, nơi không, thậm chí không tin có chuyện đó, bởi cây chu ka (có nơi gọi là cu ca) – một loại cây hoang dại bao đời nay- là cây “vô tích sự”. Còn người dân  thì chỉ quan tâm tới túi tiền.
 

Thương lái Trung Quốc ào ào thu mua lá chu ka, thúc đẩy việc khai thác và gom loại lá này ở Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Hùng.

Mỗi ngày hàng chục tấn

Không quá khó để bắt gặp hình ảnh người dân phơi lá chu ka trên đường liên thôn, bản, trong sân nhà trong những ngày này ở nhiều huyện miền đông của tỉnh Quảng Ninh. Bỏ một đồng, lãi hai – ba đồng, trong khi nguồn nguyên liệu dồi dào, khiến người lên rừng hái chu ka, kẻ bỗng dưng trở thành lái buôn – ăn phần trăm hoa hồng của các tư thương bên kia biên giới.

Tranh thủ nắng mới phơi lại mấy tạ lá chu ka mới “nhập” từ những hộ dân trên rừng, chị Lý Thị Mai – dân tộc Dao, thôn Đông Hồng, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên – cho biết, chị mới làm nghề này được hơn 1 tuần, nhưng cũng chỉ làm đại lý cho bà chị họ chuyên buôn bán sang Trung Quốc. Mỗi ngày chị thu mua được từ 1 – 2 tạ lá chu ka tươi, với giá từ 3.000 đồng/kg. Theo chị Mai, cứ 3kg lá tươi thì được 1kg lá khô, xuất với giá 15.000 đồng/kg. Ăn chênh lệch khá, công việc nhẹ nhàng, vốn đầu tư ít nên số người làm đại lý như chị Mai không phải là ít. Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Đông Ngũ, mỗi ngày các đại lý thu mua được vài tấn lá chu ka.

Từ khi lá chu ka có giá, ở vùng biên giới Quảng Ninh hình thành hai “vành đai”: Dân ở vòng ngoài, xa rừng thì làm đại lý; người sống trong vùng rừng thì đi hái lá chu ka.
Ở các xã Đại Dực, Phong Dụ, người dân đi hái lá chu ka như…trẩy hội.

Anh Nịnh Văn Hiến- ở xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ- cho biết, các cụ nhà anh “vừa chơi, vừa hái lá chu ka mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 100.000 đồng”. Vì lẽ đó, gần đây người dân đua nhau vào rừng đốn cây để lấy lá chu ka, bởi theo anh Hiến “đây là loại cây hoang dại, trước đây cùng lắm thì làm củi đốt. Nay bán được thì tội gì”.

Cũng theo anh Hiến, nghe người dân ở Bình Liêu – huyện giáp biên với Trung Quốc – rầm rộ mua bán lá chu ka, nên dân ở đây cũng làm theo, sau khi có người đứng ra bao tiêu. Thực sự, lá chu ka cho đến thời điểm hiện tại cũng đã đem lại một nguồn thu nhập thêm kha khá cho nhiều hộ gia đình nông dân.

Thu mua để làm gì?

Tuy nhiên, hỏi ngay người dân bản xứ lá chu ka có công dụng gì thì đều nhận được cái lắc đầu, dù cây chu ka quen thuộc từ bao đời nay với người dân dọc vùng núi cánh cung Đông Triều cho tới tận vùng biên giới Bình Liêu. Theo người dân ở đây, loài cây này chỉ có ý nghĩa với trẻ con: Quả xanh ăn nhôn nhốt, còn quả già thì dùng làm “đạn” bắn súng phóp.

Ông Hoàng Minh- một thầy lang thôn Hà Giàn, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên- lắc đầu quầy quậy: “Tôi cũng không rõ họ mua lá ka chu làm gì? Nó có công dụng gì không? Trong các đơn thuốc gia truyền của gia đình tôi không bao giờ có thành phần lá ka chu”.

Trước cơn sốt bất thường việc thương lái Trung Quốc thu mua lá chu ka, một vị lãnh đạo xã ở huyện Ba Chẽ mới giật mình, vội liên hệ tham khảo các thầy lang quen biết, nhưng lần nào cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Đem hình ảnh lá và quả chu ka về gặp Giám đốc Bệnh viện Y- Dược cổ truyền Quảng Ninh – ông Vi Văn Thái – để tham vấn, thì nhận được câu trả lời: “Không có trong danh sách các loài cây thảo dược chữa bệnh”.

Dẫu việc thu mua lá chu ka đã lan rộng ra nhiều huyện miền núi, biên giới của tỉnh Quảng Ninh, nhưng nhiều cán bộ huyện, xã không hay biết. Trả lời về hiện tượng này, ông Hoàng Văn Việt – Chủ tịch UBND xã Đông Ngũ – thừa nhận: Lần đầu tiên mới biết thông tin như vậy và sẽ cử cán bộ đi xác minh. Bởi, trong suy nghĩ của ông, “cây chu ka chả có tích sự gì thì người ta mua làm gì”. Liên hệ với lãnh đạo một loạt xã khác của các huyện, cũng đều nhận được câu trả lời như vậy.

Cây chu ka (từ Đông Triều tới Hạ Long gọi là cu ca) cao lắm khoảng trên 2m, tán lá dày và rộng, quanh năm xanh. Theo người dân, loại cây này thường mọc nhiều ở những vùng đồi núi. Cây thân mộc nhưng thân cành lại nhỏ, làm củi đun cũng chẳng bõ bèn. Bởi vậy, khi bao nhiêu những vạt rừng bị đốn hạ, cây chu ca vẫn còn, và nó trở thành thảm thực bì có khả năng che chắn, chống xói mòn tầng mùn cho đất và chống sạt lở, lũ quét tốt nhất…

Từ trước tới nay, ở các huyện miền núi, biên giới tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra nhiều chuyện buôn bán “lạ”, như: Thu mua móng chân trâu, chè rừng, vàng anh…, nhưng, việc thu mua lá chu ka đang diễn ra có lẽ là chuyện “lạ” nhất.
 
Theo Nguyễn Hùng
Lao Động

(dantri.com.vn)