Tinh Hoa

Vì sao con người chủ yếu dùng sữa bò?

Với hơn 5.000 động vật có vú trên thế giới, kể cả cá heo và rái mỏ vịt, nhưng dường như người dân trên thế giới chủ yếu chỉ uống sữa bò. Tại sao lại như vậy?


Hãng thông tấn Reuters đưa tin, chuỗi quán cà phê Cafe2Go ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất đã bắt đầu tạo ra các sản phẩm nước uống pha sữa (latte) và cà phê cappuccino sử dụng sữa của lạc đà.

Tuy nhiên, bất kỳ doanh nghiệp nào muốn nhập khẩu các sản phẩm latte và cappuccino mới lạ này vào Mỹ sẽ phải thỏa mãn các quy định khắt khe của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), cũng như vượt qua sự thờ ơ thấy rõ của người dân nước này đối với sữa không có nguồn gốc từ bò.

Lý giải về việc người dân Mỹ nói riêng và đa phần người tiêu dùng trên thế giới nói chung chủ yếu chỉ “chuộng” sữa bò, Michael Van Amburgh – giáo sư ngành khoa học động vật thuộc Đại Cornell và là chuyên gia trong lĩnh vực quản lý sản phẩm bơ sữa – cho rằng: “Tất cả đều do sự phân phối tài nguyên, tính hiệu quả cũng như lợi nhuận của hoạt động kinh doanh”.

Theo ông Van Amburgh, các nguyên lý kinh tế và tính kế thừa văn hóa là 2 động lực chính dẫn tới thế độc quyền quốc gia của sữa bò trong lĩnh vực sản xuất bơ sữa.

Cừu và dê, 2 động vật cũng cho sữa tương đối hiệu quả, đã có mặt trong ngành chăn nuôi của Mỹ lâu tương đương bò và hiện đóng vai trò thứ yếu trong việc cung cấp thực phẩm cho người dân nước này. Tuy nhiên, khi xét về năng suất cho sữa, ông Van Amburgh nói cả cừu và dê đều không thể cạnh tranh với bò.

Ông Van Amburgh nhận định, điều này một phần là do, tính khí dễ bảo của loài bò giúp con người dễ dàng điều khiển và nuôi nhốt chúng – ưu điểm vô cùng giá trị đối với hoạt động sản xuất quy mô lớn. Ngược lại, cừu và dê “hay chạy rong” và có xu hướng trở nên hữu dụng nhất nếu những người chăn thả để chúng thơ thẩn gặm cỏ ở những vạt đồi, sườn núi cheo leo.

Ngay cả khi việc nuôi nhốt dê để lấy sữa trở nên phổ biến, ông Van Amburgh cho rằng sản lượng sữa mỗi con dê tiết ra hàng ngày – khoảng ½ galông (tương đương gần 1,9 lít) – vẫn khiến chúng kém xa loài bò về khía cạnh kinh tế. Mỗi con bò bình thường có thể cho tới 10 galông (hơn 37,8 lít) sữa mỗi ngày.

Mùi vị và độ sánh, vốn phụ thuộc một phần vào hàm lượng chất béo và protein, cũng góp phần mang lại sự thống trị của sữa bò ở Mỹ và hầu hết các thị trường khác. Ở nhiều nơi trên thế giới, người ta đang nuôi trâu để lấy sữa, chẳng hạn như tại Italia, sữa trâu được dùng để làm pho mát mozzarella. Tuy nhiên, có thể đông đảo người tiêu dùng sẽ không lựa chọn sữa trâu để uống thay thế cho một cốc sữa bò hoặc dùng để trộn với ngũ cốc. “Nói một cách thẳng thắn, sữa trâu hơi ngọt như xirô”, ông Van Amburgh nhận xét.

Trong khi đó, sữa lạc đà lại có vị giống như “sữa bò tươi, ít béo”, theo công ty Bơ sữa lạc đà Oasis – một nhà chuyên doanh sữa lạc bò hiếm hoi ở California, Mỹ. Người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chờ đợi để kiểm nghiệm quảng cáo của Oasis do công ty này vẫn đang làm việc với Bộ Nông nghiệp Mỹ để cho ra các tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm bơ sữa lạc đà ở California. Khi đó, các sản phẩm từ sữa lạc đà mới có thể bán hợp pháp ở đây.

Tuấn Anh

(vietnamnet.vn)