Được giải cứu khỏi nhà thổ nhưng những nô lệ tình dục tại Ấn Độ vẫn không thể thoát khỏi những ám ánh về quãng đời cay nghiệt cũng như tìm được một lối đi mới cho tương lai của mình.
Davinder Kumar là một nhà báo và một học giả Nhân quyền Chevening. Ông làm việc cho tổ chức quyền trẻ em Plan International. Vào ngày 11 tháng 10, Ngày Quốc tế của các bé gái, Plan International đã phát động chiến dịch toàn cầu “Because I am a Girl,” nhằm nâng cao giáo dục nhận thức cho các em. Tên của các nhân vật đã được thay đổi.
Khi màn đêm buông xuống, các bé gái bắt đầu cảm thấy bồn chồn. Túm tụm lại một nhóm, một vài em rất yên lặng trong khi những người khác trở nên kích động. Hội trường lớn tại nhà chuyển tiếp bao trùm một không khí sợ hãi và lo lắng.
Một trong những bé gái phá vỡ sự im lặng khi kể lại trải nghiệm của bản thân tại nhà thổ Hyderaba, nơi cô bé được cứu ra khỏi cách đây vài ngày: Trong hai tuần, cô bị cho dùng thuốc an thần và phục vụ khách trong tình trạng hôn mê trước khi được ăn một bữa.
Khi những chi tiết khủng khiếp trên được phơi bày, căn phòng rơi vào tình trạng hỗn độn. Quá xúc động, Jyothi, 14 tuổi, thở khò khè và nặng nhọc lấy hơi vì cô bé đã khóc nức nở ; Kavya,16 tuổi cũng không kìm nổi sự xúc động; Vijayalaxmi đập đầu vào tường trong khi những bé gái khác lắc lư đầu. Tất cả đang khóc. Một người đã làm mọi người kích động. Một số người tự lẩm bẩm với chính mình trong khi những người khác cố chen lấn để nghe.
Cảnh tượng tại nhà chuyển tiếp dành cho các bé gái ở quận Prakasam của Andhra Pradesh, Ấn Độ trông rất thương tâm. Những cô bé chỉ mới 13 tuổi được đưa tới đây để tị nạn tạm thời sau khi họ được giải cứu khỏi những kẻ buôn người và các nhà thổ tại các thành phố lớn như Hyderabad và Mumbai. Mỗi người đều chịu đựng sự lạm dụng, tra tấn, tình trạng nô lệ và bị đối xử tàn bạo ở mức độ khác nhau.
Cứ vài ngày, ngôi nhà vốn đã chật chội này lại đón thêm người mới khi chính phủ thực hiện các đợt truy quét nhằm đẩy lùi nạn mua bán tình dục trẻ em với quy mô lớn.
Gần nửa các vụ mua bán tình dục ở Ấn Độ tập trung tại Andhra Pradesh, đa số liên quan tới trẻ vị thành niên. Theo ước tính của cảnh sát, 300.000 phụ nữ và bé gái tới từ Andhra Pradesh đã bị bán làm công nhân tình dục; cho tới nay đã có tới 3.000 người được giải cứu.
Andhra Pradesh là một bang khá thịnh vượng, xếp thứ tư về GDP bình quân đầu người tại Ấn Độ nhưng cũng là quê hương của những người nghèo nhất đất nước.
Tổ chức mua bán tình dục tại đây bài bản tới nỗi những kẻ buôn người bất hợp pháp thâm nhập vào những ngôi làng hẻo lánh nhất, tiếp cận với những cô gái trẻ dễ bị tổn thương từ các gia đình khó khăn và ép họ trở thành nô lệ tình dục. Những lời hứa hẹn về một cuộc hôn nhân tử tế, công việc và thậm chí là cả thực phẩm là chiêu được sử dụng để lừa các bé gái.
Sunitha đã bị một người hàng xóm lừa bằng việc hứa hẹn sẽ tìm cho cô một công việc tốt hơn ở Hyderabad. Thay vì đó, cô bé bị bán cho một tay ma cô, người bán cô vào một nhà thổ ở thành phố. Sunitha cho biết cô bị ép quan hệ để đối lẩy phiếu ăn. Chỉ sau khi phục vụ 250 khách hàng, cô mới được phép lấy phiếu ăn một bữa.
Các cuộc tấn công tình dục đối với các bé gái vô cùng khủng khiếp. Không có gì ngạc nhiên khi những cô bé được giải cứu được đưa nhà chuyển tiếp đều trong tình trạng chấn thương nặng về thể xác và tinh thần.
“Có em vài ngày, có em thậm chí cả một tháng không nói nửa lời,”Ramamohan tới từ tổ chức phi chính phủ điều hành nhà chuyển tiếp cho hay. “Chúng tôi từng chứng kiến có em được cứu khỏi nhà thổ đã tự xe quần áo của mình vào ban đêm, đòi quan hệ và rượu.”
Đối với một số em, chấn thương quá nặng tới nỗi ảnh hưởng tới sức khỏe của các em và không thể hồi phục. Lakshmi không nói một từ nào kể từ khi cô bé tới đây. Cô ngồi co rúm ở một góc khi thấy người lạ và cư xử như một đứa trẻ lên ba.
Năm 2005, Ủy ban Nhân quyền Ấn Độ ước tính 44.000 tại Ấn Độ mất tích mỗi năm. Trong số đó, 11.000 em biến mất không để lại dấu vết. Một báo cáo năm 1998 cho thấy 40% các em nhỏ trở thành nô lệ tình dục.
Một nghiên cứu do EPCAT của Ấn Độ thực hiện cho thấy hơn 3 trong số 10 em nhỏ bị bán mắc HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các vấn đề phụ khoa.
Sudha mới 16 tuổi nhưng đã có con 3 tuổi và đang được điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục. Cô cho biết cô bị chồng ép trở thành gái mại dâm để trả nợ cho anh ta. “Anh ấy chỉ cho tôi về nhà nếu tôi tiếp tục kiếm tiền co anh ta bằng các bán dâm,” cô nói.
Đa số các bé gái bị bóc lột mại dâm tới từ những khu vực nghèo khó của Ấn Độ. Cấu trúc xã hội, tư tưởng trọng nam kinh nữ đã đẩy những cô bé tới từ các gia đình khó khăn vào nhà thổ.
“Không phải vì nghèo mà chính sự phân biệt đối xử đã khiến các bé gái trở thành những người dễ bị tổn thương nhất để bóc lột và lạm dụng,” Bhavani SV tời từ Plan India cho hay.
Mặc dù đã được các tổ chức từ thiện giúp đỡ để khôi phục sức khỏe và tinh thần, đồng thời cung cấp cho họ những kỹ năng để hòa nhập lại cuộc sống, những nạn nhân được giải cứu khỏi các nhà thổ dường như vẫn mắc kẹt trong những ám ảnh về quãng đời cay nghiệt của mình. Một số em thậm chí chỉ còn một lựa chọn duy nhất là quay lại với các “tú bà” sau khi rời nhà chuyển tiếp. Gần 8 trong số 10 nạn nhân bị đẩy ra đường và ép vào nhà thổ sau khi được hồi phục, cảnh sát Andhra Pradesh cho hay.
Trong khi đó, những kẻ buôn người hầu như không bị trừng phạt và tiếp tục hành nghề. Mặc dù hàng trăm bé gái được giải cứu khỏi các nhà thổ mỗi năm, tỷ lệ kết án thủ phạm theo Đạo luật quốc gia phòng chống buôn người vẫn rất thấp.
Điều này đã đẩy nhiều công nhân tình dục rơi vào tình trạng cô đơn, không có nơi nương tựa và đó cũng chỉ là lý do khiến họ không có cách nào thoát khỏi vòng luẩn quẩn. Một số thậm chí còn không có tên trong ghi chép của chính quyền địa phương đồng nghĩa với việc họ sẽ không nhận được bất cứ sự hỗ trợ phúc lợi nào từ chính phủ như phiếu mua thực phẩm giảm giá.
Hầu hết những nô lệ tình dục được giải cứu khỏi nhà thổ không thể tiếp cận với các chương trình hỗ trợ (dù là rất ít) từ chính phủ và phải trở về làm gái bán dâm để duy trì cuộc sống của mình trong lúc chờ đợi được giúp đỡ.
Sầm Hoa (Theo CNN)
(vietnamnet.vn)