Ngày Tận thế là một trong những chủ đề phổ biến và thường được đề cập đến trong các bộ phim viễn tưởng. Những hình dung về Ngày Tận thế thường có nhiều điểm chung: con người bị tiêu diệt, nền văn minh sụp đổ và một phần lớn Trái đất trở nên hoang tàn, không ai sinh sống.
Nhưng Nick Pedersen – một hoạ sĩ đa phương tiện sống tại Brooklyn, New York lại có những hình dung riêng về thế giới sau Ngày Tận thế. Những tác phẩm dựng bằng kỹ thuật số của anh khắc hoạ viễn cảnh mà trong đó, con người phải nhường chỗ cho thiên nhiên hoang dã.
Theo các nhà khoa học, mức nước biển dâng lên với tốc độ trung bình 1,8mm/năm trong thế kỷ 20. Nếu xu thế ấm lên toàn cầu của Trái Đất không được ngăn chặn, nhiều vùng đất sẽ bị nước biển nhấn chìm trong tương lai.
Trong hàng trăm năm qua, con người đã tàn phá môi trường sống của nhiều loài động vật. Nhưng điều đó không còn đúng trong thế giới của Nick Pedersen: con người lẩn trốn trong bóng tối, còn những loài động vật hoang tự do xâm chiếm những thành phố đổ nát.
Một thị trấn xinh đẹp bị bỏ hoang, các loài cây, cỏ dại đang âm thầm tấn công và xóa bỏ những gì từng thuộc về cuộc sống con người. Hình ảnh một con báo nằm ung dung, hoàn toàn bình thản trước sự xuất hiện của con người đơn độc.
Trong tưởng tượng của tác giả, nền văn minh đã hoàn toàn sụp đổ và nhường chỗ cho trật tự của thiên nhiên. Những người sống sót sau Tận thế trở về với đời sống nguyên thủy và sử dụng công cụ thô sơ.
Chiếc ô tô – hình ảnh đại diện cho nền văn minh giờ chỉ còn là những đống sắt gỉ sét.
Có thể nói, chủ đề xuyên suốt những tác phẩm của Nick Pedersen là sự mâu thuẫn giữa tự nhiên và con người.
Đường phố đã trở thành một cái ao, nơi đàn vịt bơi lội tung tăng. Hình ảnh này gợi ra sự làm chủ của các loài động vật đối với môi trường sống trên Trái Đất.
Những con cá sấu kiểm soát vùng nước, ngăn không cho con người bé nhỏ đi qua. Đôi khi chúng ta quên rằng, loài người cũng chỉ là một bộ phận nhỏ bé và sự sinh tồn của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào các loài khác trên Trái Đất.
Những thành phố và nhà máy cũ đang biến dần trở lại thành rừng cây. Theo tác giả, sau khi loài người tự đưa mình đến Ngày Tận thế, thiên nhiên sẽ giành lại quyền làm chủ và xây dựng lại ngôi nhà chung cho muôn loài.
Đèn giao thông, biểu tượng cho trật tự xã hội của loài người đã không còn hoạt động. Thay vào đó, các loài thực vật và động vật thiết lập lại trật tự vốn có từ hàng tỉ năm nay của tự nhiên.
Hậu duệ của loài người đang “giao đấu” với con quái vật bằng sắt – một chiếc ô tô cũ nát trong khi các loài động vật khác không mảy may quan tâm.
Con người sau Tận thế dường như không còn giữ được sự thông minh của mình nữa. Liệu những hành động tàn phá môi sinh của chúng ta hiện nay có phải là sự thông minh?
Một tượng đài kỷ niệm về quá khứ huy hoàng đã qua của loài người. Nhiều người lo ngại nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân xảy ra, lời tiên đoán về sự hủy diệt của nền văn minh có thể trở thành hiện thực và con người sẽ trở về thời nguyên thủy.
Những loài động vật rừng sinh sống tự do trong không gian từng thuộc về con người. Sau Tận thế, các loài động vật không còn phải sống trong nỗi sợ hãi bị con người săn bắt để thỏa mãn lòng tham không đáy của mình.
Tuy mang đậm tính chất viễn tưởng, chùm tác phẩm của Nick Pedersen đặt ra nêu bật lên sự xung khắc giữa lợi ích của con người và thiên nhiên hoang dã. Ngày Tận thế có đến hay không có lẽ phụ thuộc rất nhiều vào hành động của mỗi chúng ta hôm nay.
Bạn có thể xem thêm:
Những bức ảnh lặng câm trong thành phố Ngày Tận thế
Run rẩy trước viễn cảnh Địa cầu Ngày Tận thế
(kenh14.vn)