Cùng với việc mất bộ phận sinh dục trong một lần ái ân, những con nhện đực còn vứt đi được khối lượng thừa và trở nên những chiến binh thiện nghệ.
|
nhện đực chỉ còn một đốt xúc giác chứa túi tinh dịch |
Một năm trước, Trường ĐH Singapore đưa tin những con nhện đực thuộc loài có tên khoa học là Nephilengys malabarensis đã tự thiến mình khi khi cặp đôi với nhện cái. Đốt cuối cùng trong chiếc chân xúc giác (mà nhện đực có hai chiếc chân như vậy) đã chuyển hoá thành túi đựng tinh trùng, khi giao hợp đã đưa trọn vẹn vào đường sinh dục của của nhện cái và chiếc “bơm” này đã rụng để nằm lại. Người ta cho rằng việc cơ quan sinh dục của nhện đực nằm lại chính là để trở thành cái nút đạy kín, buộc nhện cái phải “chung thuỷ” vì chẳng một chàng nhện đực nào khác có thể thò “dụng cụ làm tình” của mình vào trút tinh dịch nữa.
Thế nhưng đâu có đúng như ý đồ của chàng nhện ích kỷ và lo xa kia, bởi nhện cái có những hai lỗ sinh dục. Bị đậy một lỗ, nhện cái còn một lỗ thứ hai để dành cho một tình nhân khác. Vả lại, anh chàng đến sau thường có thủ thuật rút “cái nút” mà chàng thứ nhất đã bịt ra.
|
Nhện đực trở thành “thái giám hoàn toàn” lại có khả năng chiến đấu tốt hơn. |
Để bù cho sự thiệt thòi, nhện đực lại khoẻ hẳn ra (nếu như nó sống sót, vì nhện cái cùng như một số côn trùng khác, thích ăn thịt đối tác tình dục của mình sau khi xong việc) và trở thành kẻ hung dữ, đánh nhau rất thiện nghệ, đóng vai trò một chiến binh trận mạc xuất sắc hơn rất nhiều so với vai trò kỵ sĩ ve vãn người tình. Song vì đánh nhau giỏi thì chạy cũng nhanh. Nó dễ dàng thành công ở cuộc tình thứ hai (và cũng là cuối cùng) vì nó đã có kinh nghiệm và trốn thoát nhanh chóng sự truy đuổi của người tình sau cuộc ái ân.
Lại nữa, các nhà sinh học còn nhận thấy khả năng đánh nhau và thắng ở những con nào bị “thiến hoàn toàn” cao hơn hẳn so với những con mới bị “thiến một nửa”.
Các nhà sinh học cho rằng chính sự mất bộ phận sinh dục đã mang lại cho những con nhện đực một ưu thế hiển nhiên trong chiến đấu. Họ đã thử cắt một hoặc hai đốt sinh dục ở các con nhện N. malabarensis đực để kiểm tra tính chịu đựng và dẻo dai của chúng. Nếu cắt một cơ quan sinh dục, khối lượng của nhện giảm 4% và cắt cả hai – giảm 9%. Trong trường hợp đầu, tính chịu đựng (thể hiện sức mạnh) của chúng tăng được 32% và trường hợp sau – tăng lên 80%. Có nghĩa là các chú nhện “thái giám” tiêu thụ năng lượng cho bản thân mình ít đi và cho việc đánh nhau lại tăng hẳn lên.
Nói tóm lại sau khi mất đi “cái quý nhất của người đàn ông” trong cuộc hôn nhân đầu lại giúp những con nhện đực trở thành các dũng sĩ và có cơ hội lớn ở cuộc tình thứ hai để giữ được nguồn gen của mình.
Kết quả nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Biology Letters.
Bảo Châu (Theo science.compulenta)
(vietnamnet.vn)