“Con vàng, mẹ bạc, bố đồng đen” từ trước đến nay vẫn là câu chuyện được lưu truyền trong dân gian. Có lẽ, vì vậy mà đồng đen được coi như một thứ kim loại quý hiếm hơn cả vàng bạc.
Hiện vẫn chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu và cũng chưa có một kết luận nào được đưa ra nên đồng đen mãi vẫn chỉ là một ẩn số.
Quý giá từ những câu chuyện được lưu truyền
Những người yêu Hà Nội không ai không biết tới câu chuyện về trâu vàng Hồ Tây có liên quan tới tượng đồng đen. Theo sự tích trâu vàng Hồ Tây- kho tàng truyện cổ tích Việt Nam do giáo sư Nguyễn Đổng Chi biên soạn thì tục truyền rằng: Minh Không Hòa Thượng (tức Không Lộ thiền sư) sang Trung Quốc để trị bệnh cho hoàng đế Trung Hoa.
Đến khi đức vua khỏi bệnh, bèn lệnh ban thưởng cho đại sư, hỏi người muốn gì. Đức Không Lộ mới hỏi xin bệ hạ cho bần tăng một lượng đồng đen chứa vừa trong cái tay nải này. Được chuẩn y, hòa thượng vào trong kho để lấy. Kì lạ là toàn bộ kho đồng của nước Trung Hoa khi bỏ vào chưa đủ một tay nải của Huyền Không Hòa thượng. Đức vua Trung Hoa rất tiếc nhưng lỡ hứa rồi nên vẫn phải ngậm ngùi cho đi.
Đến khi về nước, Huyền Không mới dùng chỗ đồng đen ấy đúc thành một cái chuông rất lớn đặt ở chùa Trấn Vũ. Chuông đồng đúc xong khi gióng lên tiếng vang xa khắp thiên hạ, tiếng bay sang cả triều đình Trung Hoa. Đồng thời, có một bức tượng con trâu đúc bằng vàng rất lớn được đặt trong cung vua.
Nghe tiếng chuông, trâu vàng tưởng mẹ gọi bèn cựa mình phóng sang Đại Việt rồi nằm phủ phục bên chân chuông đồng. Cho rằng, nếu tiếp tục gióng chuông thì vàng của các nước lân bang sẽ tụ về Đại Việt, nguy cơ về một cuộc chiến tranh sẽ đến gần, ngài Minh Không mới quyết định ném cái chuông xuống hồ Tây.
Bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Quán Thánh được coi là đồng đen |
Tiếng chuông âm vang lần cuối, con trâu vàng bèn nhảy xuống hồ với mẹ. Đức Không Lộ mới truyền rằng: Về sau, nếu gia đình nào có đủ 10 đứa con trai đến bên hồ gọi thì sẽ lấy được cả chuông và trâu vàng. Có gia đình có 9 đứa con trai và nuôi thêm một cậu bé cho đủ 10, đến khi những đứa bé đã lớn, họ đến bên hồ và gọi chuông, trâu vàng.
Chuông nổi lên, gia đình buộc dây thừng vào nấm chuông và kéo vào bờ. Đến khi vào gần đến nơi thì quả chuông quá nặng, người cha mới giục cậu con út: “Nuôi ơi, cố lên!”. Trâu vàng phát hiện ra đứa con thứ 10 là con nuôi nên cùng mẹ lặn xuống hồ.
Từ đó về sau, không ai có đủ 10 đứa con trai để gọi trâu vàng lên nữa. Dân gian vẫn truyền tai nhau rằng những đêm thanh vắng vẫn thấy chuông đồng nổi lên và trâu vàng bơi lội quanh mẹ nó.
Số đồng đen còn dư được đem đúc thành những nhạc khí mà về sau người đời vẫn tôn lên là An Nam tứ đại khí. Thực hư thế nào chưa rõ, chỉ biết hiện nay vẫn còn một bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ cũng được cho là đúc bằng đồng đen.
Trên bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Quán Thánh vẫn còn ghi lại quá trình đúc tượng vào năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677) đời Lê Hy Tông. Tượng cao 3,96m, chu vi 8m, nặng 4 tấn, tọa trên tảng đá cẩm thạch cao 1,2m.
Tượng có khuôn mặt vuông chữ điền nghiêm nghị nhưng bình thản, hiền hậu. Mắt nhìn thẳng, râu dài, tóc xõa không đội mũ, mặc áo đạo sĩ ngồi trên bục đá với hai chân để trần. Bàn tay trái của tượng đưa lên ngang ngực bắt ấn thuyết pháp, tay phải úp lên đốc kiếm, kiếm chống lên lưng rùa nằm giữa hai bàn chân, quanh lưỡi kiếm có con rắn quấn từ dưới lên trên.
Đây được coi như một trong những công trình nghệ thuật, kiến trúc độc đáo của các nghệ nhân Việt Nam cách đây 3 thế kỉ.
Do được truyền đúc bằng đồng đen nên trong chiến tranh, loạn lạc, bất chấp những lời nguyền, những truyền thuyết linh thiêng về đức Huyền Thiên Trấn Vũ, giới đạo tặc vẫn tìm cách để biến làm của riêng mình. Ở chân tượng vẫn còn dấu tích của việc đập phá và tìm cách di dời, tuy nhiên với nhiều lý do khác nhau, pho tượng vẫn không bị mất đi.
Những người già sống xung quanh vẫn còn kể lại, từ thời Pháp thuộc, chính quyền đô hộ đã nhiều lần muốn đem bức tượng đi, thậm chí đốt bằng đèn khò cũng chỉ làm pho tượng nóng đỏ lên, một thời gian sau lại đen óng trở lại.
Điểm qua một hai câu chuyện cũng đủ thấy đồng đen được lưu truyền trong dân gian rất quý và hiếm. Theo các chuyên gia, có thể hiểu theo hai cách: Đồng đen là một kĩ nghệ đúc đồng thuộc loại khó và đã thất truyền nên những đồ vật đúc bằng đồng đen đều thuộc loại quý hiếm.
Thứ hai, đồng đen còn có những công dụng khác, có phần linh thiêng và bí hiểm. Phần truyền thuyết này, trong quá trình lưu truyền trong dân gian lại càng được bồi đắp vào và biến hóa cho thêm phần linh thiêng, huyền bí.
Vì quý và hiếm nên cuộc tìm kiếm đồng đen đã bắt đầu từ hàng ngàn năm nay trong lịch sử. Có nhu cầu đương nhiên sẽ có nguồn cung cấp. Câu chuyện về nguồn cung cũng dẫn đến những thương vụ bất thành trong lịch sử.
Dựa vào cái tiếng của đồng đen để trục lợi, buôn bán gian lận vẫn hấp dẫn những kẻ hám của. Và vì vậy, những vụ án về đồng đen vẫn tiếp diễn và những người bị mê hoặc bởi tính năng của nó vẫn tiếp tục bị lừa.
Có hay không có thứ gọi là đồng đen?
Để đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi kể trên, chúng tôi đã tìm đến với một chuyên gia về đồ cổ hàng đầu ở Việt Nam là ông Vũ Tá Hùng. Tiếp chuyện với chúng tôi, ông
Hùng có cho xem một vài cổ vật được xem như là đồng đen. Chiếc ấm đầu gà thời Thương Chu, chiếc thạp đời nhà Hán, là những cổ vật hiện chỉ còn lác đác một hai thứ tương tự trên thế giới. Hỏi về đồng đen, ông Hùng chỉ cười: “Những thứ này thực chất chỉ là đồng đỏ đúc thành”.
Sau khi dùng giấy giáp cọ sát vào một trong số các cổ vật bằng đồng đen, mài một lớp rất nhẹ thì đằng sau lớp vỏ đen nhánh là một màu đồng ánh đỏ. Kĩ nghệ đúc đồng thời Thương Chu được xem như là một trong những đỉnh cao của công nghệ đúc đồng trên thế giới.
Cho tới thời điểm hiện tại, khi khoa học kĩ thuật đã phát triển ở trình độ cao, vẫn không thể nào đúc được những vật có độ tinh xảo và chất lượng cao như ở thời đại cách đây gần 3.000 năm trước.
Kĩ thuật đúc đồng đỏ là rất khó so với kĩ thuật đúc đồng vàng bởi vì đồng đỏ chỉ nóng chảy ở nhiệt độ hơn 2.000 độ C (tương đương với độ nóng chảy của gốm sứt), trong khi đó, nhiệt độ nóng chảy của đồng vàng chỉ ở 1.000 độ C. Trong thành phần của đồng đỏ bao gồm đồng, vàng và một số hợp chất khác, tỉ lệ và cách thức đến nay đã thất truyền.
Có những chiếc ấm, chiếc thạp được đúc công phu đến mức tất cả những chi tiết bên ngoài như quai, vòi, họa tiết đúc chìm, nổi đều là một khối duy nhất, không có sự can thiệp của những mối nối từ trong cho đến ngoài.
Muốn đúc được đồng đỏ, phải làm những bộ khuôn có sức chịu nhiệt cao, khuôn không được đốt nóng như độ nóng chảy của đồng. Có sự chênh lệch nhiệt độ giữa khuôn và đồng nên khi rót dung dịch đồng vào, thông thường sẽ bị lỗi. Có những chỗ nóng chảy được thì đồng chảy được vào khuôn, những chỗ không đều, khi ra thành phẩm sẽ bị lỗi, bị rỗ bề mặt.
Từ trước đến nay, rất nhiều nơi đã từng làm thử nhưng đều bất thành. Có đổ được đồng với tỉ lệ vàng cao, độ phong hóa thấp thì những sản phẩm cũng không thể chau chuốt như thời kì trước đây hàng ngàn năm, vẫn cần có bàn tay gia công của người thợ.
Một khi đã có dấu vết của sự gọt giũa thì cùng với thời gian, những chỗ này sẽ dần phong hóa và tạo thành những rãnh, làm lộ ra đường nét không thật của sản phẩm, phần khác nếu không được bảo quản tốt còn bị sùi, bị xanh rỉ, bào mòn…
Do trong thành phần có vàng nên khi mới đúc, loại đồng này sẽ có màu hơi đỏ, còn gọi là đồng mắt cua. Khi đúc chuông, nhất là những chuông lớn và các công trình có liên quan tới đền đài, miếu mạo là những nơi linh thiêng thì thường có sự đóng góp của đệ tử thập phương. Vì sùng tín, họ thường rút vàng ném vào nồi đồng đang đun chảy. Có những chiếc chuông được cho là bằng đồng đen, khi đánh vào thì tiếng vang rất xa.
Nếu gọi một cách chính xác, đồng đen chỉ là những đồ đồng có màu đen nhánh. Từ thời nhà Hán đã có những chiếc gương đồng nổi tiếng cũng bằng đồng đen. Độ đen nhánh cao của bề mặt gương có độ phản chiếu đã đảm nhận luôn vai trò của một chiếc gương soi trong thời đại thủy tinh chưa thực sự phát triển.
Là một người nhiều năm nghiên cứu về cổ vật, cũng đã có trong tay hàng chục cổ vật được người trong giới công nhận là đồng đen nhưng ông Hùng cũng thừa nhận: Cho đến nay trên thế giới chưa có một nơi nào, một tài liệu nào công bố về thứ gọi là đồng đen nguyên chất. Có chăng chỉ là những thứ đồng đỏ từ thời Thương Chu cách đây 3.000 năm. Mức độ linh thiêng và quý giá của nó thực chất là ở kĩ thuật đúc đồng mà cho đến nay đã thất truyền. Mọi thứ còn lại chỉ là những giả thuyết. |
Theo ĐS&PL
(vtc.vn)