Tinh Hoa

Tàu ngầm huyền thoại Liên Xô hỏng ‘vì nắp chai bia’

Sau 45 năm ẩn trong màn bí mật, nguyên nhân thực sự của vụ tai nạn trên tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Liên Xô làm 39 người thiệt mạng mới được tiết lộ.

Tàu ngầm K-3 Leninsky Komsomol. Ảnh: RusNavy

Trước khi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc vào ngày 8/9/1967, tàu Leninsky Komsomol hay K-3 có một lịch sử hào hùng. Nó là tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Liên Xô và là chiếc thứ ba trên thế giới.

K-3 là tàu ngầm duy nhất của đề án 627. Tất cả các tàu ngầm sau đó trong dòng tàu ngầm này đều dựa trên kết quả của đề án 627 A. Chiếc tàu ngầm thừa hưởng cái tên Leninsky Komsomol từ tàu ngầm diesel M-106 của Hạm đội Phương Bắc bị phá hủy trong một trận chiến năm 1943. Trong những năm cuối phục vụ, K-3 được tái phân loại từ tàu tuần tra trên biển thành tàu ngầm cỡ lớn.

Liên Xô khởi công chế tạo tàu ngầm ngày 24/9/1955 tại một nhà máy ở Severodvinsk (nay là nhà máy Sevmash) với số ký hiệu 254. Tàu được hạ thủy ngày 10/9/1957 và chính thức phục vụ trong quân đội khoảng một năm sau đó.

Năm 1961, tàu ngầm bắt đầu phục vụ chiến đấu trên biển Đại Tây Dương. Đến tháng 7/1962, lần đầu tiên trong lịch sử Hải quân Xô viết, con tàu thực hiện một nhiệm vụ dài ngày dưới những tảng băng ở Bắc Băng Dương. Nó đã đi qua Bắc cực hai lần. Dưới sự chỉ huy của Lev Zhiltsov, ngày 17/7/1962, tàu K-3 nổi lên gần Bắc cực và thủy thủ đoàn đã giương cao lá cờ Xô viết tại đây.

Đích thân Thủ tướng lúc đó là Nikita Khrushchev và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Rodion Malinovsky đã đứng ở cầu tàu để chào đón sự quay trở lại của tàu ngầm K-3. Người chỉ huy sứ mệnh huyền thoại đầu tiên tới Bắc cực sau đó được vinh danh “Anh hùng Xô viết”. Toàn bộ thủy thủ đoàn cũng đều được trao tặng huân chương và phong cấp bậc.

Con tem in hình tàu K-3 Leninsky Komsomol phát hành năm 1970. Ảnh: Wikipedia

Tuy nhiên, đằng sau chiến công vẻ vang đó, con tàu cũng gặp phải đầy rẫy khó khăn. Do con tàu vẫn còn mới tinh và được thiết kế, chế tạo trong tình trạng vội vàng, nó liên tục cần sửa chữa và bảo dưỡng kỹ thuật.

Trong những năm đầu phục vụ và trong suốt sứ mệnh tới Bắc cực, việc bảo dưỡng con tàu, vốn thường ở trong tình trạng khẩn cấp, được một đội kỹ thuật giàu kinh nghiệm đảm trách. Những công việc kỹ thuật dường như vô tận trên tàu ngầm cùng sự xuất hiện của những mối hàn mới dẫn đến tình trạng phơi nhiễm phóng xạ của đội bảo dưỡng.

Mọi việc sẽ diễn ra êm đềm nếu không có ngày 8/9/1967 định mệnh. Tàu K-3 đang ở ngày thứ 56 trong hành trình tuần tra dưới biển Địa Trung Hải, dưới độ sâu 49 m thì một đám cháy bùng phát từ khoang một và hai. Hệ thống dập lửa tự động sử dụng khí CO2 bỗng trở thành con dao hai lưỡi, giết chết các thủ thủ trên tàu. Thủy thủ đoàn tại khoang I và II ngay lập tức bị ngộ độc khí CO2. Khi cánh cửa khoang II được mở để xem chuyện gì xảy ra bên trong, khí tiếp tục tràn sang khoang III làm một số người nữa bất tỉnh. Các khoang tiếp theo ngay sau đó được đóng hoàn toàn để chặn khí độc bay sang, tàu được lệnh ngoi lên mặt nước.

4 ngày sau vụ tai nạn, con tàu trở về căn cứ. Tổng cộng 39 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng vì nhiễm độc CO2. Nguyên nhân phỏng đoán của sự cố là việc thay thế trái phép một vòng đệm khi lắp máy thủy lực. Khe hở từ cỗ máy này gây rò rỉ dầu thủy lực và bắt lửa. Phản ứng của các thủy thủ được cho là nhanh chóng và đúng đắn.

Hãng BaltInfo dẫn lời phó chỉ huy tàu ngầm lúc đó là Alexander Leskov cho biết tai nạn là do sau sứ mệnh tới Bắc cực năm 1962, thủy thủ đoàn của tàu Leninsky Komsomol đã không tham gia nhiệm vụ chiến đấu suốt ba năm sau đó, khiến khả năng tác nghiệp bị suy giảm đáng kể.

Hoàn cảnh xảy ra vụ hỏa hoạn và hành động của thủy thủ trong vụ tai nạn được giấu kín trong một thời gian dài. Lý giải chính thức cho sự kiện không phản ánh đầy đủ thực tế. Những người sống sót thì bị buộc không được tiết lộ thêm bất kỳ chi tiết nào suốt những thập kỷ sau đó.

Nhưng đến cuối tháng 9/2012 này, một đoàn chuyên gia sẽ chính thức thông báo về nguyên nhân gây ra cái chết của thủy thủ tàu ngầm hạt nhân đầu tiên K-3 Leninsky Komsomol huyền thoại.

“Một vòng đệm không phải loại tiêu chuẩn từ… một nắp chai bia bị lắp vào két tàu. Rõ ràng, nó đã khiến dung dịch thủy lực dưới áp suất 100 atmôtphe bị rò rỉ, bắn vào một cái đèn không có nắp bảo vệ. Ngọn lửa bùng lên ngay tức thì”, Pravda dẫn lời cựu trợ lý chỉ huy của K-3 cho biết.

Ông Leskov phản bác lại kết quả một cuộc điều tra trước đây, cho rằng một thủy thủ đã trèo lên một trong các khoang và hút thuốc lá, gây bắt lửa. Kết luận này được đưa ra khi một ủy ban điều tra lúc đó phát hiện một chiếc bật lửa trong khoang tàu ngầm, cạnh một thủy thủ bất tỉnh. Chính kết luận cho rằng vụ hỏa hoạn chết người do thủy thủ hút thuốc đã dẫn đến việc một số thủy thủ thiệt mạng không được nhận danh hiệu “Anh hùng Xô viết”.

“Một cuộc họp của hội đồng chuyên gia tại quân khu Hải quân sẽ diễn ra vào ngày 30/9/2012 để chấm dứt những đồn đoán về nguyên nhân thảm họa”, Leskov phát biểu trong một cuộc họp báo. 39 thủy thủ hy sinh sẽ được đề nghị trao tặng danh hiệu cao quý của nhà nước.

Sau gần nửa thế kỷ, người ta mới biết nguyên nhân vụ tai nạn là do lỗi của con người, thông qua miếng đệm của một nắp chai bia.

Trọng Giáp (Theo Pravda)

(vnexpress.net)