Báo cáo mới nhất của Liên Hiệp Quốc công bố hôm 26/6 cho thấy khoảng 27 triệu người trên khắp thế giới đang nghiện ma túy nặng. Heroin, cần sa, cocaine và nhiều chất gây nghiện khác tiếp tục là nguyên nhân làm chết khoảng 200.000 người/năm, làm tan vỡ nhiều gia đình, gây ra tình trạng mất an ninh xã hội.
Theo Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC), cần sa là loại được dùng rộng rãi nhất với 224 triệu người ở độ tuổi từ 15 đến 64 sử dụng trên khắp thế giới và châu Âu là thị trường tiêu thụ cần sa lớn nhất.
Còn tại Đông Nam Á, việc trồng cây anh túc (thuốc phiện) đã phổ biến từ lâu với diện tích canh tác tăng 16% trong năm 2011. Myanmar hiện là quốc gia sản xuất thuốc phiện lớn thứ hai thế giới sau Afghanistan.
Trong khi đó, lượng tiêu thụ cocaine đang có chiều hướng giảm tại châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng lại gia tăng tại Nam Mỹ cũng như tại một phần châu Phi và châu Á.
Cây anh túc được trồng hầu như khắp nơi trên thế giới, đặc biệt có những vùng tập trung lớn như Tam giác vàng (Myanmar, Thái Lan, Lào), Lưỡi liềm vàng (một phần Afghanistan và các nước láng giềng Iran, Pakistan, Tajikistan) và ở các nước châu Mỹ Latin – Colombia, Bolivia…
Châu Á nổi tiếng với Tam giác vàng và Afghanistan
Tam giác vàng là khu vực rừng núi hiểm trở nằm giữa biên giới ba nước Lào, Thái Lan, Myanmar, trước đây nổi tiếng là nơi sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới.
Phần lớn diện tích Tam giác vàng nằm trong vùng núi có độ cao 1.000m, có rất ít tuyến đường giao thông lại ở vào một vị trí đặc biệt nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ cả ba nước.
Cánh đồng cần sa |
Đây chính là điều kiện lý tưởng cho việc trồng cây anh túc mà một số nơi chiếm tới 80% diện tích đất trồng.
Nằm trên bờ sông Mekông thuộc địa phận Chiang Rai, một tỉnh biên giới miền Bắc Thái Lan, khu vực này vào những năm 70 của thế kỷ trước từng là đại bản doanh của tay trùm buôn thuốc phiện Khun Sa, có biệt danh “Hoàng tử Chết”, lúc bấy giờ cung cấp đến 60% nhu cầu thuốc phiện của thị trường Hoa Kỳ.
Xứ sở của những người Wa do Bao Youxiang cai quản nằm ở ngay trung tâm của vùng cũng là một trong những nơi nổi tiếng nhất. Bao Youxiang là con thứ sáu trong số tám người con của gia đình một trưởng bộ tộc Wa.
Năm 1989, hắn thành lập quân đội riêng với 40.000 binh sĩ và sau khi đạt được thỏa thuận hòa bình với Chính phủ Myanmar, Bao Youxiang thành lập Nhà nước tự trị Wa (UWSA) rồi trở thành ông trùm mới của vùng Tam giác vàng từ năm 1996.
Cho đến năm 2005, việc buôn lậu ma túy được đặt dưới sự thao túng của UWSA và Hội Tam hoàng 14K hoạt động tại Hongkong – một tổ chức mafia có rất nhiều chân rết ở Bangkok và các nước khác trên thế giới. UWSA chế biến bạch phiến rồi xuất thẳng sang Trung Quốc ngay tại biên giới với Myanmar.
Sau đó ma túy sẽ đi theo con đường trung chuyển tại Vân Nam rồi rẽ ra làm hai ngả: một là Bắc Kinh, Thượng Hải và hai là Quảng Châu, Hongkong.
Nếu cách đây 30 năm, khu vực Tam giác vàng sản xuất trên 70% lượng ma túy trên toàn cầu mà chủ yếu được tinh chế dưới dạng heroin thì ngày nay, theo báo cáo của UNODC, khu vực này chỉ còn cung cấp 5% tổng sản lượng ma túy trên thế giới. Những cánh đồng anh túc năm xưa giờ được thay bằng hoa màu, cây trái quanh năm xanh tốt.
Kiểm soát việc trồng hoa anh túc ở Afghanistan |
Vị trí dẫn đầu về sản xuất ma túy nay thuộc về Afghanistan, được mệnh danh là “công xưởng ma túy” lớn nhất toàn cầu. Hiện Afghanistan đang sản xuất lượng heroin nhiều gấp hai lần so với lượng chế xuất của toàn thế giới mười năm trước với hơn 97% sản lượng heroin toàn cầu có nguồn gốc từ đây.
Mặc cho hàng tỉ đôla tiền viện trợ đã được đổ vào đất nước nghèo nàn này cùng sự hiện diện của hàng chục ngàn binh lính đa quốc gia trong những nỗ lực truy quét, 193.000 hécta anh túc vẫn đang được trồng tại 28 trong số 32 tỉnh của Afghanistan.
Rất nhiều tỉnh ở miền Bắc và Trung Afghanistan trước đây đã chấm dứt hoàn toàn việc trồng anh túc, nay khôi phục lại với sản lượng và diện tích tăng gấp đôi.
Năm 2010, nông dân và những kẻ buôn bán ma túy tại Afghanistan thu hơn 2 tỉ USD từ buôn bán ma túy.
Gần một nửa lượng chất ma túy từ Afghanistan được tiêu thụ trên thị trường châu Âu đặc biệt là nước Nga, được vận chuyển thông qua các nước Trung Á. Ma túy Afghanistan cũng lọt vào Trung Quốc, tới lãnh thổ Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ…
Sản lượng thuốc phiện tại nước này tăng 61%, từ 3.600 tấn trong năm 2010 lên 5.800 tấn trong năm 2011. Heroin sản xuất ở Afghanistan trị giá 30 tỉ USD/năm, một phần không nhỏ trong số tiền này đang tài trợ cho phiến loạn và khủng bố quốc tế, gây nên tình trạng bất ổn định ngày một lan rộng trên thế giới.
Châu Mỹ Latin – thị trường phân phối lớn
Trong khi đó thì Colombia bị coi là nơi sản xuất cocaine và trung tâm buôn bán ma túy lớn nhất toàn cầu. Theo Liên Hiệp Quốc, Colombia là nơi sản xuất và phân phối một nửa lượng cocaine tiêu thụ trên thế giới. Buôn lậu ma túy kiếm được 15 tỉ USD/năm, chiếm 1/7 tổng sản phẩm nội địa của quốc gia này.
Thổ dân ở Colombia đã sống cùng với cây coca, nguyên liệu chính để làm cocaine sau này, trong hàng ngàn năm, còn cần sa – cũng dùng chế biến cocaine – thì chỉ mới được du nhập vào Colombia trong vòng một trăm năm nay theo tuyến đường biển Caribbean.
ố cocaine tang vật lớn nhất từ trước đến nay tại Cục Hải quan Hồng Kông ngày 6-7-2012 |
Vào những năm 1930, việc trồng cần sa quy mô nhỏ đã bắt đầu xuất hiện trong cộng đồng người da đen Costeno ở vùng Barranquilla. Tình trạng trồng các loại cây ma túy nở rộ vào cuối những năm 1960 với cơn sốt ma túy xuất hiện ở Hoa Kỳ.
Vào đầu những năm 1970, Colombia gần như đã trở thành quốc gia cung cấp ma túy số 1 cho Mỹ, mặc dù thị trường khi đó vẫn nằm trong tay giới buôn ma túy Mexico.
Khi chính phủ Mỹ quyết định siết chặt quản lý ma túy vào nửa đầu những năm 1970 và tăng cường triệt phá các trang trại ma túy ở khu vực biên giới Mexico, hoạt động sản xuất cần sa cùng cocaine gần như chuyển hết sang Colombia, đặc biệt là bán đảo Guajira và khu vực Sierra Nevada de Santa Marta nhiều rừng rậm. Tới cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, Colombia chính thức cung cấp 70% ma túy cho Mỹ và các nước trên thế giới.
Nhắc đến sự hoành hành của nạn buôn bán ma túy thì không thể không kể đến Mexico. Xung đột giữa chính quyền và các tổ chức ma túy tại Mexico nghiêm trọng đến mức báo chí cho rằng tương đương với tình trạng chiến tranh.
Kể từ khi lên nhậm chức vào tháng 12/2006, Tổng thống Mexico Felipe Calderon đã thúc đẩy mạnh mẽ cuộc chiến chống ma túy, sa thải hàng trăm cảnh sát và quan chức tham nhũng, bắt giữ gần 100 tên tội phạm buôn ma túy sừng sỏ và huy động 45.000 binh sĩ cùng hàng chục ngàn cảnh sát liên bang để chống lại các băng đảng ma túy khắp cả nước.
Từ đó, những cuộc xung đột vũ trang giữa các băng đảng ma túy với nhau và với lực lượng của chính phủ đã cướp đi sinh mạng của khoảng gần 60.000 người, biến “thị trường” buôn bán ma túy Mexico thành một trong những “chiến trường” đẫm máu nhất thế giới.
Trong bối cảnh chính quyền Mỹ tăng cường giám sát trên mặt đất, đường hầm đã trở thành một cách phổ biến để vận chuyển một lượng lớn ma túy, cần sa và các loại thuốc phiện khác vào Mỹ. Mới đây, hai đường hầm dùng để vận chuyển lậu ma túy được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng và thông gió đã được phát hiện dọc biên giới Mỹ – Mexico. Có đến hơn 70 đường hầm đã được phát hiện ở khu vực biên giới Mỹ – Mexico từ tháng 10-2008 đến nay.
Khách nước ngoài bị bắt giữ vì tuồn ma tuý qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Việt Nam) |
Châu Phi – đường vận chuyển mới
Thế nhưng hoạt động mua bán ma túy không chỉ dừng lại ở các khu vực trên đây mà còn lan đến lục địa đen.
Các quốc gia châu Phi, nhất là những nước bất ổn về chính trị và thường xảy ra xung đột sắc tộc như Somalia, Sudan, Nigeria, các nước Tây Phi… đã trở thành vùng đất lý tưởng cho bọn tội phạm ma túy Nam Mỹ mở những đường vận chuyển mới bằng cách sử dụng tàu buôn, máy bay tầm thấp và cả tàu ngầm để vận chuyển cocaine đến châu Phi.
Hồi tháng 11/2009, hơn 10 tấn cocaine bị phát hiện trong xác chiếc máy bay Boeing 727 bị tai nạn ở Mali, số ma túy này được gửi từ Venezuela.
Đáng lo ngại hơn, các tổ chức khủng bố và các nhóm phiến quân chống chính phủ tại đây đang dùng ma túy để mua vũ khí, trang thiết bị và trả tiền cho lính đánh thuê.
Theo thống kê, hằng năm có khoảng 50-60 tấn cocaine được buôn lậu vào khu vực Tây Phi và 30-35 tấn heroin tại Afghanistan được vận chuyển lậu vào khu vực Đông châu Phi.
Điển hình như nước Cộng hòa Guinea- Bissau – quốc gia nổi tiếng là “Nhà nước ma túy” của châu Phi – cách đây chừng vài năm giá trị của ma túy còn lớn hơn toàn nền kinh tế hợp pháp của nước này mang lại. Cocaine được quá cảnh qua Tây Phi năm 2009 trị giá ước tính 800 triệu USD, trong khi kinh tế Guinea-Bissau chỉ vào khoảng 300 triệu USD một năm.
Việt Nam tích cực chống ma túy
Ngoài Luật Phòng chống ma túy ban hành năm 2000 và được sửa đổi, bổ sung vào năm 2008, Việt Nam đã thành lập nhiều trung tâm cai nghiện ma túy đồng thời xử lý nghiêm khắc các hành vi vận chuyển, buôn bán chất gây nghiện.
Gần đây nhất, theo đánh giá của Cơ quan thường trực Phòng chống tội phạm (Bộ Công an), trong sáu tháng đầu năm 2012 đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển heroin và ma túy tổng hợp với số lượng lớn trên các tuyến Tây Bắc, Bắc miền Trung.
Bên cạnh đó, nổi lên là hoạt động mua bán ma túy tổng hợp của các băng nhóm có yếu tố nước ngoài, sử dụng phụ nữ Việt Nam, Campuchia và Thái Lan, thông qua đường hàng không, đặc biệt là cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, để vận chuyển ma túy từ các nước Trung Đông vào Việt Nam và từ Việt Nam đi nước ngoài tiêu thụ.
Riêng trong tháng 4/2012 đã phát hiện 10 vụ vận chuyển ma túy bằng đường hàng không qua cửa khẩu quốc tế Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, thu giữ 45kg ma túy (Hà Nội 18kg, TP. Hồ Chí Minh 27kg).
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, trong tám tháng đầu năm 2012, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy đã bắt giữ 30kg ma túy đá, tương đương với trên 60.000 liều sử dụng. So với cùng kỳ năm 2011, số lượng ma túy tổng hợp thu được tăng đến 419,9%.
Mặt khác, trong nội địa, các quán bar, vũ trường, khách sạn phát triển rất nhanh nhưng công tác kiểm tra quản lý còn lỏng lẻo là điều kiện thuận lợi để tội phạm buôn bán ma túy hoành hành. Hoạt động điều chế ma túy tổng hợp cũng diễn ra phức tạp ở một số địa bàn như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Nghệ An…
Bà Zhuldyz Akisheva, Giám đốc Cơ quan UNODC tại Việt Nam, nhận định việc lạm dụng các chất từ thuốc phiện, đặc biệt là tiêm chích heroin, vẫn đang là vấn đề bức xúc ở Việt Nam, là nguyên nhân chính lây nhiễm HIV và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với cộng đồng. Bà cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp đang ngày càng gia tăng và trở thành mối đe dọa mới đối với sức khỏe.
Theo thống kê, trên toàn quốc hiện có 171.400 người nghiện, tăng 12.900 người so với cùng kỳ năm ngoái. Có 49 địa phương có người nghiện tăng như: Thái Bình (746 người), Bình Dương (285 người), Thái Nguyên (279 người), Đà Nẵng (368 người)… Trong đó, số người nghiện từ 16 tuổi đến dưới 30 tuổi chiếm 50%, từ 30 tuổi trở lên chiếm 49,8%.
Có thể nói, từ Á sang Âu và đến tận châu Phi đâu đâu cũng có bóng dáng của các tổ chức buôn bán ma túy. Nhật báo Công giáo La Croix ngày 6/9 đã báo động tình trạng ấy qua bài viết “Buôn lậu ma túy, một vấn đề nan giải của cả hành tinh”. Theo báo này, các tập đoàn ma túy hiện có mạng lưới trải rộng khắp thế giới và ngày càng lớn mạnh nhờ tác động của quá trình toàn cầu hóa và việc xâm nhập ồ ạt vào thị trường các nước mới phát triển.
Số lượng người sử dụng các loại ma túy do báo La Croix đưa ra cao hơn nhiều so với báo cáo của Liên Hiệp Quốc. Theo đó ước tính có khoảng 10 triệu người sử dụng heroin, 20 triệu người dùng cocaine, trên dưới 200 triệu người sử dụng cần sa, chưa kể nhiều triệu người dùng các chất ma túy tổng hợp.
Với số lượng khách hàng đông đảo đó, khoản tiền kiếm được từ việc mua bán ma túy dĩ nhiên là con số khổng lồ, ước tính lên đến gần 320 tỉ USD/năm.
Chính vì vậy, cho dù các chính phủ trên toàn cầu đã rất nỗ lực thì việc phòng chống ma túy của thế giới hiện nay vẫn tiếp tục là một cuộc “trường kỳ kháng chiến”.
Theo DNSGCT
(vietnamnet.vn)