Các nhà nghiên cứu đã phát hiện một mảnh răng người cổ đại, 6.500 tuổi, được cho là bằng chứng về hoạt động nha khoa sớm nhất của loài người.
|
Mảnh hàm và răng 6.500 tuổi được tìm thấy ở Slovenia. Ảnh: Daily Mail |
Theo trang Daily Mail, một nhóm chuyên gia ở Italia đã tiến hành nghiên cứu mảnh răng và hàm 6.500 tuổi, vốn được tìm thấy ở Slovenia cách đây hơn 100 năm. Họ tin rằng, các “nha sĩ” cổ đại đã sử dụng sáp ong bôi vào răng “khổ chủ” quanh thời điểm người này qua đời.
|
Chiếc răng được phát hiện có lớp sáp ong (trong phần khoanh màu vàng) trám ngoài vết nứt dọc. Ảnh: PLOS ONE |
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không thể xác định thời điểm diễn ra việc làm đó là ngay trước hay sau khi “khổ chủ” qua đời. Nếu việc đó diễn ra trước khi chết, đây dường như là hành động nhằm giảm đau cũng như sự nhạy cảm do một vết nứt dọc trong các lớp men và ngà của răng gây ra.
Tiến sĩ Claudio Tuniz đến từ Trung tâm Vật lý lý thuyết Quốc tế Abdus Salam – người đứng đầu cuộc nghiên cứu – cho biết: “Nứt răng có thể do các hoạt động không phải nhằm ăn uống, ví dụ như cắn chỉ dệt, như thường thấy ở các phụ nữ thời kỳ đồ đá mới”.
|
Hình mô phỏng răng tổn thương với những vết nứt xuyên qua tế bào răng ở các hướng khác nhau: Vết nứt chính dọc thân răng (màu xanh) và các nứt phụ nằm ngang (màu đỏ). Ảnh: PLOS ONE. |
Bằng chứng về hoạt động nha khoa thời tiền sử rất hiếm, vì vậy, mẫu vật được phát hiện gần Trieste ở Slovenia thời hiện đại có thể giúp hé lộ các hoạt động nha khoa thuở sơ khai.
|
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng nhiều kỹ thuật quét để “nhìn” được bên trong chiếc răng tổn thương và phát hiện lớp trám bằng sáp ong. Ảnh: PLOS ONE. |
Tiến sĩ Federico Bernardini, một thành viên nhóm nghiên cứu, nói thêm: “Phát hiện mới có lẽ là bằng chứng sớm nhất về hoạt động nha khoa tiền sử ở châu Âu và cũng là ví dụ trực tiếp cổ nhất về việc trám răng giảm đau từng được biết đến cho tới hiện giờ”.
Khám phá trên của nhóm tác giả Italia mới đây đã được đăng tải trên tạp chí PLOS ONE.
Tuấn Anh
(vietnamnet.vn)