Nếu sóng thần xuất hiện, 74 lò phản ứng hạt nhân trên khắp hành tinh có thể trở thành hiểm họa đối với con người.
Một nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: blogspot.com. |
Ngày 11/3/2011, động đất và sóng thần khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima I trên bờ biển Nhật Bản tê liệt, dẫn tới hiện tượng nhiên liệu hạt nhân nóng chảy và phát tán ra môi trường bên ngoài. Một nghiên cứu mới của Joaquin Rodriguez-Vidal, một chuyên gia hạt nhân của Đại học Huelva tại Tây Ban Nha, và các nhà khoa học châu Âu khác cho thấy Fukushima I không phải là nhà máy điện hạt nhân duy nhất có khả năng hứng chịu sóng thần. Theo họ, 22 nhà máy trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ tương tự, Livescience đưa tin.
23 nhà máy điện hạt nhân (bao gồm cả Fukushima I) trong danh sách của các nhà khoa học châu Âu sở hữu tổng cộng 74 lò phản ứng. 13 nhà máy vẫn đang hoạt động, trong khi những nhà máy khác sắp ngừng hoạt động hoặc tạm ngừng hoạt động để mở rộng. Do số lượng nhà máy điện hạt nhân ở Đông Á và Đông Nam Á đang tăng dần, hai khu vực này có nguy cơ hứng chịu thảm họa hạt nhân cao nhất nếu sóng thần xuất hiện.
“Điều quan trọng nhất là 19 trong số 27 nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng trên thế giới nằm trong vùng nguy hiểm. Tại Nhật Bản, 7 nhà máy điện hạt nhân nằm trong khu vực có nguy cơ hứng chịu sóng thần, trong đó một nhà máy đang được xây dựng. Hàn Quốc đang mở rộng hai nhà máy trong vùng nguy hiểm”, nhóm nghiên cứu thông báo.
Trong bài báo trên tạp chí Natural Hazards, nhóm nghiên cứu kêu gọi giới chức các nước đề ra những giải pháp đối phó với những hậu quả của sự cố hạt nhân.
“Vị trí của các nhà máy điện hạt nhân là yếu tố quan trọng đối với cả nước sở hữu nhà máy và những khu vực mà chất phóng xạ có thể bay tới nếu thảm họa hạt nhân xảy ra”, Rodriguez-Vidal nói với hãng thông tân SINC của Tây Ban Nha.
Minh Long
(vnexpress.net)