Tinh Hoa

Gieo thói quen gặt tính cách

Cậu ấy nói tiếp: “Hiếm ông bà nào không chiều cháu. Tình yêu ấy gần như là mù quáng, họ có thể dễ dàng nghiêm khắc với con mình, còn với cháu thì không. Chị em mình sau này khéo cũng thế vì tuổi già sợ cô đơn, có lũ cháu quây quần lại cứ quát mắng thì đứa nào muốn đến gần.

Như con nhà em tiếng là đi trẻ thật nhưng mà cũng vô kỷ luật lắm. Mưa không đi học, nắng không đi, ốm thì đương nhiên được ở nhà, chưa kể hôm nào ông thích lại giữ ở nhà chơi với ông cho vui. Vậy là một tháng số ngày đi học chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Từ bé đến giờ khóc chưa được 5’ hết ông lại bà dỗ dành. Nó mới gần bốn tuổi mà bao phen vợ chồng em phải lắc đầu, bó tay vì cứ nói một đằng nó làm một nẻo, phải theo ý nó, không thì giãy giụa, lăn ra hờn khóc bằng được thì thôi”.

Chị im lặng vì thấy giống con nhà mình quá và không còn thấy tự hào, yên tâm tểnh tềnh tênh được ông bà nỏ nom trông con hộ nữa. Dường như ông bà và cả bố mẹ đều khó lòng nhận biết con mình ngoan hay chưa. Chị nghĩ rằng mình phải dành thời gian để định hướng lại suy nghĩ, phân tích cho ông bà hiểu, cây non mới dễ uốn và không phải lúc nào chiều cháu cũng là tốt.

Để làm được trước hết, chị cần tìm được đồng minh chồng. Chị quyết tâm cứng rắn và dọa chồng không rèn được thì đứa sau chị sẽ dọn ra riêng, chịu vất vả một chút còn hơn là bất lực nhìn con lớn lên không theo “lề phải” và cách giáo dục của mình.

Đang loay hoay tìm cách thì đợt đó mẹ chồng nhờ chị chở về quê thăm dì của mẹ đang bệnh, nằm liệt gường.

Vừa lọ mọ đến cổng thì thấy một đám con nít đang đứng chơi. Lũ trẻ nhem nhuốc giương mắt lên nhìn chẳng chào, thằng bé độ ba tuổi ra dáng “đàn anh” đến quát: “Sao mày dám vào nhà tao?”, mẹ chồng chị trố mắt, hai người tiến vào hỏi thăm ông Thuận là con của dì. Nó lại tiếp tục gân cổ lên: “Mày có muốn tao đập chết không?”. Cậu từ trong nhà chạy ra nghe thấy những lời hỗn hào vậy nhưng vẫn bô bô nói cười và chỉ đuổi bọn trẻ ra sân chơi kèm giọng nói bình thản như đã quá quen với thái độ của chúng: “Cháu nội em đấy, bọn quỷ sứ”.

Hai mẹ con ngỡ ngàng đi vào buồng thăm dì, biếu mấy đồng và đặt hộp bánh lên cho bọn trẻ, chả biết có “mật thám” ở đâu báo mà bốn, năm đứa ùa vào, xông đến hộp bánh xé tơi tả, chia nhau không đều còn cấu chí, chửi bới và khóc lóc, chị giận sôi máu, nếu ở nhà chị hẳn mỗi đứa đã được một phát vào mông, nhưng chị còn giận hơn trước sự bình tĩnh của cậu: “Cái lũ này, đã xin bà chưa?”

Đến bữa ăn mới gọi là kinh hoàng, mẹ con chị đã nhất quyết từ chối mà vẫn bị kéo xuống ngồi dưới mâm. Có ba đứa trẻ ăn cùng thôi mà mâm cơm bị dùng đũa ngoắng loạn cả lên, gắp món này nhưng không thích lại vứt trả vào đĩa, người lớn chắc thấy bình thường nên chỉ nhắc mấy câu chiếu lệ rồi thôi.

Trên đường về chị thủ thỉ với mẹ chồng: “Bọn trẻ nhà cậu sống tự do mẹ nhỉ?”. Bà không còn nói câu quen thuộc “Kệ, nó còn trẻ con” nữa mà bà nói xối xả: “Mất dậy chứ tự do gì chúng nó”.

Chị cười thầm rồi nói tiếp: “Thấy cậu có vẻ quen với cảnh ấy nên chẳng thấy phản đối gì, chứ con cũng thấy gai mắt quá! À, hôm đứa bạn con đến chơi cũng góp ý là Nhím nhà mình hơi tự do, đòi gì ông cũng cho, lại chẳng thèm chào khi khách đến nhà…”. Mẹ chồng như tỉnh ra hỏi “Thế à?”, lát sau thì nói: “Phải chỉnh đốn lại ngay”.

Chị cùng chồng liền đưa ra một số nội quy nhờ ông bà giám sát hộ như: Không được ăn kẹo buổi tối, không ăn vặt trước giờ ăn cơm, có khách phải chào hỏi và từ tốn trong ăn uống, khách cho quà phải xin đàng hoàng, họ về mới được bóc ra. Khi bố mẹ mắng cháu, ông bà không được can thiệp…

Biết là khó nhưng vẫn phải làm, nhớ lại bọn nhóc nhà ông trẻ, hẳn bà nội cũng rùng mình nên có vẻ quyết tâm đưa nhóc nhà chị về “lề phải”. Đương nhiên rồi, gieo thói quen, gặt tính cách mà!

TSL