Chuỗi cửa hiệu của công ty bán lẻ lớn nhất thế giới tại thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc) bị cáo buộc bày bán sản phẩm quần áo trẻ em độc hại.
Hồi tháng 8, một người từng cung cấp nguồn hàng thời trang cho chuỗi siêu thị Wal-Mart ở Thâm Quyến phát hiện thấy mùi khó chịu tỏa ra từ loạt sản phẩm của một thương hiệu quần áo trẻ em được bày bán tại đây.
Người đàn ông họ Sun nghi ngờ Wal-Mart bán hàng kém chất lượng và quyết định thông báo sự việc với Học viện Đo lường và Kiểm tra chất lượng Thâm Quyến. Đơn vị này đã cử chuyên gia tiến hành các xét nghiệm nhằm tìm ra hóa chất được sử dụng trong quá trình sản xuất mặt hàng trên.
Hôm qua, 20/9, Thời báo Kinh tế Thâm Quyến đưa tin, kết quả đã chứng minh nghi ngờ của ông Sun là hoàn toàn đúng khi lô quần áo trẻ em đó chứa thuốc nhuộm amine có mùi và có thể phân hủy được. Đây là loại hóa chất bị cấm hoàn toàn trong ngành dệt may.
Quần áo trẻ em bán tại Wal-Mart Thâm Quyến có thuốc nhuộm bị cấm. (Ảnh min họa) |
Qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện thấy lô sản phẩm quần áo nhiễm thuốc nhuộm có khả năng gây ung thư tại Wal-Mart có nguồn từ một nhà máy tại thành phố Đông Hoản – tỉnh Quảng Đông. Điều tra mở rộng giúp cảnh sát phát hiện thêm những sản phẩm quần áo chứa chất độc hại tương tự được bày bán tại một cửa hiệu khác với giá 30 nhân dân tệ (hơn 99.000 đồng), ít hơn giá gốc tới 20 tệ (hơn 66.000 đồng).
Hiện tại, đại diện chuỗi siêu thị Wal-Mart ở Thâm Quyến vẫn chưa đưa ra bất cứ tuyên bố nào. Nhưng nguồn tin của chi nhánh Wal-Mart tại Thượng Hải khẳng định với tờ Thời báo Thượng Hải, những vụ việc tương tự chưa từng xảy ra tại đây do các cửa hiệu luôn tuân thủ nghiêm ngặt quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi bày bán trên giá.
Trước đó, sản phẩm quần áo trẻ em, bao gồm một số thương hiệu nổi tiếng thế giới như Zara và Disney, bán ở Trung Quốc cũng bị phát hiện đã không vượt qua được các kiểm tra bắt buộc liên quan tới chất tạo màu, thành phần forrmaldehyde và chỉ số pH.
Jiang Yanxiang, một kỹ sư ngành dệt may, cho biết: “Một số nhà máy có cơ sở vật chất nghèo nàn, xuống cấp và kỹ thuật sản xuất lạc hậu. Trong khi đó, một số xưởng sản xuất lại chỉ muốn kiếm thật nhiều lợi nhuận mà không thèm quan tâm tới sức khỏe trẻ em. Đó là lý do những mặt hàng quần áo kém chất lượng như trên vẫn xuất hiện trên thị trường”.
Khánh Huyền
(vtc.vn)