Trôi nổi giống như một trái cây khổng lồ ở các vùng biển băng giá của biển Trắng thuộc miền bắc nước Nga, sứa bờm sư tử (tên khoa học Cyanea capillata) được cho là loài sứa lớn nhất thế giới. Nó khổng lồ đến mức nào?
|
Sứa bờm sư tử khổng lồ Cyanea capillata. Ảnh: New Scientist |
Nhà khoa học Alexander Semenov, người đứng đầu các đội lặn tại các trạm sinh vật học biển Trắng đã may mắn chụp được 2 lần loài sứa khổng lồ trong sự nghiệp lặn 10 năm của anh.
“Đó là khoảnh khắc không thể nào quên, thật may mắn khi con sứa xuất hiện trước camera của tôi”, anh Semenov nói trên tạp chí khoa học Anh New Scientist.
Sứa bờm sư tử là loài sứa lớn nhất thế giới và là động vật không xương sống lớn nhất tại biển Trắng. Chúng có thể phát triển cơ thể đến 70cm theo bề ngang và các xúc tu trong suốt của nó có thể kéo dài đến 15m.
“Khi đối mặt dưới biển, nó có thể dễ dàng chạm vào cơ thể bạn dù bạn cố gắng né tránh nó”, anh Semenov cho biết.
Sứa bờm sư tử sử dụng các xúc tu để tiêm chất độc vào con mồi và gây cho nạn nhân nỗi đau đớn nhưng không gây chết người. “Mặc dù tôi có trang bị bộ đồ bơi nhưng con sứa vẫn bắn được chất độc vào khuôn mặt và làm môi tôi bị tê cứng, không thể nói chuyện được trong một giờ đồng hồ”, anh Semenov kể lại.
Sứa bờm sư tử có thể ăn mọi thứ từ cá nhỏ cho tới “xơi tái” cả loài sứa trăng Aurelia aurita. Chúng phàm ăn và đó là lý do tại sao cơ thể nó to lớn đến như thế. Đôi khi trong “dạ dày trôi nổi” của sứa bờm sư tử chứa cùng một lúc từ 5 đến 6 con sứa trăng đang cựa quậy trong tuyệt vọng.
Trạm sinh vật học biển Trắng thuộc quyền quản lý của ĐH Lomonosov Moscow (Nga). Trong suốt mùa hè, các nhà nghiên cứu quốc tế và sinh viên thường viếng thăm nơi đây – “thiên đường” của biển Trắng và ngắm nhìn bãi biển lúc nửa đêm với ánh nắng mặt trời không bao giờ tắt.
Thiên Nhiên
(vietnamnet.vn)