Được vây kín bởi dây thép gai và bao trùm trong những điều mê tín, lâu đài đổ nát của triệu phú người Bỉ hiện vẫn sừng sững ở Ai Cập với những hiện tượng khó lý giải.
Tiếng nói của người chết vang lên trong đêm, đồ đạc di chuyển từ phòng này sang phòng khác, những tấm gương có dính máu…Những hiện tượng nhiễu loạn và không tự nhiên dường như không tương đồng với lịch sử đặc biệt của tòa lâu đài đổ nát này, cư dân địa phương nhận xét.
Dù có hình dáng y hệt những ngôi đền Angkor ở Campuchia, song lâu đài Baron Empain trên thực tế lại tọa lạc ở Heliopolis, ngoại ô của thủ đô Cairo. Nó chỉ cách dinh thự cũ của Tổng thống mới bị lật đổ Hosni Mubarak một tầm ném đá.
Hiện nay, lâu đài bị bỏ hoang này không mở cửa cho công chúng vào. Có nhiều tin đồn rằng những cuộc truy hoan và nghi lễ Xa tăng được tiến hành ở những căn phòng ngầm trong lâu đài song những người gác cửa khẳng định hiện đó là nơi ở của lũ dơi, chó hoang và theo lời một số người dân địa phương thì có cả hồn ma.
Tòa lâu đài được triệu phú, nhà tư bản công nghiệp người Bỉ kiêm nhà nghiên cứu Ai Cập không chuyên, người sáng lập Heliopolis là Edouard Louis Joseph, Baron Empain xây dựng vào cuối thế kỷ 19.
Empain làm giàu bằng việc xây dựng đường ray tàu hỏa ở Bỉ và Pháp. Ông cũng là đạo diễn chính xây dựng Metro ở Paris. Năm 1904, Empain tới Ai Cập để thử và cứu vãn một hợp đồng cho một trong các công ty của ông nhằm xây dựng một đường ray tàu hỏa. Hợp đồng bị mất song Empain vẫn ở lại.
Những năm tiếp theo, Empain mua một vạt sa mạc rộng lớn từ chính phủ thực dân Anh. Từ đây, ông bắt đầu xây dựng Heliopolis – thành phố của sự xa hoa và nhàn rỗi. Nằm chính giữa Heliopolis là lâu đài của chính Baron, nó nằm trên một khu vực cao nhân tạo để từ đó triệu phú người Bỉ có thể quan sát toàn thành phố mọc lên từ sa mạc.
Lâu đài do một kiến trúc sư Pháp thiết kế. Để tới lâu đài, khách phải vượt qua các khoảng sân phủ cỏ xanh, có những bức tượng gợi tình và các loại cây ngoại lai. Phía ngoài tòa nhà được bao phủ bằng các bức tượng thần Hindu, các nhân vật trong thần thoại và voi.
Bên trong lâu đài hiện trống rỗng song trước đây nó có nhiều bức bích họa, cửa mạ vàng, gương Bỉ do nhà thiết kế Georges-Louis Claude làm ra. Tất cả những thứ này đã bị cướp phá từ lâu.
Bên dưới lâu đài là các căn phòng ngầm, từ đây có một đường ngầm được cho là dẫn tới bảo tàng của Empain Baron nằm gần đó. Vẫn chưa hết lạ, tòa tháp chính của lâu đài, trong đó có phòng ngủ của Empain, được xây dựng trên một nền quay, tạo chỗ quan sát 360 độ và luôn có ánh nắng mặt trời.
Kiến trúc tuyệt đẹp của lâu đài Empain đối lập hẳn với cuộc đời bất hạnh của Baron. Bị coi khinh, vợ Baron là Helena đã tự vẫn từ tháp quay. Con gái của cặp vợ chồng này là Merriam bị các vấn đề về tâm lý và ngồi hàng giờ ở trong một trong những căn phòng ngầm khi tâm trạng không tốt. Đó là căn phòng mà cô này chết, chỉ vài năm sau cái chết của người mẹ.
Dù bản thân Baron đi khập khiễng và bị động kinh, thường bị lên cơn ở trong vườn của lâu đài, song ông này đã quay lại Bỉ khi Thế chiến I bùng nổ và qua đời vào năm 1929. Người con trai ăn chơi của Baron chiếm lâu đài cho tới khi qua đời nhưng khi cuộc cách mạng 1952 xảy ra, lâu đài đã bị đem bán.
Khi chính quyền Ai Cập mua lại lâu đài này vào năm 2005, có nhiều người hy vọng chính quyền sẽ sửa chữa nó. Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau khi mở cửa cho công chúng tham quan, nó bị đóng lại không một lời giải thích.
Hiện nay, lâu đài này vẫn trống rỗng. Ngoài các con vật đang cư ngụ trong đó, lâu đài chỉ thu hút những tin đồn, những điều mê tín và ống kính của các du khách đi ngang qua.
- Hoài Linh (vietnamnet.vn)