Tinh Hoa

Khán giả mất niềm tin vào truyền hình thực tế ở VN

Thông tin dồn dập những ngày qua về việc Giám đốc âm nhạc chương trình Giọng hát Việt – Phương Uyên – bị tố dàn xếp kết quả, hay Vietnam’s Next Top Model 2012 bị nghi lộ kết quả top 6 chung cuộc là những giọt nước tràn ly, khuấy đục mặt hồ (vốn dậy sóng từ lâu) của “reality show” phiên bản Việt.

Các thông tin về buổi họp báo giải trình vụ việc của nhà sản xuất The Voice và nhạc sĩ Phương Uyên thu hút hàng trăm comment gửi về VnExpress.net. Độc giả Nguyễn Thanh Hải cho rằng, ban tổ chức đang bưng bít sự thật, còn độc giả Quang Ninh than thở “khán giả đang bị chơi một cú thật đau”.

“Thấy bị lừa dối, bị mất niềm tin” là cảm giác chung của nhiều người. Trên các diễn đàn mạng hoặc mạng xã hội, nhiều khán giả đang bày tỏ sự ngán ngẩm, dị ứng với các chương trình ngoại được du nhập về và chế biến lại bằng “gia vị” nội.

Phương Uyên đã xin từ chức Giám đốc âm nhạc của The Voice phiên bản Việt. Tuy vậy, lời xin lỗi của chị vẫn không giúp một bộ phận khán giả lấy lại được niềm tin với chương trình truyền hình thực tế này. Ảnh: Tường Huy.

Các chương trình như: Thần tượng Việt Nam (Vietnam Idol), Tài năng Việt Nam (Vietnam’s got talent), Bước nhảy Hoàn vũ (Dancing with the stars), Hợp ca tranh tài (Clash of the Choirs), Cặp đôi hoàn hảo (Just the two of us), Tìm kiếm người mẫu Việt (Vietnam’s Next Top Model) chiếm lĩnh màn ảnh nhỏ trong nước nhiều năm qua. Đó chỉ là một phần trong số rất nhiều chương trình truyền hình thực tế trong nước. Nhưng dễ nhận thấy, chỉ có những chương trình dính tai tiếng, vướng scandal mới được nhớ lâu và hút khán giả. Xâu chuỗi hàng loạt scandal, người ta lại nhận ra bóng dáng của những công thức, những chiêu trò không mới được lặp đi lặp lại, đủ làm nhức nhối dư luận.

Lùm xùm của chương trình Giọng hát Việt bắt đầu từ việc một clip dài 8 phút tố nhạc sĩ Phương Uyên dàn xếp kết quả. Scandal lộ clip từng xuất hiện tại cuộc thi Vietnam Idol 2010 khi băng ghi âm thí sinh Đức Anh “văng tục, chửi thề” được tung ra gây xôn xao dư luận.

Sự cố của mẹ con Quỳnh Anh ở Vietnam’s Got Talent là một điều đau lòng, bởi một cô gái trẻ đã phải hứng chịu búa rìu dư luận không đáng có chỉ từ một cuộc chơi.

Năm 2011, chương trình Cặp đôi hoàn hảo – cuộc thi hát dành cho ca sĩ chuyên nghiệp và người bán chuyên nghiệp lần đầu tiên về Việt Nam thu hút sự quan tâm của khán giả. Thế nhưng ngay trong vòng đấu loại trực tiếp đêm bán kết, một clip được tung lên mạng vang lên giọng nói của giám khảo Siu Black: “Chọn áo đỏ đúng không”. Điều này làm dấy lên nghi vấn có sự dàn xếp kết quả.

Tương tự, chương trình Vietnam’s Got Talent 2011 cũng dính lùm xùm khi mẹ của thí sinh Quỳnh Anh lên tiếng tố cáo nhà sản xuất đã cắt xén, dàn dựng kịch bản nhằm mục đích thương mại, câu khách. Theo bà, ngay từ đầu, chương trình đã cho đạo diễn sắp xếp, yêu cầu con gái và gia đình bà nói gì, mặc gì. Sự việc không ngừng lại đó, mẹ của thí sinh này tiếp tục gửi đơn lên Quốc hội, tố cáo chương trình đã lợi dụng con bà và làm tổn thương tinh thần gia đình bà khi bị dư luận “ném đá”.

Còn chuyện lộ kết quả, Vietnam’s Next Top Model đã vấp phải vào mùa giải 2011. Khi cuộc thi mới đi đến tập 8 với 9 thí sinh còn lại, danh sách 4 gương mặt cuối cùng đã rò rỉ ra ngoài. Kết quả nhất – nhì – ba còn bị nghi ngờ là đã có sẵn, không phụ thuộc vào màn trình diễn trong đêm chung kết, khi cư dân mạng phân tích các bức ảnh ở phần thi photoshoot và phát hiện ra cùng một tốp vũ công phân thân diễn cùng lúc với cả Hoàng Thùy và Trà My. Những tưởng ban tổ chức, nhà sản xuất sẽ rút được kinh nghiệm. Nhưng không, Vietnam’s Next Top Model 2012 tiếp tục gây hụt hẫng khi top 6 thí sinh được cho đã lộ diện khi mùa giải năm nay mới ở chặng đầu.

Trước những dấu hỏi về tính bảo mật của chương trình, mới đây, ban tổ chức chỉ phát đi một thông cáo với lời giải thích: “Những ngày qua chúng tôi có nghe một số thông tin kết quả của chương trình. Thay mặt ban tổ chức Vietnam’s Next Top Model 2012, chúng tôi không đưa ra bất cứ bình luận gì vì tất cả dự đoán trên đều không có căn cứ. Vì vậy muốn biết kết quả của sự việc này như thế nào xin mời các anh, chị tiếp tục đón xem chương trình. Chắc chắn Vietnam’s Next Top Model 2012 sẽ còn mang tới nhiều bất ngờ thú vị”.

Liệu khán giả có còn háo hức với Vietnam’s Next Top Model 2012 khi nghi án về việc lộ kết quả vẫn chưa được nhà sản xuất giải đáp thỏa đáng?

Cho rằng khán giả, báo chí suy đoán top 6 không căn cứ, rõ ràng ban tổ chức đang mâu thuẫn với chính những thông tin họ cung cấp. Bởi ngay từ buổi họp báo ngày 8/8, chính ban tổ chức phát đi thông tin top 5 của cuộc thi năm nay sẽ có cơ hội sang kinh đô thời trang New York để chụp ảnh thời trang và ảnh bìa cho một tạp chí danh tiếng.

Khán giả sẽ tiếp tục chờ xem kết quả của Vietnam’s Next Top Model 2012 sẽ như thế nào. Nhưng yếu tố “bất ngờ thú vị” như ban tổ chức đang cố gắng thuyết phục được người xem sẽ khó xảy ra khi ấn tượng về một kịch bản được dàn dựng công phu vẫn còn in đậm.

Nhiều sô thực tế ở Việt Nam khoác chiếc áo là chương trình thiên về các lĩnh vực nghệ thuật: khiêu vũ, âm nhạc, thời trang… Nhưng thực tế, xem chúng, người ta vẫn thấy thiếu bóng dáng của sự chuyên nghiệp, sáng tạo, hóm hỉnh, hài hước và trí tuệ. Thay vào đó là đầy rẫy chiêu trò tố cáo, bôi xấu, vạch mặt nhau, đan xen các tình huống bi kịch đẫm nước mắt… Những điều này khiến cho khán giả từ chỗ ban đầu háo hức đón xem vì rung cảm thực sự, sau đó vỡ lẽ mình đang đặt niềm tin vào những cuộc chơi không “thực tế” như tên gọi.

Thực ra, ngay cả America’s Next Top Model phiên bản gốc cũng có những lùm xùm và bị chỉ trích vì trò xấu. Janice Dickinson, cựu giám khảo của chương trình, từng chia sẻ với báo chí, cuộc chơi này mang tính dàn dựng và không phải ban giám khảo có quyền quyết định người chiến thắng mà chính nhà quảng cáo mới toàn quyền. Vì không chấp nhận sự lũng đoạn này, bà đã rời bỏ cuộc chơi. Janice Dickinson cho rằng, những phiên bản của Next Top Model trên khắp thế giới cũng chịu cảnh tương tự.

Truyền hình thực tế trước hết vẫn chỉ là một sân chơi, một sô giải trí. Một khi đã là cuộc chơi, điều quan trọng nhất vẫn là niềm vui. Thế nhưng, với cách thức hoạt động của một vài chương trình truyền hình thực tế trong nước gần đây, có thể thấy, chuyện chơi bị đẩy lên với những cách thực hiện, nhìn nhận quá nghiêm trọng, cuốn theo vòng xoáy của: Thí sinh khóc, ức chế, giám khảo căng thẳng, khán giả hụt hẫng.

Một khi đã đẩy cảm xúc của người xem lên cao độ thì việc nhà sản xuất phải chấp nhận phản ứng dữ dội, khốc liệt khi có xảy ra nghi vấn dàn xếp kết quả là đương nhiên. Hậu quả là niềm tin của khán giả vào các chương trình vơi đi khá nhiều.

Thoại Hà – Hoàng Dung

(vnexpress.net)