Tinh Hoa

Ngôi đền thủy tinh lấp lánh thần kỳ

Đó là vẻ đẹp hiếm thấy của ngôi đền được ốp thủy tinh lấp lánh tại Johor Bahru.

Tại thành phố Johor Bahru, gần biên giới phía Nam của Malaysia với Singapore xuất hiện một trong những kiệt tác kiến trúc thú vị nhất thế giới – ngôi đền Hindu, có tên Arulmigu Sri Rajakaliamman, được phủ “bộ cánh” gần như hoàn toàn bằng thủy tinh.

Arulmigu Sri Rajakaliamman là một trong những ngôi đền cổ kính nhất ở Johor. Ban đầu, nó là một đền nhỏ, được xây dựng từ năm 1922, sau đó được mở rộng. Đến năm 1991, công trình này mới thực sự được trùng tu khang trang hơn rất nhiều. Hiện tại, thầy tu Sri Sinnathamby Sivasamy giữ vai trò trụ trì ngôi đền, kế tục cha của ông.

Ông đã cống hiến cả cuộc đời cho ngôi đền thủy tinh và là người có công lớn, đã tạo dựng Arulmigu Sri Rajakaliamman trở thành ngôi đền của đạo Hindu tráng lệ như ngày nay.

Mặc dù đối diện với rất nhiều thách thức, trụ trì Sivasamy đã hoàn thành quá trình tu sửa đền chỉ trong vòng năm năm và đến năm 1996, ngôi đền mở cửa trở lại. Đến giờ, Arulmigu Sri Rajakaliamman được biết đến như một biểu tượng của kiến trúc Malaysia nói riêng và nơi tôn nghiêm khác biệt trong thế giới đạo Hindu.

Ông Sivasamy từng đến Thái Lan bằng một chiếc xe kéo khi nảy ra ý tưởng biến Arulmigu Sri Rajakaliamman thành một ngôi đền lấp lánh. Trong khi ngắm nhìn cảnh vật, ông đột nhiên bị chú ý bởi một thứ ánh sáng lấp lánh phía xa.

Tò mò không biết nó phát ra từ đâu, ông quyết định tìm theo dấu vết của luồng sáng và phát phiện ra đó là một tác phẩm nghệ thuật từ thủy tinh trên lối ra vào của một ngôi đền.

Sau đó, ông Sivasamy quyết định sử dụng vật liệu tương tự để biến ngôi đền Arulmigu Sri Rajakaliamman trở nên lấp lánh dưới ánh mặt trời. Giữa năm 2008 và 2009, ngôi đền thủy tinh này hoàn thành quá trình phủ lớp kính màu trong nội thất và bên ngoài ngoại thất.

Ước tính, ngôi đền sử dụng khoảng 300.000 mảnh thủy tinh các màu như đỏ, xanh, vàng, xanh lá, tím và trắng, gắn trên sàn, cột và các bức tường. Có rất nhiều đèn pha lê lớn được treo trên trần của ngôi đền và ánh sáng của chúng phản chiếu tới các mảnh thủy tinh bao quanh.

Thoạt đầu khi bước vào ngôi đền, bạn có thể cảm thấy chói mắt, nhưng khi đã quen dần, bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp, hiệu ứng mờ ảo của ánh sáng đèn trên tường thủy tinh.

Được biết, quá trình trùng tu đền thủy tinh tốn khoảng 1 triệu USD (tương đương 21 tỷ đồng). Nguồn kinh phí này do cộng đồng quyên góp.

Mặc dù Arulmigu Sri Rajakaliamman vẫn tồn tại như một ngôi đền tôn giáo, nó còn thu hút sự quan tâm của khách du lịch. Trước khi ghé thăm ngôi đền thủy tinh, các bạn nên kiểm tra lại thời gian mở cửa đón khách.

Ice Cream
Ảnh: OC